Bao năm qua, sự linh thiêng của ngôi miếu cổ luôn được người dân nơi đây ca tụng. Những câu chuyện lạ kỳ liên quan tới sự ra đời và sức sống bền bỉ của ngôi miếu đặc biệt này càng hun đúc thêm niềm tin của người dân về sự linh thiêng của ngôi miếu.
Huyền tích kỳ bí về ngôi miếu “thọ” 500 tuổi
Lịch sử làng cổ Phong Nam (Hòa Châu, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) ghi nhận, ngôi miếu này có cách đây khoảng 500 năm. Ban đầu ngôi miếu được dựng bằng gỗ trắc, miếu có bốn cột chính, thờ vị quan thái giám thời nhà Nguyễn trong một lần theo vua đánh giặc thì bị chết, vì có công với đất nước nên được vua ban lập miếu thờ cúng tại đây.
Ngôi miếu cổ nổi tiếng linh thiêng ở làng Phong Nam. |
Ông Văn Hóa (99 tuổi) cho biết: “Xưa làng này có 4 ngôi miếu cổ nằm ở tứ phương bốn hướng của làng. Mỗi ngôi miếu thờ một vị thần, mỗi thần quay về một hướng khác nhau để bảo vệ dân làng tránh khỏi nhưng tai kiếp, cũng như tà thuật của ma quỷ. Đến nay ngôi miếu này là ngôi miếu cổ còn lại duy nhất, cây cổ thụ này cũng 'thọ' ngót 400 - 500 năm.”
Gia phả một số dòng họ trong làng cũng chép rằng, ngôi làng có một ngôi miếu cổ được người xưa lập ra để thờ thần nông, một vị thần trông coi mùa màng. Hàng năm cứ vào ngày 2/7 (âm lịch), dân làng Phong Nam tổ chức cúng bái, cầu xin những điều may mắn, mùa màng tốt tươi.
Theo như những ghi chép còn sót lại thì trước kia ngôi miếu cổ được làm bằng gỗ trắc, trên miếu lợp loại ngói mà chỉ chùa cổ ngày xưa mới có. Sau khi chiến tranh kết thúc, ngôi miếu bị phá dỡ trước sự nuối tiếc của dân làng, biết được sự linh thiêng của ngôi miếu nên người dân dựng lại miếu bằng tre, nứa. Năm 1995 được sự quyên góp của dân làng nên ngôi miếu được xây lại như ngày nay.
Các vị cao niên trong làng cho biết, từ xa xưa những người trong làng rất tin vào sự linh thiêng của miếu này, niềm tin ấy được các thế hệ cha ông liên tiếp truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời khác, ngôi miếu tồn tại hàng trăm năm ở làng cổ Phong Nam này, trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự tàn phá của con người và thiên nhiên, nên ngôi miếu được ngợi ca là sự kết tinh tinh khí của dân làng, là nơi linh thiêng, thanh tịnh.
Bị bom Mỹ oanh tạc vẫn vững như “pháo đài”
Ngôi miếu này được hết thảy người dân trong và ngoài làng tôn kính. Từ những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng của ngôi miếu chỉ những ai sống và trải qua quanh đây mới thấu hiểu được.
Ngay từ những ngày đầu Mỹ chiếm được Quảng Nam - Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng đồn bốt, lập căn cứ nhằm chia rẽ dân cư để dễ dàng cai trị. Làng Phong Nam chính là nơi chúng nhận ra được tầm quan trọng của chiến lược đang sử dụng. Sau khi xem xét địa thế chúng nhận ra rằng chính địa điểm nơi có ngôi miếu cổ thái giám là nơi lý tưởng nhất để lập đồn bốt, căn cứ địa chiến thuật.
Nhằm xây dựng đồn bốt và tiêu diệt những người chiến sĩ cách mạng của ta, chúng quyết tâm phá hoại tất cả những gì gây cản trở. Từ những ngày đầu quân Mỹ tới đây, chúng lập đồn bốt, lùng sục, đánh phá và giết hại dân làng. Chúng phá tất cả những gì gây cản trở, kể cả những ngôi chùa, miếu mạo có ảnh hưởng đến công tác xây dựng của chúng. Ngôi miếu bị Mỹ nhiều lần tới phá hoại. Ban đầu chúng cho lính chặt cây, phá miếu nhưng điều kỳ lạ là mỗi lần có người định trèo lên chặt cây, phá miếu thì đều cảm giác hoa mắt, chóng mặt, có người cảm thấy như có ai đó đang níu chân hoặc đạp cho rơi xuống đất.
