Nam giới cũng có thời kỳ “mãn kinh” giống như nữ giới, khi bước vào thời kỳ này, lượng hor-hormone testosterone giảm xuống, khiến cho cơ thể có biểu hiện thay đổi về thể chất và sức khỏe, cơ thể dễ đi vào tình trạng suy nhược, hoạt động sinh lý trong đời sống vợ chồng giảm sút… Hiện tượng này chính là chứng mãn dục ở nam giới, hay còn gọi là mãn dục nam (MDN).
Tuổi đến, bệnh đến!
Theo ThS. Đoàn Minh Thụy, Tổng thư ký Hội Y học giới tính Việt Nam, tương ứng với thời kỳ mãn kinh ở nữ, ở nam giới là thời kỳ mãn dục. Mãn kinh ở nữ được mô tả từ lâu, từ những năm 1500 trước công nguyên, ở Ai Cập đã có những mô tả về triệu chứng “bốc hỏa” ở nữ hậu mãn kinh. Năm 1710 sau công nguyên, tác giả Titins (Đức) đã hoàn thành luận án tiến sĩ y học đầu tiên mô tả về các rối loạn quanh thời kì này. Ngược lại, cụm từ “mãn dục nam” hay “Hội chứng PADAM - Suy giảm một phần nội tiết tố sinh dục ở người nam có tuổi” thì phải đến đầu thế kỷ 21 mới chính thức được nhắc đến.
Ảnh minh họa. |
Ngày nay, y học đã xác nhận “mãn dục nam giới” cũng là một bệnh. Tình trạng này xảy ra khi lượng nội tiết tố nam (testosterone) trong máu giảm dưới mức bình thường, và thường bắt đầu biểu hiện ở nam giới sau 40 tuổi. Người bệnh có thể có những rối loạn về tình dục như: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, khó có con. Bên cạnh đó, nam giới trong giai đoạn mãn dục còn thường gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác. Theo TS. BS. Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP. HCM, Phó chủ tịch Hội Y Học Giới Tính Việt Nam, MDN tuy có nhiều điểm tương đồng với mãn kinh nữ nhưng ở nam giới vẫn có những điểm khác biệt quan trọng. Đây là một quá trình diễn ra từ từ giữa tuổi 40 và 50, và không có một điểm xác định như là kỳ kinh cuối của mãn kinh nữ. Do đó, những từ mãn kinh nam (male menopause) và MDN(andropause) đã được đề nghị sử dụng, nhưng không nói lên đầy đủ hội chứng này. Gần đây, các chuyên gia đề nghị sử dụng danh từ Hội Chứng Giảm Testosterone (Testosterone Deficiency Syndrome, viết tắt là TDS) là một từ xứng đáng được công nhận xét về mặt chính xác ý nghĩa của nó. Theo thống kê, có khoảng 30% đàn ông trên 45 tuổi mắc phải chứng MDN.
Khoa Nam học BV. Bình Dân là địa chỉ thường xuyên và tin cậy tại TP. HCM về các vấn đề sức khỏe tình dục nam giới. Hiện mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 100 - 200 bệnh nhân gặp các vấn đề về rối loạn sinh sản, bất thường bộ phận sinh dục, các chứng viêm nhiễm và rối loạn nội tiết sinh dục nam (MDN, thường gặp ở người cao tuổi - PV). Các phòng khám nam khoa tư nhân tại TP. HCM và Hà Nội cũng tiếp nhận mỗi ngày hàng chục bệnh nhân liên quan đến chứng bệnh này.
Cần một chiến lược giáo dục toàn diện
Ở Việt Nam, các cơ sở điều trị chuyên khoa Nam học thuộc nhà nước có rất ít. Cơ sở Nam học - BV. Việt Đức là cơ sở đầu tiên hoạt động từ năm 1990 và nay cũng là Trung tâm Nam học đầu tiên trong toàn quốc (thành lập đầu năm 2006). Sau đó, một số cơ sở được hình thành ở 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP. HCM, như phòng khám Nam khoa - BV. Bình Dân mà nhiều người đã biết, khoa Hiếm muộn - BV. Từ Dũ TP. HCM, phòng khám Nam học -BV. Quân đội 103, BV. Phụ sản Hà Nội, bộ môn Nam học Trường Đại học Y Dược học cổ truyền... Hiện nay, các vấn đề về sức khỏe tình dục nam giới nói chung cũng như MDN nói riêng đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các bác sĩ, giới chuyên môn. Bằng chứng là ngày càng có nhiều phòng khám dành riêng cho các vấn đề của “quý anh”, “quý ông” tại TP. HCM và các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các BV cũng hướng đến việc thành lập các khoa Nam học để kịp thời đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh của… phái mạnh.
Các bác sĩ giàu chuyên môn và kinh nghiệm nhận định rằng, hiện số bệnh nhân đến khám và chữa trị MDN không phải là con số chính xác và đầy đủ. Trên thực tế, số lượng bệnh nhân MDN rất lớn. Vì tâm lý “sĩ diện” của đàn ông nên nhiều người không dám đi khám, chạy chữa mà âm thầm chịu đựng... Các nghiên cứu cho thấy, có tới gần một nửa số bệnh nhân không hề có các triệu chứng biểu hiện sự suy giảm về sức khỏe tình dục, đây vốn vẫn được coi là các triệu chứng sớm của bệnh, trong khi nồng độ testosterone vẫn giảm. Điều này đồng nghĩa với việc gần một nửa số bệnh nhân không được phát hiện và điều trị MDN trong khi họ vẫn phải đối mặt với các nguy cơ suy giảm các vấn đề sức khỏe khác như: hoạt động nhận thức, các nguy cơ bệnh lí tim mạch và đái tháo đường týp 2. Vì vậy, cần phải thúc đẩy một chiến lược giáo dục toàn diện cho tất cả nam giới lớn tuổi về nguy cơ và tác hại của những lối sống không tích cực đối với sự suy giảm testosterone như: béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu và ít hoạt động thể lực. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực đã rất có hiệu quả trong việc dự phòng sự suy giảm testosterone.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):