Kể từ tháng 11/2020, thị trường chứng khoán đã chứng khiến sự đi lên mạnh mẽ của giá cổ phiếu nhóm dầu khí. Tuy nhiên, phiên mở màn năm Tân Sửu (17/2) lại đánh dấu một phiên giao dịch bùng nổ về khối lượng giao dịch khi người bán muốn chốt lời còn lực cầu từ các nhà đầu tư vẫn dồi dào.
Theo đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tưng bừng tràn ngập trong sắc tím, khi GAS, PVS, PVD, PVC, PVT, PET, PVB,… đồng loạt tăng trần. Kết phiên 18/2, GAS tăng 3,7% lên 90.100 đồng/cổ phiếu; PVS tăng 5,8% lên 21.800 đồng/cổ phiếu.
PVD tăng 3,3% lên 23.400 đồng/cổ phiếu; PVC tăng 7,1% lên 9.100 đồng/cổ phiếu; PET tăng 4,3% lên 17.150 đồng/cổ phiếu; PVB tăng 4,3% lên 19.500 đồng/cổ phiếu;…
Các mã dầu khí khác cũng tăng mạnh như BSR tăng 3,3%; POW tăng 0,4%; DCM tăng 6,6%; DPM tăng 6,4%;…
Cổ phiếu nhóm ngành dầu khí tiếp tục khả quan kết phiên 18/2. |
Cổ phiếu nhóm dầu khí trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch khai xuân khi thị trường dầu thô thế giới đã ghi nhận hai phiên tăng điểm mạnh kéo giá cả của loại hàng hóa này tăng lên mắc cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2021 ở mức 59,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2021 ở mức 63,27 USD/thùng.
Những diễn biến cực đoan của thời tiết đang trực tiếp tác động lên giá dầu. Hoạt động sản xuất dầu ở Texas đã suy yếu đáng kể vì nhiệt độ quá thấp gây đóng băng dầu và khí ga hóa lỏng tại các giếng dầu và trong các ống dẫn dầu.
Tại Arab Saudi- quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhóm Houthi tại Yemen liên kết với Iran cho biết đã tấn công các sân bay ở nước này cũng làm tăng mối lo ngại về nguồn cung.
Cùng đó, sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu khi việc triển khai vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Triển vọng sáng lạn cho kết quả ngành dầu khí năm 2021
Trong báo cáo phân tích về ngành, SSI ước tính lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi 35,7% trong năm 2021. Các động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngành là PLX (+199% so với cùng kỳ) và GAS (+16,3% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành trong năm 2021 vẫn sẽ giảm -17% so với năm 2019.
Kết quả kinh doanh của Petrolimex (PLX) trong năm 2021 có thể được hỗ trợ nhờ cả giá nhiên liệu tăng và sản lượng tiêu thụ phục hồi về mức trước Covid. SSI ước tính tỷ suất lợi nhuận ròng sẽ tăng trở lại mức bình thường hơn là 2,3% so với mức thấp bất thường trong năm 2020 (0,9%).
Theo đó, khả năng lợi nhuận trước thuế của PLX trong năm 2021 sẽ phục hồi 200% so với cùng kỳ đạt 4,8 nghìn tỷ đồng sau khi ước tính giảm -71,5% trong năm 2020.
Cổ phiếu dầu khí nổi sóng theo giá dầu. |
PV Oil (OIL) và Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) lần lượt lỗ ước tính hơn 200 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng trong năm 2020 do giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của cả hai công ty này dự kiến sẽ tăng trở lại do nhu cầu trong nước phục hồi hỗ trợ giá xăng dầu.
Khi BSR hoàn tất trung tu bảo dưỡng các nhà máy trong năm 2020, sản lượng tiêu thụ sẽ phục hồi 9% so với cùng kỳ trong năm 2021, lên khoảng 6,5 triệu tấn.
Về GAS, SSI ước tính sản lượng khí tăng 9% do có nguồn khí mới (từ mỏ Sao Vàng) và việc thiếu khí từ Block 11.2 trong năm 2020 sẽ không diễn ra trong năm 2021.
Giá dầu FO được giả định tăng +19% cũng sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho GAS. Theo đó, SSI ước tính lợi nhuận của GAS tăng 16,3% trong năm 2020.
Diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu dầu khí đang làm mát lòng nhiều nhà đầu tư, tuy vậy theo nhiều chuyên gia nhóm này đang đối mặt với hai rủi ro tiềm ẩn.
Thứ nhất, giá dầu có rủi ro giảm trở lại. Lịch sử cho thấy, năm 2014, giá dầu xuống thấp do dư thừa nguồn cung quá lớn, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ.
OPEC đã cam kết duy trì sản lượng sản xuất ở mức thấp, nhưng giá dầu trong năm 2021 vẫn là ẩn số, có thể giảm, nhất là trong trường hợp một số thành viên không giữ đúng cam kết mà bí mật tăng sản lượng.
Thứ hai, các mỏ dầu khí mới có thể chưa được khai thác do những vấn đề liên quan đến chính trị, diễn biến tranh chấp tại biển Đông…
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, ngành dầu khí trong những năm gần đây chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, giá dầu giảm và duy trì dưới mức 60 USD/thùng (mức kỳ vọng của các doanh nghiệp đầu ngành); không ít dự án đầu tư của PVN vướng sai phạm và bị thanh tra; tranh chấp tại biển Đông khiến đa số dự án thượng nguồn (khâu thăm dò, khai thác) bị trì hoãn thậm, chí dừng triển khai…
Doanh nghiệp ngành dầu khí cũng chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đây khí là một trong những ngành có mức giảm lợi nhuận sâu nhất trong 9 tháng đầu năm 2020, với mức giảm 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch bệnh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ và giá dầu giảm, khiến doanh nghiệp phải hạch toán giảm giá hàng tồn kho. Trong khi đó, các biện pháp cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh khiến các dự án chậm triển khai.
Với mức giá dầu sắp chạm tới đỉnh lịch sử là ngưỡng lo sợ thì nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này dần chốt lời còn nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu dầu khí lại muốn gom vào. Liệu rằng hiện nay còn có thể ‘lên tàu’ dầu khí để hưởng lợi hay không?