Kỳ 4: Những di tích hiện còn lại ở Ngọa Vân

Từ năm 2007 đến 2013, tổng cộng 15 điểm di tích, chia thành 4 khu đã được phát hiện. Các di tích đều đã bị phá hủy. 

Kỳ 4: Những di tích hiện còn lại ở Ngọa Vân
Như trên đã trình bày, am Ngọa Vân ban đầu chỉ là một am nhỏ được xây dựng trên đỉnh Ngọa Vân. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Trúc Lâm, khu vực am Ngọa Vân được xây dựng và mở rộng với nhiều điểm chùa am khác nhau, biến Ngọa Vân thành một quần thể chùa tháp trên núi Bảo Đài.
Đến thời Lê Trung hưng, khi Phật giáo được phục hưng, nhờ sự phát tâm công đức của phật tử và triều đình, các sư tăng của Thiền phái Trúc Lâm đã cho trùng tu, tôn tạo và xây dựng mở rộng Ngọa Vân, nhiều chùa tháp được mở rộng và xây mới về phía Đông. Nhưng trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và những biến thiên của xã hội, quần thể chùa tháp Ngọa Vân phần lớn đã bị đổ nát và dần chìm vào quên lãng, số di tích còn lại chủ yếu là các di tích được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, các di tích thời Trần đã bị phá hủy hoàn toàn.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ năm 2007, đến nay (2013) đã phát hiện được tổng cộng 15 điểm di tích, chia thành 4 khu, các di tích đều đã bị phá hủy nên tên gọi của di tích phần lớn được gọi theo tên dân gian hiện đang sử dụng hoặc được đặt theo thứ tự phát hiện, những di tích nào sau khi nghiên cứu và định danh được thì gọi theo kết quả nghiên cứu.
Đi theo con đường hành hương từ đền An Sinh, qua khu vực lăng tẩm nhà Trần, men theo suối Phủ Am Trà qua khu Tàn Lọng đến Phủ Am Trà đến dốc Đô Kiệu qua Thông Đàn, đến chùa, am Ngọa Vân rồi vòng tiếp về phía Đông, đến Ngọa Vân 1, Ngọa Vân 2 ra Đá Chồng và đến khu Ba Bậc là chúng ta đã đi một vòng từ phía Tây về phía Đông của toàn bộ quần thể di tích Ngọa Vân. Để tiện theo dõi cũng như nắm bắt những thông tin cơ bản về di tích ở đây, xin giới thiệu một cách khái quát vị trí, tên gọi, lịch sử hình thành và các dấu vết hiện còn của từng điểm di tích trong quần thể di tích Ngọa Vân.
1. Tàn Lọng
Theo câu chuyện dân gian kể về việc tu hành, đắc đạo của vua Phật Trần Nhân Tông hiện còn được kể tại một số làng trong khu vực An Sinh, Tràng An thì, trước khi đến Cửa Phủ phải qua khu vực gọi là khu Tàn Lọng. Tàn Lọng có nghĩa là thu lọng lại. Tàn Lọng là vị trí nằm trên đường lên am Ngọa Vân, đến đây là bắt đầu đi vào rừng già, đường hẹp vì thế không cần và không thể che lọng được nữa và cũng bởi “rừng già che bóng mát, lọng vua không cần che” do vậy phải thu lọng lại.
Trên thực tế thật khó để xác định vị trí chính xác của Tàn Lọng là ở đâu vì việc hạ lọng cũng hoàn toàn không cố định và không bắt buộc. Theo truyền thuyết thì Tàn Lọng là vị trí bãi xe trâu của người Hoa sau này, nó cách Phủ Am Trà khoảng 250-300m về phía hạ nguồn suối Phủ Am Trà. Mặc dù chỉ là truyền thuyết song có thể thấy nó cũng phản ánh ít nhiều sự thật lịch sử. Quan sát bước tranh Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn chi đồ, bức vẽ mô tả Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuống núi chúng ta thấy Phật Hoàng ngồi trên võng, phía sau có người che lọng. Như vậy, việc tồn tại một địa danh gọi là Tàn Lọng cũng có thể hiểu và tin được.
