Xây dựng SVĐ lợi ích dân sinh, không bỏ phí
Để hiểu rõ hơn về việc đầu tư xây dựng các SVĐ, nhà thi đấu sao cho có hiệu quả, PV Kiến Thức có buổi trao đổi với ông Phan Anh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Ông Phan Anh Tú. |
Ông Phan Anh Tú cho biết: “Cung điền kinh được xây dựng năm 2009 với mục đích phục vụ cho Indoor Game - Đại hội thể thao châu Á trong nhà, sau khi phục vụ xong cho đại hội thể thao thì dỡ sân điền kinh ra xây dựng 6 sân tennis, phục vụ cho nhiều môn thể thao khác như cầu mây, cầu lông, bóng bàn, tennis, đấu vật và rất nhiều môn thể thao chơi trong nhà".
Nói về 2 trung tâm thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý, ông Tú nói: “Cả 2 trung tâm vận động thi đấu cấp cao Hà Nội và trung tâm huấn luyện Văn hóa thể thao và du lịch chỉ dành cho các vận động viên tập luyện. Còn cung điền kinh ngoài việc phục vụ cho các giải thi đấu lớn, nó được đưa vào phục vụ cho nhu cầu của người dân".
Cung điền kinh trong nhà... |
"Các công trình ở bên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý đều hoạt động hết công suất, không bỏ phí. Thậm chí còn thiếu phải thuê một số nhà thi đấu ở các quận khác, ngoài giờ tập luyện của các vận động viên thì buổi tối người dân vào thuê để tập thể dục, đi bộ rất đông… Sân điền kinh được bóc thành 6 sân tenis và cho người dân thuê mỗi sân trung bình 250.000 đồng/giờ. Số tiền này trả cho tiền điện, vệ sinh”, ông Tú nói.
... đang biến thành sân tennis. |
Theo ông Tú, chi phí đầu tư xây dựng cung điền kinh rơi vào khoảng từ 300- 600 triệu. Đến lúc này, cung điền kinh được sử dụng vào 3 việc chính đó là đào tạo vận động viên, tổ chức các giải thi đấu quốc gia, bên cạnh đó là tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị như hội chợ, các lễ mít-tinh, tuyên dương, chương trình nông thôn mới...
Hoạt động hết công suất
“Các nhà thi đấu và tập luyện thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý chủ yếu tập luyện các môn thể thao như tập bóng bàn, bóng ném, đá cầu, taekwondo, boxing, cử tạ… Những công trình này đều xây dựng đủ tiêu chuẩn phục vụ ASIAD”, ông Tú khẳng định.
Khu liên hiệp thể thao. |
Ông Phan Anh Tú nhấn mạnh: “Thể thao mang lại lợi nhuận bao nhiêu? Đấy là bài toán không cần thiết. Cái thiệt, lợi đừng cân nhắc, điều chúng ta cần là chỗ cho người dân chơi thể thao rèn luyện sức khỏe một cách lành mạnh, chứ không phải là nói tới vấn đề kinh tế.
Nếu đặt lợi ích kinh tế lên trên thì để tiền đó xây dựng các quán bar, quán bia. Còn về thể thao thì thiết chế thể thao trong nghị định của Chính phủ, ở mỗi quận - huyện mỗi người dân được hưởng bao nhiêu mét để tập thể dục. Thay vì để đất xây dựng các quán bia thì tại mỗi địa phương đã dành diện tích nhất định cho việc xây dựng các khu thể thao.
Thử hỏi nếu không có sân Mỹ Đình thì Arsenal đá ở đâu? Asenal có sang Việt Nam đá với đội tuyển Việt Nam hay không? Để người dân có thể xem và hưởng thụ niềm vui bóng đá được không? Do đó, phải có tầm nhìn xa”.
Cân nhắc xây dựng sân vận động phục vụ ASIAD 18
Nói về nguồn kinh phí xây dựng các khu thể thao, ông Tú cho rằng : “Lợi ích đời sống an sinh xã hội, nơi giải trí, môi trường giáo dục, tập luyện thể thao mới là điều cấp thiết. Nhưng vấn đề nước mình đang nghèo nên phải tính sao cho hợp lý, có lợi nhất, cái đang cân nhắc là có đủ tiền để làm các khu thể thao, văn hóa giải trí lành mạnh không?
Khán đài cung điền kinh thường xuyên vắng khách. |
Còn lợi ích kinh tế là vấn đề quốc gia, vấn đề lợi ích kinh tế tốt thì xây dựng được nhiều công trình lớn có tầm nhìn để lại cho con cháu. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng các nhà thi đấu còn ít nên phải làm kinh tế lâu năm. Đầu tư phải xứng tầm, phải có điểm nhấn, phục vụ lợi ích công cộng, an sinh xã hội nhiều hơn so với lợi ích kinh tế. Nhiều người cứ bảo xây to để làm gì, nhưng nó có sự bền vững và giá trị lâu dài.
Đương cử như Tháp Eiffel xây để người xem đến họ không lấy tiền, nhưng nhiều người mua vé máy bay để qua đấy chụp ảnh, thăm quan. Như vậy, nó đã thu được lợi nhuận rất lớn từ công trình này. Công trình Tháp Eiffel (của Pháp – PV) đó là công trình từ thời ông cha của họ để lại. Còn ở nước mình có Văn Miếu, chùa Một Cột lợi ích du lịch mang lại không hề nhỏ”.
Lãi đâu, tiền đâu… không thể quy vào lãng phí
Ông Tú cũng đưa ra các ví dụ: “Bây giờ xây dựng rất to có thể chưa dùng nhưng mai kia dân số đông, đô thị hóa lên, lúc đấy nhu cầu của con người rất lớn, người ta sẽ dùng tới nó. Chứ không thể nào vừa mới xây dựng, bỏ ra số tiền không phải là nhỏ, chưa kịp sử dụng đã bảo lãng phí và cho phá bỏ được.
SVĐ Mỹ Đình cả năm mới tổ chức 3-4 trận bóng đá. |
Chúng ta phải có cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề có chiều sâu, tầm nhìn xa. Như nhà thi đấu Đông Anh được xây dựng sớm nhất hiện nay nhưng vì xây sớm nên công nghệ còn lạc hậu nhất, bây giờ chẳng khác gì chuồng lợn, các khung sắt hoen gỉ dần, hỏng hóc, mái dột nát, khẩu độ hẹp, chơi bóng chuyền cũng không chơi được.
Ngày trước rất hoành tráng, nhưng cho tới hiện tại phải phá đi xây lại. Tuy nhiên, chưa có kinh phí nên nó vẫn được giữ lại để chờ đầu tư xây dựng mới, đạt tiêu chuẩn nhà thi đấu thể thao, đem lại cho người dân sân chơi đạt chất lượng cuộc sống.
Cung điền kinh đạt tiêu chuẩn cấp thế giới, để phục vụ cho ASIAD 2019 chúng tôi sẽ cho tu sửa, kiểm tra các thiết bị hệ thống đảm bảo cho ASIAD. Dự kiến cung điền kinh phục vụ cho ASIAD 2019 ở 2 môn thi đấu là đấu kiếm và taekwondo, còn 3 sân tập luyện bóng đá ở khu thể thao Mỹ Đình thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội quản lý sẽ phục vụ nơi thi đấu môn bắn cung của ASIAD 18 tới đây", ông Tú cho biết.