Trước nhu cầu bức thiết về vốn cho sản xuất kinh doanh song không thể vay được ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phải “cắn răng” vay tín dụng đen. Không chỉ chịu lãi suất cắt cổ, nhiều trường hợp phải ngậm đắng nuốt cay trước những rủi ro khôn lường…
Điều không ngờ tới
Những ngày này, không chỉ lăn lộn lo nhập hàng, bán hàng, giữ chân công nhân… như bao người đứng đầu doanh nghiệp khác, anh Nguyễn Đức Thịnh, chủ một công ty thương mại và sản xuất da giày tại Phú Xuyên, Hà Nội còn phải lặn lội ngược xuôi tìm cách giữ lại ngôi nhà đang bị xã hội đen ngày ngày đến đòi “siết” nợ.
Trong cơn bĩ cực, anh Thịnh không giấu được sự lo lắng đến tiều tuỵ khi chia sẻ câu chuyện với PV Báo Giao thông. Gần chục năm trước, anh là chủ một doanh nghiệp tư nhân tương đối lớn với vốn lưu động hàng trăm tỷ đồng tại “thủ phủ” sản xuất da giày Phú Xuyên.
Xã hội đen và bảo vệ ăn mặc giả công an phá cửa nhà anh Thịnh để vào nhà. |
Sau 5 năm kinh doanh ổn định, năm 2016, hai vợ chồng anh quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng mở rộng cơ sở sản xuất.
Nhưng điều không may, sau khoảng một năm xây dựng, đưa cơ sở sản xuất mới vào sử dụng là lúc nền kinh tế thế giới cũng như trong nước bị chững lại. Hơn 20 tỷ đồng hàng hóa đã nhập về nằm im, không tìm được đầu ra, hàng xuất cũng chậm lại.
Tính ra, cả khối tài sản khoảng 30 tỷ đồng nằm “chết” một chỗ. Ngân hàng không cho tăng hạn mức vay, chi phí nuôi công nhân, trang thiết bị, lãi ngân hàng… vẫn phải bỏ ra hàng ngày khiến vợ chồng anh lao đao.
Trong lúc anh đang không biết xoay xở vào đâu, một người bạn thân của gia đình ngỏ ý cho vay 15,8 tỷ đồng, thời hạn vay 3 năm. Lãi suất cao hơn ngân hàng một chút (1%/tháng), trả lãi hàng tháng, song thủ tục nhanh gọn.
Tuy nhiên, điều kiện người này đặt ra là anh phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của căn nhà gia đình anh đang ở, thay vì thực hiện thủ tục thế chấp tài sản như bản chất giao dịch.
Vừa tin tưởng chỗ thân tình, thủ tục gọn gàng và lãi cao hơn không nhiều so với vay ngân hàng, tháng 6/2019, anh và gia đình quyết định vay số tiền trên và thực hiện theo yêu cầu của người cho vay.
Tuy nhiên, sau khi ký xong hợp đồng, anh chỉ nhận được 900 triệu tiền mặt và 8,5 tỷ đồng người này đứng ra trả trực tiếp vào ngân hàng để rút giấy tờ nhà đã thế chấp vay vốn từ trước đó ra. Tổng số tiền nhận về từ hai khoản đó vỏn vẹn 9,4 tỷ đồng.
Thực hiện cam kết vay tới đâu trả lãi tới đó, anh Thịnh vẫn đều đặn gom tiền trả lãi cho khoản vay 9,4 tỷ đồng, trong đó đa phần trả trực tiếp bằng tiền mặt, một số lần chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng.
Điều không ai ngờ tới, 6 tháng sau khi cho vay, bạn anh mang toàn bộ giấy tờ nhà của anh Thịnh ra ngân hàng vay thế chấp hơn 4 tỷ đồng. 6 tháng tiếp theo (tháng 7/2020), bạn anh dẫn hàng chục xã hội đen đến đòi nhà với lý do, anh đã viết giấy bán nhà. Anh không đồng ý giao nhà thì liên tục bị các nhóm xã hội đen uy hiếp.
“Tôi không thể tin được, người tôi từng giúp đỡ đưa tận ra nước ngoài chữa bệnh, người tôi coi như anh em ruột thịt lại dẫn hàng chục xã hội đen đến để đập phá, đòi nhà trong khi tôi vẫn đang trả lãi hàng tháng. Họ dùng đủ các thủ đoạn, ném chất bẩn khắp nơi; Mang đồ vào nhà ngồi nhậu rồi ném lung tung để uy hiếp vợ con, gia đình tôi. Đáng nói, tôi xin được thanh lý hợp đồng vay và hoàn trả cả gốc lẫn lãi số tiền 9,4 tỷ đồng nhưng họ không chịu, nhất quyết đòi ngôi nhà của tôi đang ở với giá thị trường khoảng hơn 30 tỷ đồng”, anh Thịnh nghẹn ngào.
