Kế hoạch dành dụm của vợ chồng trẻ

Chuyện dành dụm, chi tiêu đối với vợ chồng trẻ sao thấy khó khăn quá. Tại hoàn cảnh hay tại vợ không giỏi quán xuyến? 

Kế hoạch dành dụm của vợ chồng trẻ

Vừa trở về sau kỳ “hơ nỳ mun”, vợ chồng son đang bồng bềnh niềm vui hạnh phúc trong căn phòng tân hôn, vợ mặc chiếc váy ngủ mới, nép bên chồng, nhưng không phải để nựng chồng mà tra hỏi cặn kẽ về thu nhập của chồng nhằm lên kế hoạch chi tiêu dành dụm. Tội nghiệp, chắc lúc đó chồng sốc dữ, nhưng cũng đành hợp tác chiều lòng vợ.

Trên tay cầm quyển sổ chi tiêu đã sắm có chủ đích trước ngày cưới theo lời căn dặn của các “tiền bối”, vợ ghi lại chi tiết các khoản lương mềm, lương cứng của hai đứa rồi tính tính, chia chia xem với nguồn thu chừng đó thì chi hàng tháng bao nhiêu để vừa có tiền dành dụm. Như những cặp vợ chồng khác, mục tiêu lâu dài của chồng và vợ là mua được căn nhà nhỏ để xây cái tổ riêng tư.

Theo như tính toán thì nếu cứ duy trì được mức chi tiêu thế này thì khoảng 10 năm nữa vợ chồng mình có nhà. Nghĩ tới đó thôi là đã sướng rơn. Nhưng! đúng như chồng vẫn nói, chẳng phải việc gì cũng theo ý muốn của mình. Chuyện dành dụm, chi tiêu đối với vợ chồng trẻ sao thấy khó khăn quá. Tại hoàn cảnh hay tại vợ không giỏi quán xuyến? Những cặp vợ chồng mới cưới khác có giống mình không?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Làm đám cưới vào cuối năm khi cái gì cũng đắt gấp đôi, số tiền mình dự trù sẽ có sau tiệc cưới vừa đủ chi trả mọi khoản cho đám cưới, chẳng dôi đồng nào để dành. Ngậm ngùi bảo nhau “Thôi, không phải bù thêm đã là may rồi”.

Sang tháng sau, lương bổng, thưởng Tết của hai vợ chồng cũng chẳng nhập vào tài khoản chung được mấy đồng vì phải sắm sửa, mua quà Tết biếu ba mẹ, cậu dì chú bác đôi bên và lì xì cho mấy đứa cháu, biếu riêng hai má chi tiêu ngày Tết…Vợ có mặt nặng mày nhẹ đôi chút nhưng nghĩ lại cũng phải thôi, Tết là phải chi nhiều. Vợ chồng quyết tâm sang tháng sau phải để dành được như đã thống nhất.

Thế mà vợ quên mất là qua Tết, cả hai đứa đều phải đóng học phí cho học kỳ mới. Cũng vì phấn đấu cho sự nghiệp tương lai mà cả vợ và chồng hàng tối vẫn phải đến lớp sau cả ngày đi làm vất vả. Ai cũng nói sao không để học xong rồi cưới, hai đứa đưa ra đủ lí do: nào là quen nhau quá lâu rồi, “ngâm” hoài coi chừng lại không cưới được, thiệt thòi con gái; nào cưới để ổn định cuộc sống, nào cưới xong đi học tiếp cũng được...

