Người bệnh là đối tượng phục vụ của các cơ sở y tế, có nơi còn gọi là “khách hàng”. Cho dù gọi bằng cài gì đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng vẫn là sự phục hồi về sức khỏe, nếu không thể thì cũng phải hạn chế các cơn đau và kéo dài sự sống.
Trong thế kỷ 21, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, trong lĩnh vực y tế cũng đã có những bước đột phá về các phương tiện chẩn đoán và điều trị, giúp “lộ diện” nhiều căn bệnh mà trước đây chưa thể phát hiện ra, giúp điều trị hiệu quả hơn và thời gian phục hồi được rút ngắn một cách đáng kể.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, bất kỳ một thành quả khoa học nào được phát minh cũng tiềm ẩn những mặt trái của nó mà con người phải luôn tìm mọi cách để khắc phục, đó là các sự cố y khoa xảy ra trong và sau các lộ trình chẩn đoán và điều trị, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn là các “sự cố y khoa”.
Đó là tính phức tạp trong việc bảo quản, vận hành và điều khiển các phương tiện kỹ thuật hiện đại khiến người bệnh phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn. Thêm vào đó là trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc hay công tác quản lý tại các cơ sở y tế. Theo một số nghiên cứu thì tại Mỹ, mỗi năm ước tính có khoảng 44.000 người bệnh tử vong liên quan đến các tai biến y khoa, cao hơn số tử vong do tai nạn giao thông (43.458), do ung thư vú (42.297), do HIV/AIDS (16.516).
Ở Việt Nam ta tỷ lệ các sự cố y khoa xảy ra trong hầu hết các cơ sở y tế công cũng như tư nhân, và dao động ở con số 3,2 đến 16,6% trên tổng số các trường hợp được điều trị. Tính trung bình trên toàn thế giới thì con số này là khoảng 10%. Điều đó cho thấy rằng, trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, sự cố y khoa đã xảy ra ở mức độ cao, có xu hướng phức tạp hóa và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Thực trạng đó đã tạo nên một nỗi quan ngại trong nhân dân, vô tình trở thành một áp lực đối với các cơ sở y tế và là một thách thức lớn đối với các nhà quản lý cũng như các thầy thuốc lâm sàng, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm thiết lập một hành lang an toàn cho người bệnh, để tối thiểu hóa các sự cố và tối đa hóa sự phục hồi từ các sự cố đó.
Các cơ sở y tế hay nói riêng là các bệnh viện, bên cạnh các thành quả về công tác khám và chữa bệnh thì đều có nguy cơ tiềm ẩn nhiều yếu tố thuận lợi để xảy ra các sự cố y khoa ngoài mong muốn. Theo nhiều nghiên cứu thì các yếu tố thuận lợi sau đây đã được nhận dạng:
Thứ nhất, tình trạng thiếu Bác sỹ chuyên môn, khiến một người phải đảm nhận nhiều ca bệnh, thêm vào đó là áp lực đối với các bác sỹ khi buộc phải ra những quyết định nhanh chóng đối với các trường hợp khẩn cấp, thậm chí là y lệnh miệng;
Thứ hai, tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng trong hầu hết các cơ sở y tế;
Thứ ba, đang tồn tại rào cản thông tin giữa người bệnh, nhân viên y tế và nhà quản lý, đó là sự xa cách, thiếu gần gũi khiến người bệnh cảm thấy lạc lõng, hoang mang và luôn mong muốn tìm người quen để giúp đỡ
Thứ tư, trang thiết bị chưa được đồng bộ, có những bệnh viện có sự đầu tư đáng kể với các phương tiện chẩn đoán hiện đại (MRI, cắt lớp xoắn ốc, nhũ ảnh, .v.v…) nhưng lại quên đi đầu tư vào những cái đơn giản như máy hút, bộ dụng cụ nội khí quản, bộ hồi sức sơ sinh, hộp cấp cứu lưu động .v.v… hoặc trang bị không đồng đều giữa các khoa.
Thứ năm, sử dụng những phương pháp chẩn đoán và điều trị có mức an toàn hẹp, ví dụ có cơ sở khám chữa bệnh chưa có bác sỹ siêu âm, chưa có kháng sinh đồ, điều trị còn mang tính kinh nghiệm, thiếu dựa vào chứng cứ hay nguyên nhân cụ thể.
Thứ sáu, đó là vấn đề sự ảnh hưởng quá nhiều vào yếu tố thị trường, gây xao lãng, thiếu tập trung vào công tác chuyên môn, sự thiếu quan tâm đến người bệnh, giao tiếp kém, gây mất niềm tin đối với người bệnh, tất cả điều đó đều tạo điều kiện thuận lợi cho các sự cố y khoa xảy ra.