Và cứ thế, nhiều ngày trời, cuộc sống của ông chủ doanh nghiệp đã khó khăn lại khó khăn hơn khi hàng ngày dân xã hội đen bám xung quanh nhà, đập phá. Công nhân nghỉ làm. Gia đình sống trong sợ hãi.
Cẩn trọng với hợp đồng giả cách
Với kinh nghiệm giải quyết hàng trăm vụ việc tương tự trong và sau thời gian công tác, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Điều tra viên cao cấp cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận định, trường hợp xảy ra đối với anh Thịnh là một trong những hình thức cho vay dưới dạng hợp đồng giả cách. Anh Thịnh cũng chỉ là một trong số rất nhiều người rơi vào tình trạng khó khăn, phải vay tín dụng đen rồi bị “sập bẫy”.
Theo ông Hùng, hợp đồng giả cách là một trong những hình thức sử dụng nhiều, phổ biến trong tín dụng đen, nhằm che đậy hoạt động cho vay lãi, trốn thuế. Trong đó có sự tiếp tay của nhiều bên, thực tế đã chứng minh có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng, của công chứng viên...
Đối tượng cho vay tín dụng đen biết tình trạng khó khăn, cấp bách của con nợ, đề nghị viết hợp đồng giả cách dưới dạng hợp đồng bán tài sản. Nhiều đối tượng tinh vi hơn thì yêu cầu viết giấy ủy quyền sử dụng, chuyển nhượng, bán tài sản.
Sau khi ký kết, công chứng, đối tượng cho vay tín dụng đen không thực hiện những gì đã thỏa thuận mà còn mang chính giấy tờ, tài sản thế chấp đó đi thế chấp tại ngân hàng, vay những khoản tiền lớn hơn nhiều số tiền đã cho con nợ vay.
Không dừng ở đó, khi đã cầm trong tay giấy bán, chuyển nhượng tài sản, nhận thấy giá trị tài sản thế chấp lớn hơn nhiều giá trị số tiền cho vay..., đối tượng cho vay tín dụng đen quay lại chiếm đoạt tài sản bằng chính hợp đồng giả cách đã viết với mục đích thế chấp trước đó. Sử dụng các băng nhóm xã hội đen để uy hiếp con nợ, buộc con nợ phải giao tài sản.
Ông Hùng cho biết, thông thường, khi xảy ra khiếu nại giữa các bên, cơ quan chức năng sẽ xác minh lại toàn bộ sự việc thông qua các nội dung chuyển khoản, các mối quan hệ sở hữu, quan hệ xã hội, giấy tờ pháp lý cơ sở, thời gian thực hiện giao dịch... Nếu chứng minh được hợp đồng trên là giả cách thì sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu vì trái với quy định của pháp luật. Các bên phải hoàn trả lại tài sản cho nhau.
Về việc sử dụng xã hội đen đến cưỡng chế, đòi nhà, ông Hùng khẳng định đó là hành vi trái pháp luật. Chỉ có cơ quan Nhà nước mới có chức năng thực hiện cưỡng chế và phải đúng quy trình, trình tự thủ tục.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, ông Hùng khuyến cáo, khi cần vay tiền, bên vay phải đọc kỹ hợp đồng thế chấp, không được ủy quyền bán, chuyển nhượng, cho chuyển nhượng, giao quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác.
Cùng cảnh ngộ với anh Thịnh, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ một doanh nghiệp sản xuất nước chanh muối Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ, cách đây khoảng 1 năm (tháng 9/2019), anh nợ ngân hàng 300 triệu đồng đến hạn phải trả. Do không còn tiền nên phải đi vay tín dụng đen lãi suất 2 nghìn đồng/1 triệu/ngày để đáo hạn. Để nhận khoản tín dụng này anh phải viết giấy chuyển nhượng toàn bộ cơ sở sản xuất anh đang sở hữu.
Đứng ngồi vì lãi suất cao đã đành, điều anh không nghĩ đến là ngày nào cũng có 4 - 5 người xăm trổ, hung hãn đến đòi nợ. Vay xong, sản suất kinh doanh vẫn kém hiệu quả, nên anh Tuấn không kịp trả lãi nửa tháng, lập tức có người đến siết nợ máy móc anh đã thế chấp. Anh Tuấn sau đó đã phải gửi đơn đến cơ quan chức năng và vay mượn trả hết số nợ để giữ lại “cần câu cơm” của gia đình.