Hai tháng sau đó thật vui vì tài khoản chung cuối cùng cũng được mở và tiền vào đều đều. Nhưng tháng sau, chồng chẳng may bị va nhẹ trên đường đi làm. Chiếc xe vốn cũ kỹ giờ càng trở nên cà tàng không thể chấp nhận được. Vợ đã cười ngả nghiêng khi nghe chồng kể đang chạy được một đoạn thì phát hiện chùm chìa khóa đã rơi ra từ lúc nào, đành quay lại tìm. Khổ! xe cũ đến nỗi ổ khóa mòn, rớt chìa ra ngoài mà chạy vẫn được. Thầm nhủ cứ để chồng chạy xe cũ vừa nguy hiểm, lâu lâu phải sửa cái thắng đĩa, sửa cái bô…cũng bộn tiền, thà mua chiếc xe mới cho an tâm. Thế là số tiền chắt chiu hai tháng trời ra đi. Hơi buồn chút nhưng bù lại, vợ chồng sắm được tài sản quí giá đầu tiên.

Rồi những tháng sau, không chuyện phải học thêm khóa ngắn hạn phát sinh, chuyện điện thoại bị mất thì cũng là chuyện sắm sửa những thứ cần thiết trong nhà như tủ quần áo, nồi cơm điện, máy giặt…Chỉ tiêu tiền để dành hàng tháng rớt xuống còn một nửa, có khi chỉ còn 1/3. Quyển sổ của vợ tháng vẫn đầy danh mục các thứ phải chi tiêu sắm sửa trong khi cột thu nhập thì lúc nào cũng chỉ có hai gạch đầu hàng: lương chồng và lương vợ. May mà vợ chồng mình cái gì cũng rõ ràng, nên hai đứa ít khi nào cãi nhau chuyện tiền nong. Chỉ có vợ, vì không được như dự định nên mỗi khi về thăm mẹ lại thủ thỉ kể khó đủ đường, than thở biết đến chừng nào mới mua được nhà. Mẹ cười khuyên con gái chẳng có gì phải nôn, chịu khó làm lụng từ từ cũng có dư, mới cưới chưa được một năm mà đòi hỏi gì.

Ngẫm lại, vợ chồng mình còn chung sống với nhau cả đời, còn dài gấp mấy lần “kế hoạch 10 năm”. Vả lại cuộc sống của gia đình nhỏ chúng mình vẫn được vun vén để tiện nghi hơn, giàu có hơn, đủ đầy hơn mỗi ngày bằng tình cảm vợ chồng đấy thôi.

Sao em không gọi sớm hơn?

Sau mười năm chung sống, đây là lần vợ chồng anh cãi vã nhiều nhất. Anh không kìm được nóng giận, mắng chị là “đồ vô văn hóa”. 

Sao em không gọi sớm hơn?

Chị không còn ngọt ngào “ông xã yêu” nữa mà thẳng cánh đuổi: “Ông ra khỏi nhà tôi!”.

Anh nổi nóng đùng đùng: “Ngày mai tôi sẽ đi khỏi nhà này”. Chị mỉa mai: “Vậy cám ơn anh nhiều. Khi nào đi nhớ báo giùm một tiếng”. Cưới nhau được 5 năm, anh chị chắt chiu cất được ngôi nhà nhỏ. Sở dĩ anh mang tiếng “ở rể” vì quê mãi ngoài Phú Yên, thương vợ nên theo về miền Đông lập nghiệp. Chuyện vợ chồng cãi nhau có nhiều lý do. Anh hay cằn nhằn, la mắng vợ con vì tật luộm thuộm, quần áo thay ra bạ đâu vứt đó. “Suốt ngày tôi đi theo lượm đồ cho các người, sắp thành thằng khùng rồi”. Nghe anh kêu ca, chị nói: “Chuyện nhỏ như con thỏ mà sao khó tánh quá, chắc muốn sống một mình”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện nhỏ hóa lớn, khi chị truy hỏi anh tại sao mỗi tháng không đưa đủ tiền chợ? Tiền bạc giấu đi làm chuyện gì? Anh giận dữ hỏi, chứ tiền mua máy giặt, thay xe máy mới, sắm ti vi màn hình phẳng... là ở đâu? Anh từ chối đưa vợ đi siêu thị vì bận họp cơ quan, chị gọi điện cho sếp của anh, báo anh không dự cuộc họp được, vì nhà có người dì... vừa mất. Anh chỉ mặt chị, mắng là “đồ bất hiếu, dì tôi còn sống kia, chết hồi nào?". Chiến tranh xảy ra, không còn cách gì dập tắt. Tối, chị la anh ngáy lớn quá, đuổi ra nhà ngoài. Anh nằm trên võng, vừa đập muỗi vừa gặm nhấm nỗi ấm ức dâng lên nghẹn cổ. Sáng, anh lôi chiếc ba lô ra, dọn đồ bỏ vô. Chị thản nhiên nằm ngủ. Hơn sáu giờ, anh tính bỏ đi, nhưng thấy cái sân dơ quá, nên kiếm chổi quét xoèn xoẹt. Anh chờ chị thức dậy để nói một lời cho hả giận, rồi ra đi, nhưng chị vờ ngủ, không cựa mình.

