Vua Lê chúa Trịnh đi cày tịch điền
Trong ngày tết, các vua Lê chúa Trịnh cũng ăn tết rầm rộ với nhiều hoạt động nhưng với địa vị chí tôn, toàn bộ các hoạt động chơi xuân của vua chúa Việt thường chỉ diễn ra bên trong cung cấm nên người đời ít biết. Tuy vậy, trong những ngày đầu năm, vua và chúa cũng có ra ngoài thành với xa giá lộng lẫy một lần. Đó là dịp lễ tịch điền.
Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes từng sống ở Đàng Ngoài từ 1627-1630, trong cuốn sách Lịch sử vương quốc Đàng ngoài đã miêu tả lại một dịp ông được chứng kiến vua Lê chúa Trịnh đi làm lễ tịch điền.
Tái hiện lễ tịch điền ở Đọi Sơn năm 2012. Ảnh: hanam.gov. |
Vị giáo sĩ này kể: “Đầu năm nơi xứ này cũng như nơi nước Tàu, thường vào giữa đông chí và xuân phân, đúng ngày tuần trăng mới tương đương với ngày mồng 05 tháng 02 theo cách tính của chúng ta; vào ngày mồng 03, do các nhà toán học hay ma thuật chỉ định (vì ở các nước này có nhiều dị đoan), mọi người có trọng trách, chức vụ hay cấp bậc trong ngành quan võ hay quan văn đều phải đến đền vua với những phù hiệu và y phục chức vụ mình để theo vua trong đám rước long trọng qua khắp thành cho tới một thửa ruộng, theo thể thức và thủ tục tôi sẽ tả sau đây.
Mở đầu là binh sĩ tập hợp từ khắp nước về đây, nghiêm chỉnh hàng lối và rất đông, có tới mấy nghìn, tất cả đều mang khí giới, kẻ đem cung tên, người mang gươm giáo và súng ống. Sau đó là sĩ quan và hàng quý tộc một phần đi ngựa cảnh, một phần cưỡi voi, chừng ba trăm tất cả, có trải thảm quý, đã được huấn luyện dừng bước và tuân lệnh.
Vị tướng lãnh cai trị nước như phó vương gọi là chúa Thanh đô vương đi sau hàng quý tộc, ngự trong chiếc xe kéo thấp thiếp vàng. Theo sau là một cỗ voi phủ áo sang trọng, có người dắt, chúa tuỳ lúc có khi cưỡi voi, tuỳ tính khí mỗi khi muốn làm đẹp lòng dân đứng nghinh tiếp và ca ngợi.
Sau đó là một đám rất đông các ông nghè, ông cử, ông tú mặc áo dài bằng lụa và thứ hàng quý màu tím sẫm, mỗi người với phù hiệu chức vụ hay cấp bậc mình. Cuối cùng là vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy của nhiều người khiêng trên vai, ngai phủ một tấm thảm thêu vàng và xanh, màu sắc dành riêng cho một mình ngài.
Với đoàn thể quân ngũ, vua ra khỏi cung cấm rộng chừng bằng một thành phố lớn, rồi qua những phố chính trong kinh thành gọi là Kẻ Chợ, rồi tới một cánh đồng rộng xa kinh thành chừng một dặm, nơi đây tất cả đoàn thể đến trước đang chờ ngài với rất đông dân chúng. Ngài bước xuống ngai, rồi sau khi đọc lời khấn và long trọng bái trời, ngài cầm cán cày được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công, cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc và chăm sóc đất ruộng.
Rồi tới lượt chúa là vị cai trị cả nước, vị có quyền thế đầy đủ và cao cả trên tất cả thần dân, ông là người đầu tiên tiến đến bái kính đức vua, sấp mình trên đất. Sau ông là hoàng tử, tướng lãnh và toàn thể hoàng tộc, sau cùng là quân sĩ và toàn dân bái phục đức vua và hoan hô chúc mừng. Đó là cách cung kính vĩ đại nhất và sự nhìn nhận long trọng nhất đối với vua, một lần vào dịp đầu mỗi năm.
