Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng 19/6 của Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC), các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế lên tới 800 tỷ đồng, gấp 2,5 lần và cổ tức tăng gấp đôi lên 12%.
ĐHĐCĐ thường niên sáng 19/6 của KIDO |
Chi tiết hơn, ông Mai Xuân Trầm, Phó Tổng Giám đốc KIDO cho biết để hoàn thành kế hoạch này, KIDO đã xây dựng kế hoạch hành động, phân hóa cụ thể vai trò cho từng mảng kinh doanh cốt lõi gồm: Dầu ăn – Bơ; Gia vị; Bánh và Bánh bao; Kem.
Cụ thể, với ngành dầu ăn – bơ, KIDO hướng đến trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành dầu ăn ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu ngành bơ 11 năm liên tiếp. Trong đó, ngành dầu ăn biến động lớn trong năm nay, KIDO thay đổi chiến lược bằng việc đi chắc, tham gia thực tế, thận trọng hơn. Do đó, 6 tháng qua ngành dầu nhìn chung khó khăn nhưng KIDO vẫn đạt khả quan.
Đối với ngành hàng gia vị, đây là ngành hàng chiến lược của KIDO trong việc hiện thực hóa chiến lược “Lấp đầy gian bếp Việt”. Sau đợt ra mắt chính thức của ngành hàng vào tháng 12/2023 với những sản phẩm nước mắm – hạt nêm, trong năm 2024, KIDO tiếp tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm và ngành hàng gia vị thiết yếu như nước mắm, hạt nêm, nước tương, bột gia vị…
Ngành hàng bánh, KIDO mở rộng phân khúc giá, phân khúc sản phẩm. Trong đó với bánh trung thu, KIDO nghiên cứu và ra mắt các loại nhân xốt mới lạ, độc đáo, cao cấp, bao bì bắt mắt, phục vụ nhu cầu biếu tặng ngày càng phát triển.
Với ngành hàng bánh bao, sau thương vụ M&A Thọ Phát, KIDO đã thực thiện loạt hoạt động chuyển đổi trong nội bộ doanh nghiệp để tương thích với cấu trúc và mô hình hoạt động của Tập đoàn. Giai đoạn 2024 - 2028, KIDO tập trung tái định vị và xây dựng thương hiệu Thọ Phát và Mỹ Hương đáp ứng được yêu cầu đại diện cho ngành hấp và các phân khúc thị trường khác nhau. Đồng thời mở rộng thị trường ra miền Trung và miền Bắc, xây dựng hệ thống 1.000 đại lý tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, phát triển 50.000 điểm bán trên toàn quốc. Ngoài ra, KIDO cũng phát triển hệ thống miniBAO với 12.000 cửa hàng.
Trước e ngại của cổ đông về mục tiêu 12.000 cửa hàng miniBAO trong 5 năm có thách thức, ông Trầm nhấn mạnh, con số này dựa trên việc Ban lãnh đạo phân tích cơ hội, nguồn lực. Trước đây, KIDO kinh doanh ngành Trung Thu, trong 2 tháng đã mở được 12.000 điểm bán. Do vậy, mục tiêu đề ra cho miniBAO không thể thấp hơn. Tới thời điểm này KIDO đã mở được 150 cửa hàng miniBAO trong vòng 45 ngày và tất cả đều có lời. Do đó, từ đây đến cuối năm KIDO đặt mục tiêu mở 500 cửa hàng.
Với ngành hàng bánh Trung Thu 2024, đang lệch quỹ đạo của ngành, không còn mang bản sắc của ngành, KIDO chấp nhận đầu tư, thử thách nhưng phải có hướng đi mới.
Các sản phẩm của KIDO |
Đặc biệt với ngành hàng kem, năm 2023, KIDO gia tăng thị phần từ 44,5% lên 46,7%, trong đó thương hiệu Merino chiếm 25,9% và thương hiệu Celano chiếm 19,6% thị phần. Chiến lược năm 2024, KIDO tập trung tăng trưởng tối đa ở thị trường To-Go; Mở rộng và phát triển nhanh ở thị trường kem tại nhà; Đặc biệt là thâm nhập vào thị trường xuất khẩu là Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, KIDO Foods triển khai chiến lược mở rộng các ngành hàng khác như giải khát, “ice-cream yogurt” và “frozen bakery”.
Song song cùng 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, dự án xúc tiến thương mại Entertainment to E-Commerce - E2E trên nền tảng TikTok sẽ tiếp tục là công cụ đắc lực cho KIDO trong việc triển khai các chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm, thử thị trường, nắm bắt hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt phát triển doanh số cho các ngành hàng thông qua hình thức livestream.
Nói về kế hoạch M&A bất động sản, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, KIDO sẽ thực hiện M&A Hùng Vương Plaza trong quý 3 với tỷ lệ 77%. Còn Vạn Hạnh Mall chưa có kế hoạch tiến hành.