“Tẩy trắng” cho bún bằng hóa chất
Đầu tháng 5/2013, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh ở KP.2, P.4, TX.Tây Ninh. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại cơ sở của ông Võ Văn Ánh, đoàn kiểm tra lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm 200 gr màu vàng chanh và 420 gr bột màu trắng đem xét nghiệm. Kết quả, chất màu vàng chanh là chất tẩy trắng (huỳnh quang - Tinopal), còn chất bột màu trắng là chất chống mốc (Sodium benzoat); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng.
Bún chứa chất huỳnh quang |
Còn tại cơ sở của ông Trần Văn Cương, đoàn kiểm tra cũng lấy 3 mẫu gồm nước luộc bún, bột đã khuấy trộn, hóa chất thu tại kho nguyên liệu gồm một bịch bột màu vàng chanh và 2 bịch bột màu trắng. nKết quả xét nghiệm chất màu vàng chanh là huỳnh quang, một bịch bột trắng là Sodium benzoat và bịch còn lại là hàn the (solium tetraborate); mẫu nước bột trộn gạo đã khuấy làm bún dương tính với chất tẩy trắng.
Theo lời khai của ông Cương khai cơ sở của ông hoạt động từ năm 2009, đến năm 2010 trong quá trình sản xuất có cho thêm chất tẩy trắng và chống mốc vào bún ở công đoạn quậy bột...
Chị L., chủ một quán bún ở Biên Hòa – Đồng Nai bày tỏ sự nghi ngại khi gần mấy chục kg bún còn thừa để quên ở bên ngoài sau cả tuần không bị chua, thiu. Chỉ có màu xỉn lại và nếu bán có lẽ cũng không khác gì bún mới lấy.
Đem mối băn khoăn đó, chị L. đã chia sẻ với nhiều người cùng làm bún nhưng họ cũng khẳng định là hiện nay họ lấy bún cũng có thể để được cả tuần mà không bị chua.
Tìm hiểu nguyên nhân của sự kì lạ này, chúng tôi mới hay nhiều loại bún đang được ướp với hàng loạt hoá chất không rõ nguồn gốc như “chất làm dai” của… Indonexia, chất tẩy đường (tẩy bún trắng như đường) của Malaysia, chất tẩy vàng của Thuỵ Sỹ, trứng mốc - chất bảo quản giúp bún không thiu, hương nếp của Malaysia (giúp bún thơm như gạo nếp)… Tất cả các sản phẩm này đều được “nổ” là chế biến ở nước ngoài, nhưng địa chỉ nhà phân phối, nhà nhập khẩu đều không có trên bao bì.
Nước dùng chế từ hóa chất
Ngay gần cổng chợ Đồng Xuân có một “mẹt” bán các loại bột rất bắt mắt. Vừa dừng lại nêu ý định muốn mua bột gia vị nấu bún riêu, bà chủ mẹt hàng liến thoắng giới thiệu: “Bột gì ở đây cũng có hết. Chỉ cần cho một muỗng thôi là nồi nước dùng thơm phức mùi cua, ngọt lừ”.
Bà này giới thiệu tiếp: “Loại bột này được rất nhiều quán bún riêu, bún bò sử dụng. Nếu mua màu thực phẩm thì 300.000- 400.000 đồng/kg nhưng mua loại này chỉ 50.000 đồng thôi. Chỉ một chút chấm vào đầu đũa là cả một nồi bún riêu nổi váng gạch cua liền”. Khi được hỏi bột này có tên là bột gì, bà chủ sạp nói là phẩm màu công nghiệp dùng cho sơn, dầu đánh bàn ghế...
Đối với phở lại có thêm một loại “gia vị” đặc biệt khác để làm cho nước dùng trở nên thơm ngon. Tại một quầy hàng ở ngã ba đường Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng và Nguyễn Thiệp, một khách hàng tên N.Hạnh đang lựa chọn đường hóa học để về nấu phở. Chị chủ quầy nhanh nhẹn giới thiệu về loại đường dạng viên B1: "loại này, nước ngọt đậm mà nó còn có vị tổng hợp, có thể thay thế cho các loại gia vị khác”.
Ngoài ra, để có một nồi nước dùng “đẹp mắt” và rẻ, một số cơ sở chỉ cần bỏ ra 50.000 là có vài chục lít nước phở chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc. Các loại thịt được cơ sở này nhập về chế biến chủ yếu là các loại thịt ế, ôi thiu tại các chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, rồi thịt lợn xề, lợn bột, lợn ốm, lợn chết. Chỉ cần mang về, luộc lên là có các loại thịt trắng muốt, trông rất bắt mắt. Loại nước luộc chỉ cần để lắng, gạn ra là có thể bán cho các cửa hàng phở ngon lành.
Bà Th, một người dân ở gần khu vực làm ruốc trên cho biết: “Bây giờ họ làm chỉ vài chục cân thịt, mà toàn thịt bẩn, ôi thiu. Thậm chí thịt lợn xề và lợn bột đổ hổ lốn vào nồi, và luộc lên để làm ruốc thì lấy đâu ra nước ngon nữa”.
Lời cảnh báo từ các chuyên gia
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết sử dụng huỳnh quang làm sáng bóng thực phẩm rất hại cho cơ thể vì nó chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính, khiến người hay mệt mỏi, uể oải, nguy cơ gây ung thư.
Hàn the là chất không được phép có trong thực phẩm. Hàn the khi vào cơ thể, không đào thải hết mà tích tụ lại làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận...
Theo các chuyên gia hóa học, việc dùng phẩm màu công nghiệp trong chế biến thực phẩm là hết sức nguy hiểm. Nhiều loại gây tổn thương cho hệ thống thần kinh và tiêu hóa của người ăn phải chúng, dẫn tới nguy cơ rối loạn về thần kinh cũng như mắc các chứng bệnh ung thư. Khi việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thắt chặt, người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân mình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN