Đó là quan điểm của TS. Trần Hữu Sơn khi đề cập đến các vấn đề xoay quanh dự án Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Mở cửa từ tháng 9/2010, tuy nhiên hai năm trở lại đây nhiều du khách đến tham quan du lịch tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) không khỏi xót xa, tiếc nuối trước cảnh tượng những ngôi nhà, đồ vật văn hóa của các đồng bào dân tộc Việt Nam đang trưng bày tại đây xuống cấp, hư hỏng ngày càng nặng mà không được duy tu, sửa chữa.
Nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc còn bị cỏ dại nhấn chìm chỉ còn thấy mỗi đỉnh mái. Các sàn tre, khung gỗ thì gãy gập và chỉ cần hai người dẫm đạp lên là có thể gãy bất cứ lúc nào… Trong khi đó, rác thải bủa vây, nhiều nơi nhếch nhác không được dọn dẹp, xử lý để bốc mùi hôi thối phản cảm.
Dự án Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Hà Nội) được đầu tư với số vốn hơn 3.200 tỷ đồng trên diện tích 1.544ha. |
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần chuyển đổi mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, Làng Văn hóa nếu tiếp tục theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, không thể có đột phá trong hợp tác và triển khai hoạt động của Làng và sẽ tiếp tục không hiệu quả.
Cần xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, tiến tới giảm triệt để bao cấp của Nhà nước.
Nhà sàn của một số đồng bào dân tộc thuộc Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không được sửa chữa. |
Nhiều bức tượng gỗ tại vườn tượng điêu khắc Tây Nguyên thuộc Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam bị mục nát, trở thành nơi trú ẩn lý tưởng của mối mọt. |
Xoay quanh vấn đề trên, chiều ngày 22/10, trao đổi với PV Kiến Thức, TS. Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang thiếu cơ chế quan trọng nhất để phát triển đó là phải coi Làng văn hóa là đơn vị sự nghiệp có thu gắn với du lịch chứ không nên chờ đợi ngân sách nhà nước.
“Phải giao cho giám đốc của Làng văn hóa phải coi như một trưởng làng, ông được toàn quyền như một đơn vị doanh nghiệp về đầu tư, sửa chữa các hạng mục… Phải biến nơi này thành điểm đến, cơ chế hoạt động như một đơn vị công lập có thu chứ không phải đơn vị thu hưởng nữa, như vậy sẽ khả quan hơn”, TS. Trần Hữu Sơn phân tích.
Nói về nguyên nhân những ngôi nhà văn hóa của các đồng bào dân tộc bị hư hỏng, TS. Sơn cho rằng: Những ngôi nhà văn hóa đều là do đồng bào các dân tộc tự làm, vật liệu đơn giản đều là tranh tre nứa lá và do không có kinh phí trùng tu và hoạt động thường xuyên nên bị hư hỏng nhanh. Tôi ở miền núi, tôi biết, nếu nhà có người ở sẽ không xuống cấp hoặc chậm xuống cấp điều này là tất yếu. Tại Làng văn hóa, không có người ở, hơn nữa họ để đến tận 7 năm trong khi những vật liệu làm nhà chỉ bằng tranh tre thì không thể nào tránh khỏi. Muốn tránh sự hư hỏng, phải hoạt động thường xuyên.
TS. Sơn dẫn chứng, cách đây khoảng 3 năm, tỉnh Lào Cai đưa đoàn đua ngựa về, thu hút hàng vạn người xem. “Tại sao ở Làng văn hóa không bán vé lấy tiền đi, có chi phí này sẽ bổ sung nguồn thu, từ nguồn thu này sẽ đầu tư sửa chữa, còn ở đây chỉ đợi nhà nước, bao cấp thì rất khó khăn”, TS. Sơn chia sẻ.
Được biết, dự án Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, TP Hà Nội), được đầu tư với số vốn hơn 3.200 tỷ đồng trên diện tích 1.544ha. Đây là một dự án đồ sộ của Bộ VH-TT&DL hứa hẹn thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tham quan mỗi năm để tìm hiểu, chiêm ngưỡng những nét văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ thời điểm mở cửa đến nay nơi này chẳng khác gì khu đất bị lãng quên.