Trao đổi với Kiến Thức về cuốn sách "Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khi hậu", GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh cho biết: Kinh tế xanh là vấn đề Đảng, Nhà nước rất coi trọng. Từ năm 2013 Trung ương đã có chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đặt ra nhiệm vụ tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020 là “bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến nâng cao sức tăng trưởng, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2050 và xác định rõ chương trình hành động cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện; Thủ tướng ban hành Quyết định số 339 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh..., bao gồm cả các giải pháp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp trữ ngọt, giảm mặn ở vùng này và Tây Nguyên,... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35 đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường.
Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. |
Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao đổi với các nhà khoa học hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại cuộc gặp mặt ngày 6 tháng 9 năm 2016, ở Việt Nam, phát triển kinh tế xanh vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Chẳng hạn, về nhận thức, nội hàm kinh tế xanh, nội hàm tăng trưởng xanh khác nhau đến mức độ nào, đây là mục tiêu hay phương thức để phát triển.
Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi phải thực hiện một vấn đề “kép” là giải quyết những hậu quả về suy thoái kinh tế, môi trường do “kinh tế nâu” gây ra, trong khi đồng thời phải hướng tới kinh tế xanh và tăng trưởng xanh trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Vấn đề vừa nêu cùng hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn khác liên quan đến chuyển đổi sang kinh tế xanh là những bài toán khó giải trong điều kiện của Việt Nam, đòi hỏi các nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc Hội cần góp sức nghiên cứu, giúp Chính phủ có đáp án, trước hết là cho những bài toán như cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển xanh, vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế xanh...
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã khẩn trương huy động lực lượng hội viên, mời các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước biên tập tài liệu có giá trị nhằm từng bước giải đáp nhũng vấn đề đang đặt ra.
Cuốn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. |
Với 667 trang, cuốn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã truyền tải một cách tương đối hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế xanh mà chúng ta đang rất quan tâm. Về mặt lý luận, cuốn sách trình bày một số vấn đề lý luận kinh tế xanh được chắt lọc theo nhiều cách tiếp cận khác nhau, đưa ra những nhận định rõ ràng về chủ trương và định hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Với khối lượng áp đảo về số trang trong phần thứ nhất của cuốn sách, các tác giả phân tích khá nhuần nhuyễn các nội dung xanh hóa sản xuất công nghiệp, xanh hóa nông nghiệp, xanh hóa tiêu dùng và cả xanh hóa lối sống đô thị và nông thôn. Vấn đề đặc biệt khó khăn là việc huy động nguồn lực, trước hết là tài lực cho phát triển kinh tế xanh cũng đã được mạnh dạn trình bày, không tránh né. Cho đến lúc này, đây là trường hợp đầu tên khi các nhà khoa học nêu lên chính kiến của mình một cách mạnh dạn, hệ thống và khá đầy đủ về những vấn đề lý luận phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Rất đáng chú ý khi phần hai của cuốn sách mạnh dạn tổng hợp và đề xuất rất nhiều các mô hình thực tiễn của một số quốc gia và tổ chức quốc tế đi đầu trong phát triển kinh tế xanh, và đặc biệt là của Việt Nam. Đây có thể chưa phải là những mô hình theo đúng nghĩa, nhưng đều là những điển hình thực tế, hoặc là những dự kiến có tính khả thi cao từ cách tiếp cận kinh tế xanh ở tầm quốc gia cho tới các điển hình trong từng nhà máy công nghiệp, trong khu vực nông nghiệp và nông thôn,trong xây dựng công trình cũng như trong lối sống tại các khu dân cư, trong các hành vi tiêu dùng của cộng đồng, của người dân. Những điển hình thực tế này một mặt rất đáng để chúng ta phải nghiên cứu, hoàn thiện, nhưng mặt khác, quan trọng hơn, là cho ta cách tiếp cận thực tiễn phát triển kinh tế xanh mà có lẽ ta chưa đánh giá được hết giá trị. Có thể đồng tình với nhận xét của các tác giả là việc phát hiện, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình thực tế trong sản xuất và đời sống là con đường hiện thực, nhanh và có hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Phải nói thêm rằng, danh mục các tài liệu tham khảo và phần các thuật ngữ liên quan đến Kinh tế xanh cũng được các tác giả sưu tập khá công phu, có thể giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu Kinh tế xanh.