"Hung thần đáng sợ" AC-130H cuối cùng của Mỹ về hưu
(Kiến Thức) - Lực lượng đặc nhiệm Không quân Mỹ (AFSOC) đã cho nghỉ hữu chiếc máy bay AC-130H Spectre cuối cùng sau hơn 45 năm hoạt động.
Tờ Jane’s cho hay, buổi lễ cho nghỉ hưu chiếc máy bay AC-130H Spectre có số đuôi 69-6569 Excalibur từ Phi đội bay đặc nhiệm số 16 thuộc Phi đoàn đặc nhiệm số 27 đã được tổ chức tại Căn cứ không quân Cannon ở bang New Mexico, Mỹ vào ngày 26/5.
AC-130H Spectre được xem là một loại máy bay chiến đấu già cỗi nhất của AFSOC. Phi đội máy bay loại này gồm có 8 chiếc đã được cho nghỉ hưu lần lượt trong suốt hơn 2 năm qua.
Điều lưu ý ở chỗ, dù đã được rút ra khỏi dịch vụ ở Mỹ, nhưng AC-130H vẫn thực hiện các nhiệm vụ tiền tuyến ở Afghanistan, Iraq và ở một số vùng khác. Theo Không quân Mỹ, Phi đội bay đặc nhiệm số 16 đã có hơn 6.500 phi vụ tác chiến trong suốt 26.000 giờ chiến đấu, và tiêu diệt 4.600 mục tiêu địch, bắt giữ 5.200 kẻ địch, trong suốt hơn 12 năm qua.
|
Chiếc AC-130H cuối cùng đã rút khỏi phục vụ Lực lượng đặc nhiệm không quân Mỹ. |
Sự khác biệt chủ yếu giữa máy bay AC-130H Spectre và AC-130H Spooky ở chỗ, ngoài trang bị pháo Bofors cỡ 40 mm và M102 cỡ 105 mm, phiên bản mới hơn Spooky còn lắp pháo Galting cỡ 25 mm. Trong khi phiên bản AC-130W trang bị hệ thống tác chiến MC-130W với gói vũ khí tấn công có độ chính xác, gồm 1 pháo đơn Mk 44 Bushmaster cỡ 30 mm, các bom đạn dẫn đường chính xác và một hẩu súng tầm trung.
Khi các máy bay AC-130H nghỉ hưu, AFSOC vẫn tiếp tục điều hành 17 máy bay AC-130U thuộc Phi đội bay số 4, 5 và 19 - Phi đoàn bay số 1 tại Hurlburt Field và 12 chiếc AC-130W đóng ở căn cứ Cannon do Phi đội bay số 16, 73 và 551 của Phi đoàn 27 vận hành.
Dự kiến tới năm 2021, AFSOC sẽ nhận 32 máy bay mới AC-130J Ghostrider. Một khi AC-130J được đưa vào chiến trường, phi đội AFSOC sẽ sở hữu 49 chiếc AC-130U và AC-130J cùng với 12 chiếc AC-130W Dragon Spear/Stinger II.
Máy bay AC-130H Spectre/Spooky hay các biến thể U, W, J là máy bay vận tải vũ trang được phát triển dựa trên mẫu C-130 huyền thoại không quân vận tải Mỹ. Không quân Mỹ phát triển dòng máy bay vận tải vũ trang AC-130 từ trong cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm tấn công các đoàn xe vận tải, chặn đường chi viện vào miền Nam của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau năm 1975, thấy được hiệu quả lớn của dòng máy bay này, Mỹ vẫn tiếp tục phát triển thêm các biến thể AC-130 kiểu mới chủ yếu trang bị cho các phi đoàn đặc nhiệm thực hiện các chiến dịch đặc biệt.
AC-130 có thể thực hiện các hoạt động tác chiến độc lập, thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu mặt đất nằm sâu trong hậu phương của đối phương, thực hiện các nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ căn cứ không quân, cô lập và phong tỏa các khu vực tác chiến đơn lẻ, trinh sát và quan sát, theo dõi và kiểm soát các hoạt động ở cấp chiến thuật.