Theo kế hoạch, chuyến đầu tiên của ban bay đêm tháng 10/2015 sẽ xuất phát lúc 18g.
Ăn tối lúc... 4g chiều
Ngay từ 16g, các phi công đã tập trung tại căngtin để... ăn tối, nạp năng lượng trước giờ xuất kích. Trung tá phi công Ngô Quốc Tiến cho biết: “Bay đêm ăn sớm lắm. 4g chiều đã ăn rồi trong khi bình thường phải 6 - 7g tối nên mình không thể ăn nhiều”.
Su-30MK2 đang cơ động trên đường băng chuẩn bị cất cánh trong đêm - Ảnh: My Lăng |
Ngoài bữa ăn này, giữa ban bay các phi công sẽ được bộ phận hậu cần mang đến khẩu phần ăn phụ, có khi là một ổ bánh mì với một hộp sữa, có khi là cháo gà và nước cam...
17g41. Hoàng hôn dần buông xuống sân bay quân sự Biên Hòa. Hàng chục tiêm kích Su-30MK2 đang giương cánh, chờ đến lượt xuất phát
18g. Ở phía đường băng, chiếc Su-30MK2 đầu tiên đang dừng tại vị trí cất cánh để kỹ thuật kiểm tra lại lần nữa.
Ba phút sau, nhận được lệnh cho phép cất cánh từ chỉ huy bay, chiến đấu cơ Su-30MK2 liền nhanh chóng lấy đà, cùng lúc lao vút lên trời. Đêm nay không trăng, không sao.
Màn đêm đặc quánh một màu đen thẫm. Chúng tôi chỉ kịp thấy những luồng lửa cháy đỏ, rực sáng từ đuôi của “hổ mang chúa”. Tối nay, các phi công Su-30MK2 sẽ thực hiện bài bay chặn kích trên đất liền.
Trên trời không còn nhìn thấy những chiến đấu cơ nữa nhưng những tiếng gầm rít của nó luôn chiếm lĩnh màn đêm. Bầu trời rền vang thanh âm của Su-30MK2 nghe như sấm sét, lúc gần lúc xa khi “hổ mang chúa” tăng giảm độ cao, chao liệng thực hiện những động tác nhào lộn, bổ nhào.
Trước đó, để chuẩn bị cho ban bay đêm, các lực lượng mặt đất phục vụ cho ban bay đã triển khai nhiệm vụ từ 12g trưa.
16g40, phi công và các bộ phận mặt đất phục vụ cho ban bay đã tập trung đầy đủ ở phòng giao nhiệm vụ.
Trước mặt mọi người là bảng kế hoạch bay (tên, số hiệu phi công, bài bay, giờ bay) cùng những thông tin về khí tượng, bản đồ khu vực bay, mô hình buồng lái trước và sau của Su-30MK2. Hai bên tường dày kín bảng ghi các tình huống khẩn cấp thường gặp nhất được phóng rất to...
“Đó là những tình huống thường gặp nhất trong hàng trăm tình huống bất trắc trên trời mà phi công phải học thuộc làu để bình tĩnh xử lý. Đặt bảng ở đây để lúc nào kiến thức cũng đập vào mắt”, chủ nhiệm chính trị - đại tá Nguyễn Văn Hợi cho biết.
Trợ lý khí tượng báo cáo: trời 2 - 4 phần có mây CU (mây trắng), độ cao 500 - 700m; 1 - 2 phần mây CB (mây mưa), độ cao 900 - 1.000m. Có dông rải rác. Gió 360 - 50 độ, tốc độ 2 - 3 m/s. Đã bay đêm lại còn có dông, mây CB nhiều. Đó là những tiềm ẩn không thuận lợi cho một ban bay đêm.
Ngay sau khi rời phòng giao nhiệm vụ, đại tá Trần Văn Dũng di chuyển ra ngay đài chỉ huy. Tối nay, anh là chỉ huy bay chính.
18g40. Chuyến bay đầu tiên chuẩn bị hạ cánh, hoàn thành bài bay chặn kích trên đất liền. Trời tối nên không thể nhìn thấy hình dạng của Su-30MK2 nữa.
Máy bay lúc này là đốm sáng rực đang là là hạ xuống. Ngay lúc đó tại hangar, một chiến đấu cơ khác đã được nổ máy, chuẩn bị xuất phát sau đó chỉ hai phút.
Trong lúc chiếc Su-30MK2 vừa hạ cánh đang được tiếp nhiên liệu thì nhân viên của phòng phân tích kiểm tra khách quan đã nhanh chóng cắm một thiết bị vào cổ “hổ mang chúa”.
Hỏi ra mới hay gắn thiết bị đặc biệt này để lấy “hộp đen” từ máy bay và sẽ chuyển ngay đến phòng phân tích kiểm tra khách quan.