2. Phủ Am Trà
Phủ Am Trà.
 Phủ Am Trà. 
Phủ Am Trà hay còn gọi là Cửa Phủ nằm cách Đô Kiệu khoảng 1000m về phía hạ nguồn của suối Phủ Am Trà, cách Tàn Lọng khoảng 250-300m. Đó là một khu đất hẹp tương đối bằng phẳng nằm cao hơn suối khoảng 5m. Dấu vết còn lại ở khu vực Cửa Phủ là nền móng của một kiến trúc nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Cửa Phủ hiện là nơi thờ thần rừng, thần núi với tư cách như người cai quản khu rừng này, do vậy trước khi vào rừng mọi người phải qua đây thắp hương với ý để xin phép hay trình báo và cầu mong được các vị thần rừng, núi che chở vào bảo vệ. Về mặt tự nhiên, hiện nay, bắt đầu từ khu vực này là phạm vi rừng già, tuy nhiên vào thời Trần hẳn nó phải nằm sâu trong rừng, tức là cửa rừng phải ở xa phía ngoài hơn nữa.
Một điều đáng lưu ý nữa là tên địa danh “Phủ Am Trà”. Phủ và Am là hai khái niệm để chỉ công trình có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, Phủ là nơi thờ nhân thần hoặc thiên thần, còn Am là nơi các tu sĩ Phật giáo tu học. Do vậy, có lẽ trước khi là phủ thì ở đây có một am nói cách khác vị trí của Cửa Phủ vốn trước đó là vị trí của Am có tên gọi là Am Trà nên khi xây dựng phủ người ta đã lấy luôn tên của am để đặt tên cho phủ, vì vậy Phủ được gọi là Phủ Am Trà. Dòng suối chính ở đây cũng được gọi theo tên gọi của phủ này, nó được gọi là suối Phủ Am Trà là vì thế.
3. Đô Kiệu
Đ/c Vũ Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều khảo sát di tích Ngọa Vân. Ảnh: Nguyễn Văn Anh.
 Đ/c Vũ Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều khảo sát di tích Ngọa Vân. Ảnh: Nguyễn Văn Anh.
Đô Kiệu nằm cách Cửa Phủ khoảng 1000m về phía thượng nguồn suối Phủ Am Trà. Đô Kiệu nằm ở vị trí ngã ba của hai dòng suối dồn nước vào suối Phủ Am Trà, tới đây cũng là nơi kết thúc đoạn đường tương đối bằng phẳng, từ đây để lên am Ngọa Vân là phải leo dốc, dốc cao và dài, hai bên là vực sâu. Theo truyền thuyết, Đô Kiệu là nơi dừng kiệu. Trên thực tế với địa hình như dốc này không thể nào đi kiệu được vì thế, xét về mặt ngữ âm, Đô Kiệu chính là cách đọc chệch của Đỗ Kiệu.
Tại Đô Kiệu còn lại nhiều điểm di tích nhỏ, chúng phân bố thành hai khu. Khu vực thứ nhất phân bố trên vị trí đất tương đối bằng phẳng đối diện với khu vực thứ hai qua ngã ba suối Phủ Am Trà tại dốc Đô Kiệu. Khu vực thứ nhất còn một số bó nền kiến trúc, đặc biệt khu này có nhiều loại cây ăn quả như bòng (bưởi), nhãn, vải,.. Chính vì vậy, khu vực này còn được gọi là khu bạt bòng, bạt vải. Trong phạm vi các nền kiến trúc chưa tìm thấy dấu vết của gạch ngói hay các tảng kê chân cột.
Khu vực thứ hai nằm trên sườn phía nam chân núi khu vực Thông Đàn 1, nơi được gọi là dốc Đô Kiệu. Tại đây có 2 cấp nền chính, cấp thứ nhất cao hơn suối khoảng 3m, cấp thứ hai cao hơn cấp thứ nhất nhất khoảng 2m.
Ngói mũi sen in nổi hai chữ Vân Phong tìm thấy tại Đô Kiệu Ảnh: Giang Vĩnh Thịnh.
 Ngói mũi sen in nổi hai chữ Vân Phong tìm thấy tại Đô Kiệu Ảnh: Giang Vĩnh Thịnh.

