Nợ khủng dẫn đến nguy cơ phá sản
Theo thông tin tài liệu lãnh đạo của Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gửi cổ đông để chuẩn bị cuộc họp Đại hội cổ đông vào ngày 10/4 tới, doanh nghiệp này đang trong tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn khi mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Báo cáo chỉ rõ rằng, nguy cơ khủng hoảng tài chính sẽ dẫn tới phá sản nếu TISCO không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính sẽ dẫn tới phá sản nếu TISCO không có sự giải cứu kịp thời. Ảnh: Internet. |
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2018 của TISCO (chưa được kiểm toán), tổng nợ phải trả 8.707 tỷ đồng, tăng 544 tỷ đồng so với hồi đầu năm, chiếm tới 82,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngân hàng là 5.717 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ đồng.
Nợ phải trả quá nhiều, gấp gần 4,7 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn của TISCO không an toàn. TISCO rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính, khả năng cao không thể trả được các khoản nợ đến hạn.
Một trong những nguyên nhân khiến TISCO trở nên ngày càng khó khăn được cho là do phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp.
Đặc biệt, những vướng mắc tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên. Được biết, dự án này có mức đầu tư dự tính gần 3.844 (dự toán điều chỉnh được phê duyệt là 8.105 tỷ) khởi công từ 2007 đến nay vẫn chưa hoàn thành các hạng mục. Tính đến cuối năm 2018, tổng mức đầu tư đã lên tới 5.093 tỷ đồng. Riêng chi phí lãi vay là 1.888 tỷ đồng. Thời điểm năm 2015, dự án này bị liệt vào danh sách 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ.
Năm 2015, TISCO đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 1.000 tỷ đồng, nhằm thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên. Tuy nhiên, SCIC đã rút cổ phần trên, khiến quy mô vốn điều lệ của TISCO xuống còn 1.840 tỷ đồng. Theo đó, các chỉ tiêu tài chính của TISCO trở nên xấu hơn.
Hơn nữa, giai đoạn 2 dự án mở rộng bị tạm dừng, không có hướng giải quyết, kéo theo đó, các nhà băng đã hạ mức đánh giá tài chính và nâng mức lãi vay lên 8%, khiến TISCO càng khó khăn hơn để cân đối dòng tiền.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên đang có nhiều vướng mắc. Ảnh: Internet. |
Nợ xấu cũng "khủng" không kém
Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến bờ vực phá sản cũng chịu ảnh hưởng rất lớn trong việc cân đối tài chính của TISCO, đặc biệt là những khoản nợ xấu “kếch xù”. Tính đến cuối tháng 12/2018, các khoản nợ xấu của TISCO gần 852 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi hơn 393,3 tỷ.
Một số tên danh sách nợ xấu của TISCO là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng (252 tỷ đồng); Công ty TNHH TM và DL Hà Nam (127,3 tỷ đồng); Công ty TNHH Lưỡng Thổ (102,2 tỷ đồng); Công ty TNHH Hồng Trang (74,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khoản tiền phạt, phải thu về lãi trả chậm phát sinh từ các khoản phải thu quá hạn nhưng không được ghi nhận doanh thu là hơn 201 tỷ đồng. Các khoản nợ này đã nhiều năm TISCO chưa thể thu hồi.
Được biết, Công ty Trung Dũng từng là cổ đông lớn của TISCO nhưng hiện tại công ty này đã không còn trong danh sách cổ đông lớn của TISCO. Còn nhớ Công ty Trung Dũng có liên quan đến ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV bị khởi tố vào cuối năm 2018.