“Tại đây, nhân viên sẽ đưa dữ liệu vào máy tính để kiểm tra kỹ thuật lái của phi công và chất lượng kỹ thuật máy bay. Tất cả đều hiển thị hết trên máy tính” - thượng úy Phạm Hà Quảng cho hay.
Nhân viên kỹ thuật trao đổi về tình trạng máy bay với phi công sau chuyến bay đêm - Ảnh: My Lăng
|
Bay đêm khó hơn bay ngày
Bay đêm là một trong những nhiệm vụ bắt buộc với trung đoàn không quân 935. Đây cũng là đơn vị chiến đấu đầu tiên trong quân chủng được tin tưởng giao nhiệm vụ này.
Xuân Tuyến (nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 935, hiện là phó sư đoàn trưởng sư đoàn 370) và Xuân Tình (phó trung đoàn trưởng - tham mưu trưởng trung đoàn 935) - cả “hai Xuân” của trung đoàn 935 là giáo viên bay biển đêm đầu tiên của quân chủng.
Với đặc thù của bay đêm, bên cạnh những đòi hỏi về trình độ phi công, còn phải làm tốt công tác hiệp đồng giữa các lực lượng chỉ huy, thông tin, kỹ thuật... dưới mặt đất. Nhiệm vụ này không đơn giản.
Phó trung đoàn trưởng - tham mưu trưởng - đại tá Phan Xuân Tình cho biết: “Bay đêm khó hơn bay ngày nhiều vì có nhiều yếu tố gây căng thẳng: trời tối, mây mù, nhiều mây, tầm nhìn thấp. Nó quyết định rất nhiều đến khả năng thực hiện nhiệm vụ và hạ cánh. Bay đêm mức độ kiểm soát khó hơn, dễ sinh ra những cảm giác không có trong thực tế”.
Chính sự khó khăn và phức tạp như thế trong bay đêm mà không phải phi công nào cũng được chọn để giao nhiệm vụ này.
Đại tá Phan Xuân Tình cho biết: “Bay ngày tốt thì mới được bay đêm. Thường phải là phi công cấp 3 có số giờ bay từ 400 trở lên, hoàn thành được 70 - 80 chuyến bay ngày mới được bay đêm, có người cả trăm chuyến.
Ngoài ra còn một số phi công không có cấp (do thiếu bài bay) nhưng trình độ đạt yêu cầu và giờ bay đủ sẽ được phê chuẩn bay đêm”.
Không chỉ bay huấn luyện đêm, trung đoàn 935 còn tham gia diễn tập ném bom, bắn tên lửa và đạn thật ban đêm (do Quân chủng Phòng không không quân tổ chức) vào ngày 24 và 25-3-2015 tại trường bắn quốc gia khu vực 3.
Đó cũng là lần đầu tiên chiến đấu cơ Su-30MK2 diễn tập ném bom vào ban đêm sau 30 năm gián đoạn. Trong đợt diễn tập này có 36 phi công sử dụng các loại máy bay chiến đấu Su-30MK2, Su-22M4 và trực thăng Mi-8.
Nhiệm vụ của các phi công trong lần diễn tập này là phải thực hiện những bài chiến thuật bay có mức độ khó và phức tạp như bay độ cao thấp tránh rađa của địch rồi bất ngờ kéo cao, bổ nhào công kích rồi thoát ly mà không có thời gian bay vòng kín xác định mục tiêu...
“Đề bài” khó là vậy lại mang áp lực về việc bắn trúng mục tiêu bằng bom, rocket thật nhưng các phi công Su-30MK2 đều hoàn thành tốt yêu cầu chiến thuật, kỹ thuật.
Đạt 100% về ném bom ban đêm xuất sắc, các phi công Su-30MK2 của trung đoàn 935 đã khẳng định khả năng làm chủ loại chiến đấu cơ đa năng hiện đại này...
... 21g10. Chiến đấu cơ thực hiện chuyến bay đêm cuối cùng đã quay về hạ cánh. “Một ban bay đêm thường đến 21g30, nếu muộn là hơn 22g sẽ kết thúc. Nếu kéo dài quá sẽ gây mệt mỏi cho người dân. Tối rồi mà cứ ầm ầm dân không chịu nổi” - đại tá phi công Trần Quốc Toản nói.
Nhưng đâu chỉ có tất bật, khẩn trương, căng thẳng, với 10 năm kinh nghiệm bay đêm, đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, phó trung đoàn trưởng quân huấn, rất lãng mạn:
“Khi cất cánh lên mặt trời đã lặn nhưng vẫn còn ánh sáng, không nhìn thấy gì. Lúc hạ cánh về thì trời tối. Bên dưới màn đêm là cả thành phố rực sáng. Tôi rất thích cảm giác đó. Trong 30 phút mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Những đêm thời tiết tốt, bay đêm đẹp hơn bay ngày. Trong khoang lái đầy sao...”.