Chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả... là những “đặc trưng” của những dự án gặp rắc rối vì liên quan đến nhà thầu Trung Quố. Vì đâu, những dự án có nhà thầu Trung Quốc thường lâm cảnh “đầu xuôi đuôi không lọt”?
Đại dự án rắc rối với nhà thầu Trung Quốc
Mới đây, ngày 13/9, trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề cập đến việc một số dự án ở Việt Nam đang gặp vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp nước này - hiện đang là tổng thầu EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công) một số dự án như Nhà máy đạm từ than cám Ninh Bình, Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông),... khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư Việt Nam giải quyết những vấn đề tồn tại.
Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 lâm cảnh "đắp chiếu". Ảnh: L.Bằng |
Thực tế, những dự án được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh liệt kê ở trên được dư luận đặc biệt quan tâm.
Dự án Đạm Ninh Bình vốn đầu tư 12.000 tỷ thua lỗ 2.700 tỷ có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc. Chủ đầu tư - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VinaChem), đã nhận bàn giao quyền vận hành từ nhà thầu EPC vào ngày 24/9/2012, nhưng qua 11 đợt đàm phán, đến nay vẫn chưa thể quyết toán được gói thầu EPC dẫn đến chưa quyết toán dự án hoàn thành.
Còn với dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, năm 2007, nhà thầu MCC Trung Quốc đã trúng thầu gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá. Thời gian thực hiện theo hợp đồng là 30 tháng.
Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, dự án vẫn dang dở, bị “đội vốn” từ hơn 3.800 tỷ lên 8.100 tỷ. Tháng 6/2012, do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút quân khỏi hiện trường, để lại khối tài sản trị giá 4.500 tỷ đồng nằm phơi sương, phơi nắng.
Danh sách những dự án tai tiếng có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc còn có Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, được khởi công năm 2011 với tổng mức đầu tư trên 552 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc 169 triệu USD. Thế nhưng, tháng 11/2014, dự án tăng tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD, tức thêm hơn 300 triệu USD. Dự án đã chậm tiến độ và chưa biết bao giờ mới hoàn thành.
Trao đổi với PV.VietNamNet, nhiều chuyên gia đều tỏ ý không hài lòng với những gì nhà thầu Trung Quốc thể hiện trong các dự án ở Việt Nam. Một chuyên gia ngán ngẩm thốt lên: "13km đường sắt đô thị bị đội chừng ấy tiền mà vẫn không rút ra được bài học gì".
Bài học nào?
Sau gần 20 vụ vỡ đường ống nước sông Đà, đầu 2016 dư luận lại “nổi sóng” khi Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) lại chọn nhà thầu Xinxing (Trung Quốc) để thi công gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2.
Trước sức ép từ dư luận và chủ trương của Chính phủ, Viwasupco đã phải hủy thầu và không ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu với nhà thầu Xinxing.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn ngổn ngang. Ảnh: L.Bằng |
Hồi tháng 7 năm nay, khi câu chuyện vay 7.000 tỷ vốn Trung Quốc làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái làm nóng dư luận, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định làm tuyến đường này theo hình thức BOT, không vay vốn Trung Quốc.
"Để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn", ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giải thích một trong những lý do từ chối ODA Trung Quốc.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Lẽ ra những bài học kinh nghiệm về nhà thầu Trung Quốc phải rút ra từ lâu rồi chứ không phải đợi đến bây giờ.
Phải thừa nhận rằng, nhà thầu Trung Quốc không phải là kém, vì nếu kém thì nước Trung Quốc khó phát triển được. Nhưng cũng không có nghĩa, nhà thầu Trung Quốc nào cũng giỏi. Các chuyên gia nghi ngại việc có hay không nhà thầu giỏi Trung Quốc cho đi đấu thầu ở Mỹ, châu Âu, nhà thầu kém thì sang Việt Nam.
Ông Liêm cho rằng: Vấn đề là Việt Nam phải tự bảo vệ, chứ không phải họ đưa nhà thầu kém cỏi đến là mình chấp nhận. Để bảo vệ mình, chúng ta đã có cơ chế đấu thầu rõ ràng, rành mạch, có hội đồng chấm thầu.
“Vậy sao họ vẫn lọt được? Có một vấn đề quốc tế cũng nói, đó là kinh doanh của Trung Quốc dựa vào quan hệ”, ông Liêm nói.
Ngoài ra, tham rẻ là một trong những lý do khiến dự án có nhà thầu Trung Quốc điêu đứng.
Theo ông Liêm, cái gì Trung Quốc đưa sang cũng rất rẻ. Có những thứ rẻ chấp nhận được, nhưng những thứ quan trọng thì không thể lấy tiêu chí rẻ để làm được mà phải lấy tiêu chí hiệu quả để đánh giá.
“Không ai bỏ giá thấp mà có hiệu quả cao được. Cho nên vấn đề đánh giá chi phí và lợi ích rất quan trọng, không thể ham rẻ được”, ông Phạm Sỹ Liêm khuyến nghị.
Thực tế, nhà thầu Trung Quốc có mặt ở khắp nơi, nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cũng dính dáng đến nhà thầu Trung Quốc, nhưng những lùm xùm lại không nhiều như những dự án có vốn nhà nước.
Cho nên theo các chuyên gia, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.