Hai cấp nền được hình thành bằng việc bạt núi, kè nền để tạo mặt bằng. Trên hai cấp nền này hiện còn một số loại hình vật liệu kiến trúc của thời Trần và thời Lê Trung hưng, trong đó ngói mũi sen thời Lê Trung hưng rất phổ biến. Đặc biệt tại đây cũng đã tìm thấy loại ngói cánh sen trên lưng in nổi hai chữ Vân Phong (雲 夆) là tên khác của chùa Ngọa Vân. Việc tìm thấy loại ngói này ở Đô Kiệu đã chứng minh Đô Kiệu là một phần trong quần thể của Ngọa Vân. Với vị trí và các dấu vết hiện còn tại hai khu vực Đô Kiệu có thể suy đoán chức năng khu vực thứ nhất là khu sinh hoạt với các kiến trúc nhỏ, vườn cây,... và khu vực thứ hai là khu thờ tự.

4. Thông Đàn

Di tích Thông Đàn 1 sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Văn Anh.
Di tích Thông Đàn 1 sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Văn Anh. 

Thông Đàn là một cụm gồm 3 điểm di tích (được các nhà khảo cổ học gọi là Thông Đàn 1, Thông Đàn 2 và Thông Đàn 3) phân bố trên ba sườn núi kéo dài về phía Tây Nam của núi Vây Rồng, trên độ cao trung bình 430 đến 480m so với mặt nước biển. Có nhiều cách giải thích về địa danh Thông Đàn. Có ý kiến cho rằng do ở đây có nhiều cây thông cổ nên gọi là Thông Đàn; ý kiến khác thì cho rằng do có nhiều cây thông cổ, thân và tán cây lớn, ngồi dưới tán cây mỗi khi gió thổi các âm thanh nhiều cung bậc giống như một dàn nhạc mà mỗi cây thông là một nhạc công vì thế nên gọi là Thông Đàn, ý kiến này nghe có vẻ hợp lý hơn cả (!).

Cả ba điểm di tích tại Thông Đàn đều tìm thấy các dấu vết kiến trúc từ thời Trần cho đến thời Lê, Nguyễn, trong đó Thông Đàn 1 ở giữa và nằm trên con đường chính lên am Ngọa Vân đóng vai trò như trục chính của cả khu Thông Đàn. Tại đây, từ năm 2007 đến 2009 các nhà khảo cổ học đã tiến hành các cuộc điều tra và nghiên cứu khảo cổ học. Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy từ thời Trần tại Thông Đàn 1 đã có các công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen được xây dựng để làm nơi thờ tự, các thời sau tiếp tục tôn tạo, xây dựng và phát triển. Thời Lê Trung hưng, cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là giai đoạn phục hưng mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm, quần thể di tích Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo và mở rộng, Thông Đàn 1 cũng được trùng tu tôn tạo.