Họp tổng kết xong, anh lang thang ở nhà mấy người bạn. Họ ngạc nhiên thấy anh kéo chiếc va ly to đùng theo. “Bộ vợ đuổi sao ông?”. Anh chỉ cười buồn. Tối đó, không còn ai “chứa chấp”, anh tìm một nhà nghỉ, thuê phòng. Trong lòng, anh chờ đợi biết bao một tiếng chuông điện thoại. Trước đây, giờ này chị đã gọi hỏi “ông xã yêu chừng nào về nhà?”. Giờ chiếc điện thoại nằm im lìm trên chiếc giường xa lạ. Anh đã tự nhủ lòng, không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân này. Anh bị vợ coi thường quá rồi. Anh sẽ về quê, rồi tìm cơ hội chuyển công tác sau. Chỉ thương thằng con mới hai tuổi. Anh không thể mang con theo và cũng không có quyền ấy. Trộm con mang đi là phạm pháp. Nhưng anh yêu nó vô cùng. Nghĩ đến cảnh thằng Còi mỗi chiều chờ ba ngoài ngõ, miệng hỏi tía lia: “Ba âu? Ba âu?”, anh chảy nước mắt.

Suốt đêm trằn trọc không ngủ được, sáng sớm anh còn lần khân chưa muốn ra bến xe trước nhà nghỉ. Anh chờ chị gọi điện. Chí ít thì chị cũng hỏi anh đang ở đâu. Cả ngày và đêm qua làm gì? Có mấy cuộc gọi đi cà phê, đi thăm bạn bệnh, nhưng không thấy tiếng chuông riêng của vợ. Anh buồn rầu, lên xe. Tự nhiên anh muốn xuống xe, chạy về hôn thằng Còi một miếng, nói với nó rằng con ngoan nha, ba về quê nội đây. Xe đã chạy khá xa. Giờ này vợ đã dậy và chuẩn bị cho con ăn sáng. Sao vợ không gọi điện cho anh? Nếu bây giờ vợ gọi điện, chỉ cần nói thằng Còi nhớ ba lắm, là anh xuống xe quay về liền.

Về quê được hai ngày, anh mới nghe tiếng chuông điện thoại quen thuộc. Chị hỏi giờ anh ở đâu? Có về đưa hai mẹ con đi siêu thị được không? Anh thở dài. Muộn rồi em ơi, anh đang ở ngoài quê nội, cách xa mẹ con em mấy trăm cây số. Sao em không gọi sớm hơn?

Vợ “kẹo”

Cũng bởi em “kẹo”, nên nhìn bề ngoài, chẳng ai dám nói vợ chồng mình là “ông bà giám đốc” cả. 