Vua Đồng Khánh du xuân dạo phố
Sang thời các vua nhà Nguyễn, việc chơi tết du xuân mỗi đời mỗi khác tùy theo sở thích của vua. Tuy vậy, từ đời Đồng Khánh trở đi, các vua lại bắt đầu thực hiện một đám rước qua các phố phường ở Huế vào ngày mồng Một tết. Theo bài “cuộc du xuân của vua Đồng Khánh” trên báo Thừa Thiên Huế, tháng 7/1885, sau khi vua Hàm Nghi ra ngoài phát động phong trào Cần Vương thì chính quyền thực dân đưa vua Đồng Khánh lên ngai vàng. Tuy vậy dư luận lúc ấy cho rằng vua Đồng Khánh thực chất đang bị người Pháp giam lỏng trong hoàng cung.
Một đoàn ngự đạo của vua Nguyễn. Ảnh tư liệu. |
Để thuyết phục dân Huế rằng nhà vua không bị giam hãm, cuối năm ấy, đại diện chính phủ Pháp ở Huế là Thiếu tướng Prudhomme đã tổ chức cuộc du xuân cho nhà vua nhân dịp tết âm lịch 1886.
Hôm mồng Một tết Bính Tuất (tức 4/2/1886), vào lúc 2 giờ rưỡi chiều, vua Đồng Khánh từ điện Càn Thành ngự ra điện Cần Chánh. Tất cả các thành phần tham gia trong đoàn Ngự đạo đã chờ sẵn tại khu vực này. Sau 7 phát súng lệnh bắn ra trên Kỳ Đài, đoàn Ngự đạo đi ra khỏi Đại Nội bằng cửa Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành, rồi Cửa Ngọ Môn của Hoàng Thành. Vua ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng do đội lính Loan giá gánh đi. Quanh kiệu mở thoáng để cho dân chúng nhìn thấy long nhan. Mọi thành viên trong đoàn đều mặc lễ phục, và mọi thứ, kể cả voi ngựa, đều được trang sức rực rỡ.
Đoàn ngự đạo gồm các ban quân nhạc và lính Pháp rồi đến ban nhạc của triều đình và các quan lại mang kiếm, những người cầm lọng và đồ nghi trượng. Kiệu vua đi giữa đoàn ngự đạo. Bên phải và bên trái kiệu là tướng Prudhomme và Đại tá Brissaud cưỡi ngựa. Sau kiệu vua là những người thổi kèn clarinette và các hoàng thân, các quan cao cấp và sĩ quan Pháp...
Đoàn ngự đạo rầm rộ ra khỏi Ngọ Môn thì rẽ trái và ngoài Kinh Thành bằng cửa Đông Ba rồi đi ngang trước chùa Diệu Đế rồi trở về hướng cầu Gia Hội và tiến lên cửa Thượng Tứ. Khi đến Viện Thương Bạc, nhà vua xuống kiệu để vào thăm xã giao quân dinh của tướng Prudhomme.
Đoàn ngự đạo đi qua Ngọ Môn ở Huế năm 1936. Ảnh tư liệu. |
Để chào đón nhà vua, 21 phát đại bác được bắn ra từ một pháo thuyền đậu gần đó trên sông Hương. Một bữa tiệc đã được dọn sẵn. Mọi người, cả tây lẫn ta, từ vua quan đến lính tráng, đều ăn uống vui vẻ. Đến lúc 5 giờ chiều thì buổi tiệc kết thúc. Đoàn Ngự đạo trở vào trong thành bằng cửa Thể Nhơn (nay thường gọi là cửa Ngăn), rồi vào lại Đại Nội bằng cửa Ngọ Môn. Trên Kỳ Đài bắn 3 phát súng lệnh để báo hiệu cuộc lễ Du xuân đã hoàn tất.
Trong suốt buổi du xuân của nhà vua hôm ấy, phủ Thừa Thiên đã lệnh cho dân chúng ở nhà cửa, hàng quán và đền chùa trên các tuyến đường vua đi qua, đều phải bày hương án, trang hoàng đẹp đẽ, treo cờ, thắp hương trầm và đốt pháo rồi vái lạy để chào mừng nhà vua.
Sau buổi du xuân của vua Đồng Khánh năm ấy, các thời vua kế tiếp sau đó là Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916) và Khải Định (1916-1925) đều có tổ chức những cuộc lễ Du xuân tương tự. Tuy nhiên lúc này nước ta đã bị Pháp đô hộ nên các cuộc du xuân này, cả vua lẫn quan Nam triều đều không còn thực quyền mà chỉ đi theo lệnh của chính quyền thực dân mà thôi.