Dưới thời Lê Trung hưng, tại đây có 2 tòa tháp bằng đá, tháp thứ nhất được xây dựng ở cấp nền trên là tháp Thờ Phật (Phụng Phật tháp - 奉佛塔); Tháp thứ hai được xây dựng ở cấp nền dưới là tháp mộ của một vị Thiền sư mà theo bài vị đặt trong lòng tháp thì thiền sư này thuộc Thiền phái Trúc Lâm, có tên chữ là Viên Mãn Chân Giác vì thế tháp này còn được gọi là tháp Viên Mãn Chân Giác thiền sư. Hai tòa tháp này tồn tại cho đến khoảng những năm 80 của thế kỷ 20 thì bị sập đổ. Năm 2012, với sự hỗ trợ về tài chính của Tập Đoàn An Viên, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Triều và các Phòng ban chức năng của huyện cùng sự tham gia của cán bộ, nhân dân hai xã An Sinh, Bình Khê đã trùng tu phục dựng thành công hai tòa tháp và xây dựng lại toàn bộ khuôn viên di tích Thông Đàn 1, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền, nhân dân địa phương, đồng thời mở đầu cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Ngọa Vân.

Đ/c Nguyễn Văn Lương, Nguyên PCT UBND huyện cùng các nhà khảo cổ học khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Bùi Minh Trí.
 Đ/c Nguyễn Văn Lương, Nguyên PCT UBND huyện cùng các nhà khảo cổ học khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Bùi Minh Trí.
Đ/c Nguyễn Thị Huân - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Lê Đình Ngọc.
Đ/c Nguyễn Thị Huân - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Lê Đình Ngọc. 

Những khảo sát mới đây đã tìm thấy ở phía trên của tháp Phụng Phật, nơi có một mặt bằng rộng khoảng 40m2, nằm cao hơn so với khu vực tháp khoảng 50m có một nền kiến trúc, nền kiến trúc này có thể là một Tịnh thất, nơi dành cho việc tu thiền. Các Tịnh thất kiểu này cũng được tìm thấy ở cụm chùa Ngọa Vân và ở khu Đá Chồng. Ở chùa Hồ Thiên tịnh thất cũng được xây dựng ở trên đỉnh núi phía sau chùa, đây chính là đặc trưng về cấu trúc mặt bằng của một cụm chùa của Thiền phái Trúc Lâm.

Còn nữa...

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013.

Kỳ 1: Am Ngọa Vân

Am Ngọa Vân chính là nơi mà vị anh hùng dân tộc, tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm kết thúc hành trình tu luyện và hóa Phật của mình.

Kỳ 1: Am Ngọa Vân
Năm 1307, Trần Nhân Tông lên tu tại một am nhỏ trên núi Ngọa Vân; tháng 11, Ngài an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, được suy tôn là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.