Vợ “kẹo”

Nhìn em dọn mâm cơm lên mà anh thở dài ngao ngán: vài miếng đậu hủ chiên sả khô quéo, đĩa rau muống luộc và tô nước rau. Nghe anh cằn nhằn, em tỉnh bơ trả lời câu quen thuộc: “Phải tiết kiệm chứ anh!”. Với phương châm “tiết kiệm”, em cứ xoay đi vòng lại có mấy món, hết đậu hủ lại trứng chiên, hết rau luộc đến rau xào, hết cá nục đến cá song, ròng rã từ năm này sang năm khác. Nói ra thì xấu hổ, chứ nhà mình ăn kham khổ quá, đến nỗi hễ có ai mời cơm, anh mừng lắm.

Tính “kẹo” của em xuất phát bởi quá khứ nghèo khó của hai vợ chồng mình. Thời sinh viên, anh và em đều là dân tỉnh, vừa học vừa lăn lộn làm thêm. Mì gói, mì gõ, xôi… là thực đơn quen thuộc. Thậm chí, có nhiều buổi hai đứa phải nhịn đói đi học. Hai đứa ra trường, đi làm, chắt chiu dành dụm để tổ chức một đám cưới nhà nghèo nho nhỏ. Rồi cơ hội đổi đời cũng tới, khi anh và em tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn liếng, mở được một công ty nho nhỏ. Cứ cắc củm làm lụng, dần dà thu nhập cả tháng của hai vợ chồng, gom lại cũng được hơn 20 triệu. Với thu nhập ấy, vợ chồng mình xứng đáng được hưởng một mức sống tốt hơn. Nhưng với cái tính “kẹo” đã ăn sâu vào máu, em tự kéo dài những chuỗi ngày kham khổ…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nếu chỉ “kẹo” trong ăn uống, anh còn ráng chấp nhận, đằng này em “kẹo toàn tập” mới chết anh. Công ty mở cũng đã lâu, việc thì ngày càng nhiều, nhưng em cương quyết không chịu thuê nhân viên. Ai đời, công ty của mình chỉ có đúng hai người: anh và em. Anh là giám đốc kiêm nhân viên kinh doanh, kiêm giao hàng, kiêm khuân vác, kiêm chạy việc vặt… Em là nhân viên văn phòng, là nhân viên trực điện thoại, là kế toán… Nếu thuê thêm người, anh sẽ rảnh rang hơn, có thời gian lập kế hoạch kinh doanh, phát triển thêm khách hàng, công ty sẽ càng lớn mạnh. Nhưng nói mãi mà em không chịu hiểu, chỉ khư khư ý kiến: “Biết có kiếm thêm được gì không, hay chỉ thấy mất mỗi tháng cả đống tiền lương?”.

Cũng bởi em “kẹo”, nên nhìn bề ngoài, chẳng ai dám nói vợ chồng mình là “ông bà giám đốc” cả. Chiếc xe từ hồi mới cưới, đến giờ vẫn chưa đổi, bởi: “Còn chạy tốt thì đổi làm gì”. Quần áo của hai vợ chồng toàn là đồ cũ, thậm chí có cái đã sờn, đã rách, em vẫn chưa bỏ. Nhiều khi, anh cần đi xã giao hay tiếp khách, muốn kiếm bộ đồ coi cho đàng hoàng một chút cũng chẳng có. Trách em, em lại bảo “anh coi trọng bề ngoài quá!”.

Nhà cúp điện, anh rủ em ra quán cà phê trốn nóng, em cằn nhằn: “Phí! Ngồi có chút xíu mất cả trăm ngàn”. Rủ đi xem ca nhạc, em bảo: “Bật đĩa lên nghe còn hay hơn”. Rủ đi du lịch, em đề xuất ngay: “Lấy xe chở em về quê đi, vừa thư giãn vừa đỡ tốn”. Bạn rủ nhậu, anh hùn vài trăm ngàn trả tiền cũng phải giấu em, bịa đủ lý do để “hợp thức hóa” số tiền mất đi ấy…

Mới đây, gặp lại thằng bạn cùng học chung đại học. Nó tròn xoe mắt: “Sao mày mau già vậy?”. Giật mình về nhà soi gương, anh thấy cũng phát hoảng. Cái thằng trong gương tệ quá! Mới chớm 30 mà tóc đã bắt đầu bạc, hom hem gầy còm, áo quần sờn cũ. Cũng phải thôi, làm ngày làm đêm, lại ăn uống kham khổ, chẳng biết vui chơi giải trí là gì… không già cũng uổng. Phần em, nhìn cũng chẳng khá hơn là bao.

