Vài năm trở lại đây, người dân làng Xà Cầu ăn nên làm ra từ nghề thu mua xe máy cũ, hỏng, tháo rời và bán lại cho các cơ sở tái chế. Mỗi ngày, những người thợ nơi đây khai tử hàng trăm chiếc xe máy.
Từ đồng nát đến lò mổ xe
“Vài năm gần đây chúng tôi mới chuyển qua nghề mổ xe chứ trước chủ yếu là buôn đồng nát”, ông Đình, chủ một lò mổ xe ở Xà Cầu cho biết. Nói rồi ông chỉ lên tấm biển “Trung Đình chuyên thu mua phế liệu”. Nhìn tấm biển đã han gỉ và tróc gần hết sơn cũng đủ biết cái nghề đồng nát ở Xà Cầu đã có từ lâu lắm rồi.
Ông Đình chỉ mất khoảng nửa giờ để "mổ" một chiếc xe. Tiền công khai tử mỗi chiếc xe từ 200.000-300.000 đồng. Ảnh: Nguyệt Vũ. |
Làng Xà Cầu trước đây có nghề làm tăm hương truyền thống, nhưng không đáp ứng được cuộc sống nên người dân chuyển qua nghề buôn đồng nát và giờ là “mổ xe”. Nơi đây trở thành đích đến của những chiếc xe đã hết công năng sử dụng hoặc… hết thời.
Làm nghề được gần 10 năm, ông Đình không nhớ nổi mình đã “mổ” bao nhiêu chiếc xe. Xe máy cũ các loại, hỏng hóc, tai nạn, không còn nhu cầu sử dụng hoặc không thể sử dụng nữa được ông mua về với giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng/chiếc rồi tháo rời từng bộ phận. Khi được hỏi việc “mổ” một chiếc xe mất bao lâu, ông Đình cười: “Chỉ hơn nửa tiếng là đâu ra đấy hết ấy mà. Mổ xe có khi còn nhanh hơn mổ lợn".
Những chiếc xe qua tay những “đồ tể” làng Xà Cầu được phân ra làm từng bộ phận. Những thứ còn dùng được, người thợ mông má lại rồi bán cho các cơ sở sửa chữa xe máy. Những bộ phận như vành, nan hoa, khung sắt, lốc máy được bán cho các cơ sở sắt vụn, nhựa thì bán cho các đại lý nhựa tái chế. Hầu hết những bộ phận của xe đều được “hóa giá” nhanh chóng.
Những bộ phận xe máy cũ được tháo rời, chất đồng chờ tiêu thụ. Ảnh: Nguyệt Vũ. |
“Cái xe này tôi mua 500.000 đồng, nhưng động cơ vẫn nổ được, sửa sơ qua là bán đủ giá mua xe rồi, chưa tính những thứ khác”, ông Đình cho biết. Nhưng không phải chiếc xe nào cũng may mắn có vài bộ phận được chuyển công năng sử dụng như vậy, hầu hết là “khai tử” bán đồng nát theo đúng nghĩa. Với mỗi chiếc xe qua tay, người thợ Xà Cầu lời được khoảng 200.000-300.000 đồng.
Có nhiều người chơi xe, nghe tiếng làng Xà Cầu, đã đến tận nơi để tìm đồ "zin" cho chiếc xe yêu quý của mình. “Chỉ cần đồ họ ưng ý là không thèm mặc cả, có ngày may mắn, tôi bán mấy thứ tưởng như sắt vụn được tiền triệu” - anh Bình, chủ một lò mổ xe cho biết.
Hóa kiếp những giấc mơ
“Cái con giấc mơ (xe Honda Dream - PV) kia kìa, cả mơ ước thời 18 tuổi của tôi đấy!” anh Bình cười.
Nhìn theo tay anh chỉ mới thấy chiếc xe Dream, giấc mơ một thời hiện đang han gỉ và “tắm nắng” dưới gốc chuối. Bên cạnh “giấc mơ” là những “huyền thoại” như Simson, Honda 67, 81, Chaly… đang nằm chờ tái chế.
Vào cuối thế kỷ 20, chiếc xe máy từng là một tài sản có giá trị lớn, là mơ ước của nhiều người nhưng giờ, ở nơi này chỉ có giá vài trăm ngàn. Không chỉ những huyền thoại như “cub nữ hoàng, hoàng tử đen” hay "kim vàng, giọt lệ", ở Xà Cầu còn có những chiếc xe mang thương hiệu Trung Quốc như Loncin hay Lifan đời đầu, từng được so sánh chẳng kém gì Honda chính hiệu.
Xe máy được nhập về Xà Cầu chủ yếu là các dòng xe cổ của Honda và xe Trung Quốc đã quá cũ nát. Những đầu xe tứ xứ đổ về đây chủ yếu theo con đường đồng nát. Bên cạnh đó, thợ ở đây cũng bắt mối để mua xe vi phạm giao thông được thanh lý. “Xe thanh lý được chúng tôi ưu tiên chọn vì có thể sử dụng được nhiều bộ phận chứ không như xe đồng nát, nhưng không thường xuyên có hàng” - anh Bình, cho biết.
Rác thải từ nghề mổ xe không thể tái chế đổ tràn lan ra đường quốc lộ. Ảnh: Nguyệt Vũ. |
Mỗi ngày, lượng xe máy cũ đổ về Xà Cầu chờ tái chế đã giúp những giấc mơ làm giàu của người dân nơi đây trở thành hiện thực.
Thế nhưng, đáng lưu ý là “làng Xà Cầu giờ là làng phế liệu với xác xe máy rồi, ăn ngủ cùng rác, nhiều người đổ bệnh lắm” - bà Thu, một người trong làng than thở.
Người làng Xà Cầu đang từng ngày "hóa kiếp” những chiếc xe để làm giàu, nhưng với những tác động chất thải như dầu mỡ, sắt gỉ… không được xử lý kịp thời thì liệu những giấc mơ ấy có bền vững?