Kỳ 2: Am Ngọa Vân

Tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông là: hãy vui đạo giữa đời (cư trần lạc đạo), tư tưởng đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kỳ 2: Am Ngọa Vân
Không chỉ là một vị tướng tài mà Trần Nhân Tông còn là một nhà tư tưởng, một nhà thơ và đặc biệt ông chính là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một tông phái Phật giáo đậm chất văn hóa Đại Việt.
Chương II
TRẦN NHÂN TÔNG, ANH HÙNG DÂN TỘC, DANH NHÂN VĂN HÓA
Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần, tên húy là Khâm, ông sinh ngày 11 tháng 11 năm Nguyên Phong thứ 8 (1258). Năm mười sáu tuổi (1274) được sắc phong làm Hoàng thái tử, kết hôn cùng con gái trưởng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngày 22 tháng 10 năm 1278 được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi khi mới 21 tuổi, ông làm vua 14 năm (1278-1293).
Năm 1293, ở tuổi 35, ông nhường ngôi cho con, lui về Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng 1, xuất gia tu tập tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Năm 1299, khi vua Trần Anh Tông đã đủ trưởng thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và tự xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.
Trong lịch sử dân tộc, vua Trần Nhân Tông là một trong những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu. Vốn là người thông minh trời phú cộng với tính ham học, lại thừa hưởng một nền giáo dục hết sức rộng rãi với tinh thần cởi mở; kết hợp kiến thức khoa học với văn chương; quân sự với âm nhạc vì thế, ngay từ khi còn trẻ ông đã học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm bắt một cách sâu sắc.
Nhờ có đủ tầm vóc về bản lĩnh và trí tuệ như vậy nên mặc dù vừa lên ngôi, vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt vượt qua tình thế hết sức hiểm nghèo có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của quốc gia, dân tộc, đó là việc quân Nguyên Mông ráo riết chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, ông đã khéo léo thi hành các chính sách ngoại giao mềm dẻo nhằm tạo cơ hội cho quân dân Đại Việt có thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị khí giới đồng thời khẩn trương tiến hành một loạt biện pháp nhằm nâng cao tiềm lực chính trị, kinh tế, quân sự, vv… để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược mà ông biết chắc chắn rằng nó sẽ diễn ra.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, trên dưới một lòng, anh em hòa thuận, ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại hai cuộc tấn công xâm chiếm của Nguyên Mông, cuộc xâm lược lần thứ 2 (1285) và cuộc xâm lược lần thứ 3 (1288) kết thúc bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng, một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để cho “non sông ngàn thủơ vững âu vàng”2. Dấu ấn của chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng hiện còn lại trên đất Yên Đức của quê hương Đông Triều và những bãi cọc tại Yên Hưng (Quảng Ninh).
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng (1288), tranh sơn dầu.
 Chiến thắng trên sông Bạch Đằng (1288), tranh sơn dầu.
Mặc dù quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi vẻ vang, bảo vệ vững chắc độc lập của dân tộc song một thực tế rõ ràng là, sau chiến tranh không ít làng xóm, gia đình bị li tán, mùa màng bị tàn phá. Trước tình hình đó, chỉ mấy ngày sau chiến thắng, khi về Thăng Long vua Trần Nhân Tông đã ban chiếu, tuyên bố lệnh đại xá cho thiên hạ và tha tô thuế, tạp dịch cho những vùng đã trải qua chiến tranh, các vùng khác tùy vào mức độ bị tàn phá mà giảm.
Tiếp sau đó vua cho ban hành hàng loạt chính sách nhằm khoan thư sức dân, thúc đẩy sản xuất, tiến hành khen thưởng những người có công lao trong hai cuộc chiến, đồng thời tùy vào nặng nhẹ mà xử lý với những người mắc tội, để những người lầm lỡ hàng giặc khi giặc tới xâm lược được yên tâm sống, làm việc và có cơ hội chuộc lại lỗi lầm bằng việc lao động, sản xuất và cống hiến. Vua Trần Nhân Tông đã cho đốt toàn bộ giấy tờ, biểu, tấu mà họ đã gửi xin hàng giặc.
Song song với việc giải quyết chính sách hậu chiến, việc tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng phi quân sự bằng việc “chọn các quan văn chia đi cai trị các lộ” cũng được triển khai để thực hiện việc cai trị đất nước theo pháp luật. Từ đó tạo điều kiện cho người dân mở mang sản xuất, phát triển kinh tế. Với hàng loạt chính sách có tính sách lược và chiến lược được ban hành như vậy, Trần Nhân Tông đã đưa Đại Việt nhanh chóng “bước ra khỏi cuộc chiến”, các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nhân dân được hưởng cuộc sống thái bình thịnh trị. Có được những kết quả đó là nhờ tài năng và công đức của vua Trần Nhân Tông.
Bên cạnh công cuộc tái thiết đời sống vật chất, tạo bộ mặt tươi đẹp cho đất nước và con người, thì việc xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân cũng được vua Trần Nhân Tông quan tâm một cách sâu sắc. Ông tổ chức và gây dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc bằng việc phong thần cho những người có công với dân với nước như Phù Đổng Thiên Vương, Sĩ Nhiếp, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt v.v.. Trong hai đợt phong thưởng cho những người có chiến công trong các cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285 và 1288, vua Trần Nhân Tông đã không quên tỏ lòng biết ơn những vị anh hùng đã khuất bằng cách phong thưởng cho họ các danh hiệu cao quý 3.
Không chỉ là một vị tướng tài mà Trần Nhân Tông còn là một nhà tư tưởng, một nhà thơ và đặc biệt ông chính là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một tông phái Phật giáo đậm chất văn hóa Đại Việt. Tư tưởng Phật giáo của Ông là: hãy vui đạo giữa đời (cư trần lạc đạo), tư tưởng đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và nó được đánh giá là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải.
Am Ngọa Vân (ảnh Anh Minh).
  Am Ngọa Vân (ảnh Anh Minh).
Trên phương diện văn chương, Trần Nhân Tông sáng tác nhiều thể loại văn học khác nhau bao gồm: thơ, phú, ngữ lục, vv.. thơ văn của Trần Nhân Tông “là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do của một nghệ sĩ. Ở đấy cũng thể hiện sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa bình dị, dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác với sự từng trải lịch lãm”4 .
Với những đóng góp lớn lao trong việc lãnh đạo nhân dân Đại Việt trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển về mọi mặt, làm phát triển hơn nữa những giá trị của nền văn minh Đại Việt, ông đi vào lịch sử dân tộc với vị trí một vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Còn nữa...
Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013.

