Những điều cần biết về rau chùm ngây, cây chùm ngây
Nhận diện cây chùm ngây và lá rau chùm ngây
Cây chùm ngây có rất nhiều tên gọi khác nhau như cây thần diệu, cây kỳ quan, cây vạn năng, cây độ sinh, cây cải ngựa, cây dùi trống, cây dầu bel…. Cây chùm ngây có đặc điểm hơi giống cây bồ ngót (rau ngót), nhưng lá của cây chùm ngây có màu xanh đậm và mỏng hơn. Hầu hết các bộ phận như lá, hoa, quả, hạt, rễ, thân của cây chùm ngây đều hữu dụng với con người.
Rau chùm ngây nhìn khá giống rau ngót nhưng lá của cây chùm ngây có màu xanh đậm và mỏng hơn
Giá trị dinh dưỡng và công dụng của lá chùm ngây, cây chùm ngây
Lương y Phan Thị Thạnh cho biết trên Sức khỏe và Đời sống, theo nghiên cứu, trong 100g chùm ngây non còn tươi ăn được có 6,35g chất đạm;1,7g chất béo; 8g chất bột đường; 1,9g chất xơ; 3,75 chất khoáng (phosphor, kali, calci, magnesium, đồng, sắt và caroten); các sinh tố B1, B2, PP và C.
Và theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam) cho biết trên Gia đình và Xã hội, hầu hết các bộ phận như hoa, lá, quả, hạt, rễ thân của cây chùm ngây đều hữu dụng với con người. Chẳng hạn, lá chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hoa và quả (tính theo trọng lượng), trong đó vitamin C (hơn cam 7 lần), vitamin A (hơn cà rốt 4 lần), canxi (gấp 4 lần sữa), sắt (gấp 4 lần bó xôi), đạm (nhiều gấp đôi sữa chua) và Potasium (gấp 3 lần quả chuối chín).
Hiện nay, trong các bữa ăn gia đình, lá chùm ngây là loại rau sạch tuyệt vời, với nhiều công dụng và hương vị thơm ngon, độc đáo. Lá chùm ngây được sử dụng để nấu canh với thịt, tôm, nấm… hoặc có thể ăn sống hoặc xay nhuyễn thành nước sinh tố. Lá chùm ngây phơi khô tán bột có thể để rất lâu mà không mất dinh dưỡng.
Hoa chùm ngây có nhiều mật ngọt và giàu dinh dưỡng, làm rau hoặc phơi khô dùng xào, nấu canh, hầm xương…
Lá chùm ngây được sử dụng để nấu canh với thịt, tôm, nấm…
Hạt chùm ngây có thể rang ăn như đậu phộng. Rễ non của cây ăn sống hoặc làm gia vị.
Những lưu ý khi ăn rau chùm ngây
Tiến sĩ Hồ Thu Mai, Bệnh viện Vinmec khuyến cáo trên website của bệnh viện này, không nên ăn quá nhiều rau chùm ngây vì loại cây này có nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi. Nếu ăn nhiều dẫn đến thừa canxi, vitamin C, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe.
Tránh ăn chùm ngây vào buổi tối để đảm bảo giấc ngủ của bạn vì chùm ngây gây mất ngủ.
Phụ nữ mang thai, người có vấn đề về thận cũng không nên ăn chùm ngây. Còn những ai bị dạ dày thì cần chú ý và hạn chế sử dụng.
Các món ngon từ rau chùm ngây
1. Canh rau chùm ngây thịt băm
Món canh rau chùm ngây với sự hòa quyện từ vị ngọt của thịt băm cùng vị đắng nhẹ của rau chùm ngây sẽ nhanh chóng trở thành món ăn ưa thích của gia đình bạn. Hương vị thanh mát của món canh này sẽ giúp bạn giải nhiệt cho ngày hè nóng bức.
Bên cạnh món rau chùm ngây nấu cùng thịt băm, bạn cũng có thể linh hoạt thay thế bằng tôm, cua, thịt bò hoặc các loại nấm như nấm rơm, nấm tuyết và nấm kim châm để đa dạng thực đơn cho mỗi bữa ăn.
Canh rau chùm ngây thịt băm
Chuẩn bị
• 200g rau chùm ngây
• 200g thịt heo băm nhuyễn
• 1,5 lít nước
• Một số gia vị cơ bản gồm dầu ăn, hành tím, hạt nêm và muối
Cách chế biến
Bước 1: Lặt rau lấy phần lá của rau chùm ngây, ngâm qua 1 lần nước muối trong 5 phút, sau đó rửa sạch với 2 lần nước.
Bước 2: Thịt rửa sạch, băm nhỏ. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua sẵn loại thịt được băm sẵn ở siêu thị.
Bước 3: Hành tím lột vỏ và mang đi rửa sạch, sau đó băm nhuyễn.
Bước 4: Cho dầu vào nồi, sau khi dầu nóng vừa, cho hành vào phi lên cho thơm, vàng đều.
Bước 5: Cho thịt băm vào đảo đều trong 1–2 phút.
Bước 6: Sau khi thịt chín và săn lại, hãy cho nước vào nồi đun sôi.
