Tạp chí National Interest cho biết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf cho Ankara. Nếu hợp đồng được ký kết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên NATO đầu tiên vận hành hệ thống phòng không tối tân của Nga.
Ibrahim Kalin, phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với kênh truyền hình TRT của nước này: “Cuộc đàm phán về S-400 đang tiếp tục. Ban thư ký công nghiệp quốc phòng và tổng thống đã nhận được thông tin về điều đó. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán. Chúng tôi không biết liệu có đủ thời gian để đạt được thỏa thuận trước phiên họp cấp cao Nga-Thổ sẽ được tổ chức tại Nga. Nhưng vấn đề này sẽ được đệ trình lên cấp lãnh đạo cao nhất”.
Thông tin Moscow và Ankara đàm phán mua bán hệ thống phòng không S-400 dẫn đến những phản ứng trái chiều từ các nhà phân tích. “Tôi nghĩ rằng đây có thể là một nỗ lực thực sự. Nó chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của Mỹ, NATO và Israel”, Sam Bendett, nhà nghiên cứu về các vấn đề quân sự Nga tại Trung tâm phân tích Hải quân CNA nhận định.
Ông Bendett cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng không nào có tính năng như S-400. Đồng thời, Ankara đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ phiến quân Houthi. Do đó, mua S-400 là thành phần quan trọng việc hiện đại hóa quân đội nước này, độc lập về quân sự so với các nước phương Tây.
Hệ thống phòng không tầm siêu xa S-400 Triumf của Nga. Ảnh: Sputnik |
Vị chuyên gia nhận định, hợp đồng S-400 sẽ mở đầu cho hợp tác công nghiệp quốc phòng Nga-Thổ mà Moscow mong muốn lâu nay. “Nó đại diện cho sự xâm nhập thị trường vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vốn khép kín và chỉ mua phần cứng quân sự của phương Tây”, Bendett nói.
Hợp đồng sẽ thúc đẩy quan hệ song phương và tránh lặp lại các sự cố đáng tiếc như vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga trong năm 2015.
Trong khi đó, Mike Kofman, nhà phân tích các vấn đề quân sự Nga tại Trung tâm Wilson cho rằng thông tin đó là không thuyết phục: “Đây là một kiểu trò chơi đòn bẩy chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ từng làm điều này với Trung Quốc”.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc trong cuộc đấu thầu vào năm 2013. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đó là nỗ lực nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất phương Tây chuyển giao công nghệ cho Ankara.
“Đó là một chiêu bài của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được giá cả thấp hơn cùng một số điều khoản có lợi cho họ từ các nhà sản xuất phương Tây, bao gồm cả chuyển giao công nghệ. Họ đang cố gắng áp dụng chiến thuật tương tự với Nga”, ông Kofman nói.
Ông Kofman cho rằng, Nga có thể chuyển giao công nghệ, giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn, trở thành một đối thủ cạnh tranh hoặc không phụ thuộc vào NATO trong vấn đề mua sắm vũ khí.
Bán hệ thống phòng không tốt nhất của Nga cho một quốc gia NATO. Ankara một lần nữa sử dụng cuộc đàm phán để gây sức ép với các nước NATO trong mua bán vũ khí.
Ông Kofman hoài nghi triển vọng Nga sẽ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không tiên tiến như S-400. “Tại sao Nga sẽ bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt họ có tính đến sự cố bất ngờ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Moscow luôn suy nghĩ về thực tế họ có thể có sự cố quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kofman nói.