Thứ bảy, đó là vấn đề vốn là thuộc tính của ngành y tế như: đặc điểm, cơ địa đáp ứng của người bệnh, đặc điểm của kỹ thuật luôn là con dao hai lưỡi, bên cạnh đó phải kể đến xác suất may rủi trong thực hành y khoa .v.v…
Thứ tám, đây là lỗi hệ thống: do khâu tổ chức chưa phân bố nguồn lực thích hợp, nơi thừa nơi thiếu. Việc xử lý các sự cố đang còn gặp nhiều vấn đề như: đang tồn tại “văn hóa buộc tội”, xem tai biến như là lỗi cá nhân mà không xem xét hệ thống, khiến người thầy thuốc thường không mạnh dạn báo cáo các sự cố, để từ đó rút kinh nghiệm trong toàn bộ hệ thống. Hoặc giữa các cơ sở y tế cũng chưa thật sự trao đổi thông tin, chia sẻ các sự cố y khoa cho nhau.
Thứ chín, đây thuộc về lỗi cá nhân: một bộ phận các nhân viên y tế trẻ còn thiếu kinh nghiệm, chưa được huấn luyện đầy đủ, hoặc có chuyên môn tốt nhưng trong thực hành y khoa thì còn thiếu tính kỷ luật, không tuân thủ các quy trình cũng như các quy định về an toàn người bệnh.
Nắm bắt được các nguyên nhân trên, các nhà quản lý cũng như các thầy thuốc tập trung tìm các giải pháp khắc phục dựa vào nguyên nhân. Ngoài ra, các giải pháp mang tính kinh nghiệm cũng xin phép được chia sẻ như sau:
Thiết kế các công việc đảm bảo an toàn cho người bệnh vì khả năng của thầy thuốc luôn luôn có giới hạn, đó là sự chuyên môn hóa, tránh để thầy thuốc làm trái với chuyên khoa của mình. Mặt khác cũng hạn chế tình trạng một người đảm nhiệm quá nhiều người bệnh.
Tránh dựa vào trí nhớ: giải pháp này thuộc về các thầy thuốc, phải luôn có sách, hoặc các phác đồ bỏ túi, khi đứng trước các trường hợp nên mở ra xem, phải giũ bỏ các tự ti, lòng tự trọng, và phải luôn luôn “chiến thắng bản thân mình”.
Sử dụng chức năng cưỡng ép: đó là làm việc có trình tự, có dây chuyền, nếu không thực hiện bước này của quy trình thì sẽ không thực hiện được bước tiếp theo: ví dụ, nếu chưa đo lấy sinh hiệu người bệnh thì sẽ không thực hiện được việc khám bệnh .v.v…
Đơn giản hóa và chuẩn hóa các quy trình: các bệnh viện nên xây dựng các phác đồ điều trị một cách chuẩn mực nhưng phải đơn giản hóa, tránh phức tạp rườm rà khiến mọi người khó nhớ.
Xây dựng hệ thống khó mắc lỗi: tăng cường hệ thống nhắc nhở (giấy dán tường, dán vào dụng cụ …) thay thế cho việc sử dụng trí nhớ, hệ thống tránh nhầm lẫn trong sử dụng các máy móc hỗ trợ hô hấp, tim mạch, hoặc sử dụng các bảng kiểm trong phẫu thuật, hệ thống báo lỗi trong kê đơn (phần mềm kê đơn) .v.v…
Huấn luyện và tổ chức cho các nhân viên y tế các kỹ năng làm việc nhóm một cách hiệu quả.
Khuyến khích báo các các sai sót nhằm phòng ngừa chính nó trong tương lai.
Để cho người bệnh cùng tham gia vào lựa chọn cũng như thiết kế các quy trình anh toàn trong chẩn đoán và điều trị: thực hiện tính tập trung dân chủ, tạo niềm tin và chia sẻ ở người bệnh.
Người thầy thuốc phải chủ động dự báo trước các tình huống có thể xảy ra.
Phải chủ động thiết lập kế hoạch phục hồi khi có tình huống xảy ra: tránh sự lúng túng, không thống nhất trong nội bộ.
Khoa Ngoại Tiêu hóa mà chúng tôi đang công tác là một khoa luôn có nguy cơ đối diện với các rủi ro trong y khoa, với số lượng công việc chuyên môn ngày càng nhiều, nhân lực còn thiếu và trang thiết bị vẫn còn hạn chế. Đứng trước hoàn cảnh đó, tập thể cán bộ nhân viên trong khoa đều nỗ lực hết mình, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, thiết lập các quy trình làm việc, có chế độ giám sát thường xuyên: giám sát của lãnh đạo, giám sát lẫn nhau để phòng tránh các sự cố đáng tiếc, đặc biệt là Khoa cũng đã tạo ra nhiều bảng kiểm trong mọi thao tác để đảm bảo quy trình được thực thi một cách có trách nhiệm và hiệu quả cao.
Tóm lại an toàn người bệnh ngày nay trở thành một thách thức lớn nhất trong lĩnh vực y tế, để làm được điều này phải có sự tham gia của cả hệ thống y tế từ các nhà quản lý đến các nhà chuyên môn cũng như các bộ phận liên quan (dược, vật tư y tế, mạng thông tin y tế .v.v….) với trách nhiệm cao nhất, để người bệnh ngày càng được an toàn hơn, để sức khỏe chóng phục hồi, để các tai biến không còn là nỗi ám ảnh lớn lao cho tất cả mọi người khi tham gia vào quá trình khám và điều trị trong các cơ sở y tế.