Bước 7: Ngay khi nước sôi, cho tiếp rau chùm ngây vào và để khoảng 1–2 phút rồi tắt bếp. Trong thời gian này, nêm nếm hạt nêm và muối sao cho vừa ăn. Hãy lưu ý tránh nấu rau quá lâu vì chùm ngây rất nhanh chín.
2. Cách chế biến rau chùm ngây xào thịt bò
Bạn cũng có thể xào rau chùm ngây cùng với nhiều thực phẩm khác để làm đa dạng món ăn của mình hàng ngày.
Món rau chùm ngây xào cùng thịt bò là món ăn rất dễ ăn, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình. Nếu bạn muốn con yêu ăn nhiều rau hơn, hãy thử làm món ăn này nhé. Đặc biệt, rau chùm ngây còn có tác dụng chống suy dinh dưỡng cho bé yêu nữa đấy.
Rau chùm ngây xào thịt bò
Chuẩn bị
• 200g rau chùm ngây
• 200g thịt bò
• Một số gia vị cơ bản gồm dầu ăn, hành tím, tỏi, hạt nêm, hạt tiêu và muối
Cách chế biến
Lặt rau để lấy phần lá của chùm ngây, ngâm qua nước muối trong 5 phút, sau đó rửa sạch và để ráo bớt nước.
Thịt bò thái miếng vừa ăn, ướp thêm một ít dầu, hành tím, hạt tiêu và hạt nêm trong vòng 10–15 phút.
Tỏi lột vỏ, rửa sạch, sau đó thái nhuyễn.
Cho dầu vào chảo không dính, sau khi dầu nóng vừa, cho tỏi vào phi thơm.
Lúc tỏi chín vàng, nhanh chóng cho thịt bò vào xào với lửa lớn và đảo đều tay. Ngay khi thịt vừa chín tái thì cho ra đĩa để riêng.
Tiếp đó, cho thêm một ít dầu vào chảo và cho rau chùm ngây vào xào đều tay. Sau 1 phút thì cho phần thịt bò chín tái vào đảo đều tiếp.
Tiếp tục xào thịt và rau thêm một chút. Trong lúc này, bạn nên nêm thêm một ít gia vị và tắt bếp. Tránh xào quá lâu khiến rau bị nhừ hoặc thịt bò bị dai mất ngon.
3. Rau chùm ngây xào trứng
Rau chùm ngây xào trứng
Chuẩn bị
• 500g rau chùm ngây
• 1–2 quả trứng gà
• Hạt nêm, muối, bột ngọt, nước mắm, hành củ và tiêu
• Một ít ngò tây và hành lá băm
Cách chế biến
Sơ chế rau chùm ngây, rửa sạch và để ráo nước. Sau đó, tuốt rau để lấy phần lá.
Đập trứng gà cho vào bát, sau đó khuấy đều và cho thêm một ít nước mắm và tiêu để món ăn đậm đà hơn.
Hành tây lột bỏ vỏ và thái miếng vừa ăn.
Cho dầu vào chảo để nóng, sau đó cho hành tây vào xào sơ.
Sau khi hành tây mềm và trong dần, cho tiếp lá chùm ngây vào, nêm vào 1/2 thìa hạt nêm, 1/4 thìa muối, 1/4 thìa bột ngọt. Hãy xào rau nhanh và đều tay.
Khi rau vừa chín tới, tiếp tục rưới trứng gà vào rau và khuấy đều. Để món ăn đạt yêu cầu, bạn nên để trứng bám đều vào lá rau và hạn chế làm rau bị nát trong khi xào.
Chỉnh lửa ở mức thấp, xào thêm một chút để trứng vừa chín thì tắt bếp.
Cho rau xào trứng ra đĩa và trang trí cùng một ít ngò và hành lá. Nếu muốn đẹp mắt hơn thì bạn có thể nấu theo kiểu trứng tráng rồi cuộn lại và cắt thành từng khúc.
4. Rau chùm ngây trộn gỏi tôm thịt
Rau chùm ngây trộn gỏi
Chuẩn bị
• 1–2 cái đùi gà (bạn cũng có thể thay bằng ức nếu thích)
• 150g tôm sú tươi
• 100g rau chùm ngây
• 1 củ cà rốt
• 1 quả dưa leo
• 50g rau răm
• 50g đậu phộng rang
• Hành tím, tỏi, nước mắm, ớt, đường, giấm hoặc chanh, hạt tiêu
Cách chế biến
Rau chùm ngây tuốt lấy lá, sau đó ngâm qua nước muối trong 5 phút, rửa sạch và để ráo nước.
Rửa sạch thịt gà, cho vào nồi nước sôi, bỏ thêm 1 thìa cà phê muối và luộc chín. Vớt ra cho nguội bớt, sau đó xé nhỏ thành sợi vừa ăn.
Cà rốt và dưa leo rửa sạch, sau đó thái sợi vừa ăn, cho vào ngâm cùng nước muối trong 10–15 phút.
Lặt rau răm lấy phần lá, rửa sạch với nước và thái rối.
