Đường dây làm chính sách giả ở Nam Định tồn tại đã khá lâu. Số lượng hồ sơ đã được làm giả có thể lên tới hàng trăm hoặc hàng ngàn. Câu hỏi đặt ra: Có hay không sự bất minh của chính quyền để “dung dưỡng” đường dây này?
“Nó ngồi đây, sếp nó ngồi kia”
Trong cuộc tiếp cận với ông Nguyễn Văn Hà, tại xã Nghĩa Lạc, ông Hà úp mở về các mối quan hệ của mình liên quan đến huyện và tỉnh.
Trong đoạn hội thoại nói về quá trình chạy bệnh án, ông Hà hướng dẫn cụ thể: “Khi nào có lịch khám bệnh tôi sẽ báo trước một tuần. Lúc lên khám thì cứ giả ngố, giả câm, giả điếc đi. Ngu một tí về nhà khôn sau cũng được. Có hai lần khám. Lần thứ nhất sau khi khám xong bác sĩ sẽ cho giấy hẹn để ngày hôm sau đến. Hôm sau, họ sẽ đưa ra kết luận cho ông rồi bảo: “Đấy! Bây giờ tôi cho ông loại 61% ông có đồng ý không?”. Nếu đồng ý rồi thì nhận bệnh án, sau đó về chờ lấy tiền. Nếu không đồng ý thì lại báo lại cho tôi và nói khó với người ta cho tỷ lệ cao hơn một tí. Khi viết giấy, nó ngồi đây, sếp nó ngồi kia. Như ông già 80 thì kiểu gì chả được loại 61%”.
Theo ông Hoàng Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định thì bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau đó được đưa vào hồ sơ xét duyệt của huyện. Huyện sẽ đưa hồ sơ này lên sở, sau đó sở chỉ định Hội đồng Y khoa tỉnh thẩm định lại một lần nữa để kết luận mức thương tật của đối tượng là bao nhiêu phần trăm. Căn cứ trên kết quả khám nghiệm của Hội đồng Y khoa, Sở mới quyết định là có nên cho đối tượng hưởng chế độ chất độc màu da cam hay không.
Ngoài tiết lộ về mối quan hệ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Hà còn tiết lộ quan hệ chặt chẽ với Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nghĩa Hưng: “Tôi chơi với cái tay Huy làm ở huyện. Tay í là đầu mối luôn. Nếu ở xã có việc gì thì tay í sẽ gọi điện về chỉ đạo lấy hồ sơ. Nó làm thanh tra nữa nên là chỉ đạo xuống một cái là được ngay. Trên nó còn có mấy ông ở tỉnh nữa”.
Ông Trần Văn Bình, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nghĩa Hưng xác nhận cơ quan này chỉ có một cán bộ tên Huy. |
“Nó” là ai?
Sau khi thu thập được những thông tin từ ông Hà, chúng tôi tìm đến Phòng Lao động - Thương Binh & Xã hội huyện Nghĩa Hưng để xác minh cơ quan này có người nào tên là Huy như lời ông Hà đã nói? Chiều ngày 7/4, trong cuộc làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Bình, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nghĩa Hưng xác nhận: Ở cơ quan có một cán bộ tên Nguyễn Trung Huy, người này phụ trách một số mảng, trong đó có phần về đối tượng hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam.
Từ những thông tin mà ông Bình cung cấp, dư luận đặt câu hỏi: Liệu mối quan hệ giữa ông Hà và ông Huy là thật hay giả?! Nếu lời nói của ông Hà là thật thì ông Huy đã chỉ đạo cấp dưới là ai? Cán bộ những xã nào? Thực tế, ông Huy cũng chỉ là “quân” và còn ai ở cấp cao hơn chỉ đạo ông Huy? Sếp trên tỉnh của ông Huy là ai?...
Tiếp tục lần theo thông tin thu thập được từ ông Hà. Chúng tôi đã liên hệ với một số người dân ở huyện Nghĩa Hưng để lần tìm dấu vết “nó” thông qua các giấy tờ được làm khống. Đó chính là hồ sơ bệnh án và giấy xuất viện của bệnh nhân.
Một số người dân ở huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Mặc dù bây giờ mình mới đi khám, nhưng hồ sơ bệnh án là từ 2008, hoặc 2010. Nói chung là phải đủ điều kiện để hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam. Hồ sơ này sẽ bao gồm một giấy xuất viện và bản sao hồ sơ bệnh án”.