Không từ bỏ ý định phá hoại ngôi miếu này, chúng cho xe tăng và pháo nã liên tục vào miếu nhưng điều kỳ lạ là mỗi khi xe tăng chạy gần tới miếu thì bỗng dưng dừng lại, lái xe vội vàng lao ra ngoài nôn mửa, mặt mũi tái nhợt đi. Kỳ lạ hơn nữa những quả pháo mà quân Mỹ dùng để bắn vào miếu đều đột nhiên bị hư hỏng không thể sử dụng được. Quá hoảng sợ vì nghĩ đây là ngôi miếu thiêng nên quân Mỹ đành tháo chạy hết.
Sau khi quân Mỹ rút khỏi vùng đất này, khu vực quanh ngôi miếu cổ trở thành vùng căn cứ kháng chiến của dân và quân miền Trung. Nhiều căn hầm bí mật được xây dựng, nhiều bãi chông ngầm cũng được người dân bố trí ở đây nhằm chống lại quân Mỹ.
Ông Mười Chờ - người từng là cán bộ kháng chiến ở đây cho biết thêm: “Sau khi quân Mỹ hoảng sợ trước sự linh thiêng của ngôi miếu chúng bỏ chạy tán loạn về phía nam của làng lập đồn bốt ở đó, hàng ngày chúng chỉ cho quân đi tuần qua đây lục soát chứ không dám bắn phá vào miếu. Vì thế nhiều hầm bí mật của ta ngay bên cạnh miếu được giấu kín. Lực lượng kháng chiến của ta được an toàn”.
Do là ngôi đình linh thiêng nên quân và dân làng Phong Nam đã quyết định đào 3 căn hầm ngay bên cạnh miếu nơi gốc cây Chim để tránh bom đạn đồng thời là nơi căn cứ địa kháng chiến. Ba căn hầm có ngách ăn thông với nhau để khi bị quân giặc phát hiện thì nhanh chóng sơ tán.
Ông Chờ xúc động kể lại, có lần tại ngôi miếu này có 12 chiến sĩ đang hoạt động dưới hầm thì bị quân Mỹ phát hiện, chúng cho quân ném rất nhiều lựu đạn xuống hầm nhưng tuyệt nhiên chỉ có hai quả phát nổ làm 4 chiến sĩ của ta bị thiệt mạng.
Ông Chờ kể chuyện ngôi miếu nhiều lần bị trúng bom nhưng vẫn nguyên vẹn. |
Ông Lê Đức Chờ, cựu bí thư xã Hòa Châu kể: “Ngày trước tôi làm công tác bí thư xã Hòa Châu, trong thời kỳ chống Mỹ tôi là cán bộ đưa tin cho bộ đội, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mảnh đất nơi đây. Chứng kiến nhiều sự việc kỳ lạ tại ngôi miếu này. Chuyện Mỹ gài bom, mìn phá miếu mà không nổ tôi cũng chứng kiến rồi, nhưng tôi không tin rằng ngôi miếu lại thiêng như thế”.
Không những chỉ có thế, ngôi miếu cổ này từng là nơi chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt. Vào những năm 1967- 1968 nơi đây từng chứng kiến rất nhiều đợt oanh kích khốc liệt của máy bay Mỹ. Điều lạ lùng là dù bị trúng nhiều bom đạn của Mỹ nhưng ngôi miếu không bị hề gì. Nhiều cành cây chim chim cổ thụ bị gãy, thân và gốc cây bị bom cày nát nhưng một thời gian sau lại trở nên xanh tốt bình thường, rễ cây vươn ra bám chi chít bao quanh ngôi miếu.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn vững niềm tin vào sự linh thiêng của ngôi miếu cổ và quyết tâm bảo tồn di tích đặc biệt này. Vào năm 1995, ngôi miếu được người dân quyên góp trùng tu xây dựng lại.