Đàn ông nam tính đâu phải lạnh lùng
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương.
Con đón sinh nhật lần thứ 18, ba muốn nói với con nhiều điều với tư cách là một người đàn ông đi trước chia sẻ với người đàn ông đi sau, chàng trai của ba!
Con đã phụng phịu khi nhận từ mẹ món quà không ưng ý. Ba biết là con thích món quà đắt tiền hơn, nhưng mẹ không đủ khả năng để đáp ứng. Mẹ đã cố gắng giải thích để con vui lòng, vậy mà con tỏ thái độ lạnh tanh. Một người đàn ông nhận quà từ phụ nữ, mà có thể lạnh tanh như vậy sao? Ba thật sự buồn, nhất là khi người đàn ông đó lại là con ba.
Trong nhà mình, chẳng phải ba đã thỏa thuận với con rằng, hai người đàn ông chúng ta phải học cách yêu thương và chiều chuộng người phụ nữ là mẹ con, con không nhớ sao? Có lần, con khen một nhân vật trong phim Hàn là “đầy nam tính” bởi anh ấy lúc nào cũng lạnh lùng, không bao giờ mở miệng nói xin lỗi bạn gái, để cuối cùng cô bạn gái phải hạ mình xin lỗi ngược hòng giữ tình yêu. Nhưng con ơi, cái lạnh lùng và bất cần chẳng làm nên nam tính đúng nghĩa đâu.
|
Ảnh minh họa. |
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương. Thay vì cố tạo ra ánh mắt lạnh lùng, bất cần đời như nhân vật trong phim, con hãy tập quan tâm đến người khác, để ánh mắt con luôn trìu mến. Vài năm nữa thôi, con sẽ có bạn gái, và sau đó sẽ có vợ. Rồi con sẽ hiểu, người phụ nữ yêu người đàn ông của họ vì rung động trước những cử chỉ quan tâm, đỡ đần, bảo vệ…
Ba cũng không hài lòng khi con đã lớn mà chưa biết làm những việc cơ bản cho bản thân. Con luôn muốn có một đôi giày thời thượng, nhưng con lại lúng túng trong cách xỏ dây giày, phải nhờ đến ba. Con sung sướng khi có một chiếc áo hiệu đắt tiền, nhưng con không biết cách ủi nó, cũng không biết cách xếp nó. Ba cũng đồ rằng, con chưa biết cách thắt cà vạt. Đó là lỗi của ba. Ba sẽ dạy con cách xếp một chiếc áo sơ mi vào vali như thế nào để không bị nhăn, dạy con cách xỏ dây giày cơ bản, dạy con cách thắt cà vạt. Có thể, đó là những việc lặt vặt, nhưng một người đàn ông phải bắt đầu trở thành người “lớn” bằng cách làm thật tốt những việc nhỏ.
Con cần phải phân biệt được các chất liệu vải để biết loại nào có thể giặt máy, loại nào phải giặt bằng tay, loại nào chỉ phơi trong mát chứ không phơi ngoài nắng. Con cũng cần tập quan sát những đôi giày của phụ nữ, để biết từng loại đế, từng loại da. Khi con có gia đình, người phụ nữ của con có thể hờ hững với số tiền lớn con mang về, nhưng sẽ rất xúc động và yêu con thật nhiều khi chồng biết giúp vợ giặt đồ, âm thầm sửa lại đôi giày cho vợ…
Ba cần nhấn mạnh với con rằng, người đàn ông nam tính không phải là người khệnh khạng bước vào nhà hàng, nói năng trịch thượng với người phục vụ, ngồi ăn ung dung, lạnh lùng. Đó phải là người nhã nhặn với mọi người, thuần thục trong động tác kéo ghế cho người phụ nữ đi cùng và quan tâm, chăm chút đối với người cùng bàn.
Có thể, khi đọc những dòng này, con sẽ nghĩ, nhà mình có người giúp việc rồi, sao con vẫn phải quan tâm đến những chuyện vặt vãnh như vậy? Con ạ, người giúp việc có thể giúp chúng ta đỡ đần việc nhà, nhưng bản lĩnh của một người đàn ông là có thể làm được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, từ đó làm chủ mình. Nếu con đang rảnh, con tự tay ủi chiếc áo cho mình, trông con sẽ nam tính hơn là lạnh lùng “lệnh” cho người giúp việc ủi áo.
Và, ba cần nhắc lại rằng, trước một người phụ nữ, kể cả người đó là mẹ con, việc yêu chiều, quan tâm, nâng đỡ sẽ tô đậm nét nam tính hơn là lạnh tanh, lười động tay vào những việc nhỏ.
Ba mong, sau này, khi không còn ba bên cạnh nhắc nhở, con vẫn là người đàn ông ấm áp yêu thương trong ánh mắt, nhẹ nhàng và dịu dàng trong hành động, nhất là đối với phụ nữ; và luôn ở tâm thế quan tâm, chia sẻ với người khác trong từng việc nhỏ nhất, con nhé!