Hành tím và tỏi lột vỏ, sau đó băm nhuyễn tỏi và bào hành tím thành các lát mỏng để riêng ra 2 chén nhỏ. Cho hành tím vào chảo nóng phi cho giòn thơm, vàng đều và tắt bếp.
Rang đậu phộng trên chảo với lửa vừa cùng với một ít muối. Sau đó lấy ra lược bỏ vỏ và giã cho nhuyễn bớt.
Cho rau chùm ngây, cà rốt và dưa leo vào bóp sơ cùng với 1 thìa giấm, 1 thìa cà phê đường, 1 ít muối.
Pha nước mắm chua cay theo tỷ lệ 1 phần nước mắm : 1 phần đường : 1 phần nước cốt chanh và 4 phần nước. Tuy nhiên, bạn có thể tùy theo khẩu vị gia đình mà điều chỉnh công thức pha chế riêng. Sau khi thấy vừa miệng, hãy cho thêm ớt đã băm nhuyễn cùng tỏi vào đảo đều.
Cho rau ra đĩa, sau đó cho tôm thịt lên trên và rưới lên một ít nước mắm. Đảo đều trong vài phút cho ngấm gia vị. Bạn đừng cho quá nhiều nước mắm vào khiến rau bị nhừ quá. Hãy để nước mắm ra chén nhỏ để làm nước chấm riêng lúc ăn.
Trước khi ăn, hãy rắc thêm đậu phộng giã nhuyễn cùng hành phi lên, cho thêm rau răm vào để tăng hương thơm, vị bùi béo cho món ăn.
5. Sinh tố từ rau chùm ngây
Để làm món sinh tố từ chùm ngây, bạn nên chọn dùng loại bột xay sẵn thay vì dùng lá chùm ngây tươi nhé.
Sinh tố từ bột chùm ngây - chế phẩm từ lá rau chùm ngây
Chuẩn bị
• 1/2 thìa cà phê bột lá chùm ngây
• Các loại trái cây tươi tùy theo sở thích như xoài, chuối, bơ, kiwi, dâu tây
• 1/2 ly đá viên
• 50 ml sữa đặc
• 50 ml sữa tươi
• 50g sợi dừa hoặc mít tươi
• Một ít đậu phộng
Cách chế biến
Rửa sạch trái cây và cắt thành các miếng vừa, để lại một ít và cho vào máy xay sinh tố.
Thêm vào nửa thìa bột rau chùm ngây hoặc tự điều chỉnh theo sở thích.
Cho thêm vào sữa đặc, sữa tươi. Nếu bạn thích vị béo ngậy, bạn cũng có thể thay sữa tươi bằng kem sữa whipping cream.
Xay nhuyễn hỗn hợp, sau đó cho thêm đá viên vào và tiếp tục xay.
Rót sinh tố ra ly và thêm vào một ít trái cây tươi cắt hạt còn dư. Trước khi thưởng thức, bạn nên thêm vào một ít sợi dừa tươi và đậu phộng giã nhuyễn vào.
6. Rau chùm ngây phơi khô làm trà chùm ngây
Ngoài món sinh tố, bạn cũng có thể học cách chế biến rau chùm ngây thành những ly trà thơm ngon để giúp cung cấp năng lượng cho các hoạt động làm việc và duy trì sự tỉnh táo, tập trung.
Trà chùm ngây chế biến từ lá rau chùm ngây phơi khô
Chuẩn bị
• Tìm mua 400g rau chùm ngây tươi.
• Lặt rau để lấy phần lá chùm ngây, mang đi rửa sạch vài lần nước và để cho ráo nước.
• Cho lá chùm ngây vào một cái bao ni lông lớn và phơi khô với điều kiện nhiệt độ phòng. Trước khi phơi, hãy đục vài lỗ trong bao và treo bao ở trong khu vực mát mẻ tại nhà, tránh ánh nắng trực tiếp.
• Sau khoảng 10–14 ngày, lá chùm ngây sẽ khô lại và có thể bắt đầu chế biến thành trà.
• Sau khi thu hoạch lá khô, bạn hãy cắt nhỏ hoặc nghiền nát thành các mảnh nhỏ. Cho vào một chiếc hũ kín và đậy nắp, bảo quản nơi thoáng mát.
Cách pha chế
Lấy khoảng 1 thìa cà phê lá chùm ngây để nấu trà.
Sau khi đun nước nóng, hãy cho khoảng 500ml nước vào ấm để ngâm trà.
Nếu bạn ưa thích vị ngọt và muốn trà thơm hơn, hãy cho vào ấm vài lát gừng hoặc một ít mật ong nguyên chất.
Sau khoảng 5–10 phút, rót trà ra ly và thưởng thức. Nếu bạn muốn uống lạnh, hãy thêm vào vài viên đá.
Như vậy, bài viết đã cung cấp các thông tin cần biết về rau chùm ngây, cây chùm ngây và các món ngon từ rau chùm ngây. Với 6 cách chế biến rau chùm ngây này, bạn hãy bắt tay vào thực hiện cho các bữa cơm gia đình thêm ngon và bổ dưỡng nhé.