Thông tin về hàng loạt hàng sữa phải thu hồi vì nhiễm vi khuẩn Botulium loại khuẩn có tới 7 loại độc tố thần kinh, gây ngộ độc thịt và có thể gây liệt nghiêm trọng cho người mắc phải khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang lo sợ cho sức khỏe của con em mình. Đặc biệt với những bé đã và đang uống các loại sữa nằm trong danh sách bị thu hồi.
Cách phòng ngộ độc do khuẩn độc Botulium
Trao đổi với Kiến Thức TS. Lâm Quốc Hùng công tác tại Cục an toàn thực phẩm cho biết: "Vi khuẩn C.Botulinum có những ngoại độc tố cực độc, là tác nhân gây bệnh chủ yếu của vi khuẩn này. Chỉ cần vài phần triệu gam – nano gram cũng đủ để gây bệnh.
Hơn nữa vi khuẩn C. botulinum phát hiện có trong nhiều loại sữa thời gian qua có khả năng sống sót rất cao. Nha bào của chúng có thể tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng liên tục. Cũng như có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói ... nhiều tuần. Thậm chí trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra rất nhiều độc tố.
Khi Botulinum được đưa vào cơ thể người, vào đường tiêu hóa sẽ phát triển thành thể sinh dưỡng, sinh ra độc tố và gây bệnh.
Những người nhiễm độc của khuẩn độc này thường có hội chứng viêm dạ dày – ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm. Những bệnh đó diễn biến rất nhanh và có thể tử vong".
Theo TS Hùng thì mọi người đều có thể bị bệnh do vi khuẩn C.botulinum gây ra. Trẻ em dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn do sức đề kháng, miễn dịch thấp hơn và mẫn cảm hơn với độc tố của C.botulinum. Ngoài ra những người hay dùng đồ hộp, thực phẩm xông khói, thực phẩm lên men yếm khí, người làm nghề giết mổ, người lao động tiếp xúc với phân người và động vật.
Mặc dù nguy hiểm những vẫn có thể thực hiện phòng ngừa và diệt loại vi khuẩn độc này. TS. Lâm Quốc Hùng cho biết: "Vi khuẩn sẽ bị diệt ở nhiệt độ 60oC trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng. Vì thế để khử độc tố cần đun sôi thực phẩm ở nhiệt độ 100oC ít nhất 15 phút.
Còn để diệt nha bào cần đun ở 100oC ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160oC ít nhất 30 phút.
Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm đặc biệt những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm C.botulinum; phòng chống ngộ độc thực phẩm do C.botulinum. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; tuyệt đối không ăn, uống phẩm nghi ngờ ô nhiễm C.botulinum.
Trực khuẩn Clostridium botulinum dễ lây nhiễm qua đường tiêu hóa. |
Thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm ở các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn..."
Những loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Botulium
Các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí, thức ăn (thịt, cá ướp, chân giò muối, ủ mắm...) được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm C. botulinum.
Những lò mổ, cơ sở chế biến thức ăn cũng rất dễ nhiễm vi khuẩn Botulium và trở thành môi trường cho khuẩn độc này phát triển mạnh.
Sản phẩm từ sữa, nơi bán sữa, chế biến sữa cũng dễ nhiễm khuẩn độc này.