Tiết kiệm là tốt, nhưng “kẹo” như em cũng chẳng phải hay. Kiếm tiền, ngẫm cho cùng cũng chỉ để cuộc sống được tốt hơn. Cứ cái đà kham khổ này thêm 10, 20 năm nữa, thì hai vợ chồng mình sống để làm gì, hả em?

Ghét và yêu

Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình, chẳng biết tôi đã yêu anh từ khi nào.

Ghét và yêu

Lần đầu gặp anh, tôi đã có một ấn tượng không tốt. Anh trông như một gã giang hồ với mái tóc dài chấm vai, nét mặt sân si và đôi mắt luôn trừng trừng như muốn khiêu chiến.

Tôi ghét anh ra mặt và không muốn làm việc chung với anh. Nhưng sự đời thường trớ trêu, càng tránh anh bao nhiêu thì anh lại gần tôi bấy nhiêu. Vì anh chuyên chạy việc vặt cho công ty còn tôi thì cần người phụ mình khuân vác.

Qua nhiều lần làm việc chung, tôi thấy anh hiền lành đến bất ngờ. Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình. Dần dần tôi cảm thấy thích anh và chẳng biết đã yêu anh từ khi nào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh không ngỏ lời yêu tôi như các chàng trai thường làm. Anh nhát đến nỗi chỉ biết buồn khi thấy tôi đi chơi với người khác, chỉ biết chờ khi không thấy xe tôi ngoài bãi giữ xe của công ty. Thậm chí gọi điện hỏi thăm tôi anh cũng nhờ cô đồng nghiệp làm giúp. Biết không thể ép anh nói câu yêu thương ngọt ngào nên tôi phải tự “trả lời” bằng cái ôm xiết sau lưng anh trong một buổi chiều tôi nhờ anh chở về.

Anh ngày đó rất nghèo. Tài sản quý giá của anh chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, rỉ sét. Anh không đủ điều kiện để học cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy vậy anh luôn cố gắng làm việc vì muốn một tương lai tươi sáng hơn sau này nhưng vì không có tay nghề nên lương anh chỉ dừng ở mức đủ sống. Tôi cũng thế chẳng hơn gì anh ngoài chiếc xe máy được người bà con xa cho mượn trước rồi từ từ trả tiền lại sau. Vì thế khi yêu nhau, cả hai tự động viên nhau phải cố gắng hơn và lên kế hoạch cụ thể cho tương lai.

Chúng tôi cố gắng chăm chỉ làm việc và để dành tiền cho anh học một khoá nghề ngắn hạn trước. Sau đó, anh cố gắng xin và làm việc phù hợp với nghề được đào tạo dù mức lương rất bèo bọt. Nghề dạy nghề, từ từ có kinh nghiệm anh làm việc chỗ khác với mức lương khá hơn và xứng đáng hơn. Sau đó, đến phiên tôi học khoá nghề mình yêu thích rồi chấp nhận làm việc không lương trong vài tháng đầu để có kinh nghiệm. Cứ thế, chúng tôi từ từ tích luỹ và có một số vốn nho nhỏ sau bốn năm làm việc cật lực.

Hiện giờ, tôi và anh đã thành vợ chồng và có một cậu con trai kháu khỉnh, lanh lợi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với tình yêu chân thành và một quyết tâm vững chải, chúng tôi sẽ vượt qua hết mọi trở ngại và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Đọc nhiều nhất

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.

Tin mới

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...