-------------------------------------------------------------------

1. Các vua nhà Trần làm vua một thời gian thì nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng hoàng. Lên làm Thái Thượng hoàng không phải là để nghỉ ngơi mà là để dìu dắt, giám sát và cùng tham gia điều hành đất nước với vua, giúp vua làm quen với việc quản lý, điều hành đất nước. Chế độ này tạo nên tính liên tục trong quản lý và điều hành đất nước của nhà Trần. Ban đầu Thượng hoàng ở Bắc cung tại Thăng Long, khi Thiên Trường được xây dựng thì Thượng hoàng về ở tại cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
2. Trích thơ Trần Nhân Tông
3. Lê Mạnh Thiết. Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb TPHCM
4. Thơ văn Lý - Trần, tập II. tr452

Kỳ 3: Ngọa Vân - thánh địa của thiền phái Trúc Lâm

Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Trần Nhân Tông nên đã trở thành thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.

Kỳ 3: Ngọa Vân - thánh địa của thiền phái Trúc Lâm
Sau khi đã hoàn thành việc bình Bắc, định Nam, yên việc nước việc nhà, tháng 8 năm 1299, từ phủ Thiên Trường, ông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.

Đọc nhiều nhất

Chữ Vạn trên tượng Phật ẩn chứa bí mật linh thiêng nào?

Chữ Vạn trên tượng Phật ẩn chứa bí mật linh thiêng nào?

(Kiến Thức) - Trên ngực các pho tượng Phật, người ta thường nhìn thấy biểu tượng hình chữ Vạn hay còn gọi Swastika. Theo các chuyên gia, chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật. Một số tài liệu khác cho rằng, hình chữ Vạn tượng trưng cho sự giác ngộ vẹn toàn của Phật...

Tin mới

ZenZ thiền - Sống khỏe sống vui!

ZenZ thiền - Sống khỏe sống vui!

"ZenZ - Thiền cho giới trẻ" do nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Dưỡng sinh Thiền Việt tổ chức là một dự án phi lợi nhuận nhằm lan tỏa sâu rộng hơn những lợi ích của thiền định tới sinh viên và giới trẻ.
4 dấu hiệu cho thấy gia đình đang có phúc lớn

4 dấu hiệu cho thấy gia đình đang có phúc lớn

Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi những sai lầm. Nếu đã là quá khứ thì đừng lôi ra để nói, có thế thì càng mâu thuẫn mà thôi. Nếu có mâu thuẫn thì nên giải quyết ngay, nói rõ luôn chứ đừng âm ỉ cháy mãi trong lòng.
Nét đặc biệt của Di tích Quốc gia chùa Tây Phương

Nét đặc biệt của Di tích Quốc gia chùa Tây Phương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Tây Phương. Cùng điểm qua giá trị “đặc biệt” của ngôi chùa này.