Mặc dù không nằm viện một ngày nào, nhưng nhiều người khi làm bệnh án hưởng chế độ chất độc màu da cam vẫn nhận được “Giấy ra viện” do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp với nội dung ghi họ tên, địa chỉ bệnh nhân, mã số giấy ra viện và “nhập viện tháng 8/2010. Ra viện tháng 8/2010. Chuẩn đoán: Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính. Phương pháp điều trị: Giảm đau, giãn cơ, hồng ngoại, điện phân...”. Giấy này ghi của khoa “PHCN”, ký vào tháng 10/2014. Người ký thay Trưởng khoa điều trị là Nguyễn Thị Minh Hà, ký thay Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định là Phó Giám đốc, ThS Trần Hùng Cường.
Ngoài tờ “Giấy ra viện”, hồ sơ khống của bệnh nhân còn có “Bệnh án”. Trong đó thể hiện các thông tin như bệnh nhân nhập vào khoa “PHCN”, khi vào điều trị bệnh “thần kinh ngoại biên đa dây chi trên”, bệnh chính “bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính”. Lý do vào viện là “đau tê chân tay”. Tiểu sử bệnh là “hay đau khớp”. Dưới tờ bệnh án ghi tên “Trần Minh Châu”, ký dưới chức danh Giám đốc Bệnh viện và “Bác sỹ Tuấn”, viết dưới chức danh Trưởng khoa. Đáng lưu ý là chữ viết trong tờ Bệnh án và chữ viết dưới chức danh Giám đốc, Trưởng khoa cùng một loại chữ, kiểu viết, màu mực.
Trong hồ sơ khám bệnh còn có “Tờ điều trị” ghi các loại thuốc điều trị của bệnh nhân. Phía dưới có chữ ký (khác màu mực), con dấu của Phó Giám đốc Bệnh viện ThS Trần Hùng Cường. Người sao lưu lệnh án ký tên Phạm Thị Thu “Hà” hoặc “Hoài” (tên người ký không rõ ràng – PV). Chữ ký của ông Trần Hùng Cường trong giấy ra viện và bệnh án giống nhau và cùng một màu mực.
Từ những thông tin mà người dân cung cấp, cộng với lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Hà về việc “có người” ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khiến dư luận đặt câu hỏi ông Hà quan hệ thế nào với “người” trong Bệnh viện? Liệu những người ký tên trong bệnh án, giấy ra viện, giấy điều trị có quen biết ông Hà? Có phải là “người” của ông Hà?...
Giấy ra viện có chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. |
Chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào
Để tìm hiểu thông tin về việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân là đối tượng nhiễm chất độc màu da cam, phóng viên đã có cuộc làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định vào ngày 24 và 25/3.
Trong cuộc làm việc ngày 24/3, ông Trần Minh Châu, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, người phát ngôn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết: “Việc khám chữa bệnh này được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư Liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLDTBXH ngày 18/11/2013 về việc hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.
Quy trình khám chữa bệnh là khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh sẽ được mời vào bàn tiếp đón, đăng ký số, phân luồng, chỉ định xét nghiệm lâm sàng, sau đó bác sĩ chuẩn đoán bệnh. Nếu cần điều trị nội trú thì bệnh nhân phải ở nội trú. Nếu bệnh nhân đủ điều kiện điều trị ngoại trú thì cho điều trị ngoại trú. Việc đăng ký khám chữa bệnh sẽ có mã thẻ, bệnh nhân là đối tượng chính sách hay thường sẽ thể hiện trên mã số thẻ khám bệnh...”.
Một mặt khẳng định việc khám chữa bệnh theo Thông tư Liên tịch số 41, mặt khác, ông Trần Minh Châu lại cho biết là việc khám chữa bệnh không phân biệt đối tượng chính sách hay không. Khi bệnh nhân có bệnh đến khám sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị hay không điều trị, còn đánh giá người đó có bị nhiễm chất độc hóa học hay không do đơn vị khác. Tóm lại là Bệnh viện chỉ biết khám, điều trị bệnh cho tất cả mọi người.
Ngày 25/3, phóng viên tiếp tục có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định về việc có hay không chuyện cán bộ, y bác sĩ cấu kết với kẻ xấu làm khống hồ sơ bệnh án cho người khác hưởng chế độ chất độc hóa học. Ông Hòa khẳng định: “Cho đến giờ phút này chưa phát hiện được trường hợp nào. Bệnh viện có khoảng 700 cán bộ, công nhân viên nên có thể có người nọ người kia. Nếu có bằng chứng sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật”.
“Năm 2009 là thời điểm số lượng đối tượng khám bệnh về chất độc hóa học tăng đột biến. Tuy nhiên, chúng tôi không có số liệu cụ thể. Tất cả các đối tượng khám chữa bệnh này đều phải theo quy định của Nhà nước”.
Ông Nguyễn Văn Hòa (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định)