Kỳ 1: Nhà tiên tri đại tài
Trong lịch sử Việt Nam, nhà tiên tri đầu tiên được mọi người biết đến là Thiền sư Vạn Hạnh (938-1025) với những câu sấm về việc xuất hiện nhà Lý. Hơn 500 năm sau, xuất hiện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà tiên tri thứ hai.
Ông sinh năm Tân Hợi, đời vua Lê Thánh Tông (tức năm Hồng Đức thứ 22 - 1491) tại làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Bĩnh Bảo, Hải Phòng, trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông mất năm Ất Dậu (1585), hưởng thọ 95 tuổi.
Trạng Trình là người tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri số 1” của Việt Nam. Người Trung Hoa thì coi ông là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất thông minh, học đâu nhớ đó, lớn lên được theo học quan Bảng Nhãn Thượng thư Lương Đắc Bằng.
Đền thờ Trạng Trình tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. |
Thời thế nhiễu nhương, ông ẩn cư ở quê dạy học, sáng tác thơ văn. Mãi đến năm 1535, đời vua Mạc Thái Tông Đăng Doanh , ông mới ra thi, liên tiếp 3 khoa Hương, Hội, Đình đều đậu đầu, giành học vị Trạng nguyên. Ông làm quan nhà Mạc tới chức Lại bộ Tả thị lang - Đông các Đại học sĩ. Sau thấy nhiều phe phái quan to cậy thế hại dân, hại nước, ông dâng sớ xin vua chém 17 lộng thần. Vua không nghe, ông quyết từ quan về quê mở trường dạy học, tổ chức Bạch Vân thi xã, đào tạo nhân tài cho đất nước, mong đem thi văn giúp vãn hồi thế đạo nhân tâm.
Tuy về hưu nhưng triều đình có việc nước, việc quân trọng đại, vua Mạc đều cử người về quê Trung Am hỏi kế sách hoặc mời ông lên kinh đô thỉnh giáo. Ông luôn sẵn sàng hiến kế, xong việc đòi về quê, vua Mạc cố giữ nhưng không được.
Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Internet. |
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những dự đoán tương lai bí ẩn, thường gọi là “sấm Trạng Trình, mà cho đến những đời sau, khi sự việc xảy ra, người ta mới giật mình bởi độ chính xác đến kinh ngạc.
Vô số giai thoại được dân gian truyền tai về những lời tiên đoán của Trạng Trình trước khi sự việc xảy ra. Có chuyện kể rằng, lúc nhà Mạc sắp mất, nhà vua liền sai người đến hỏi, ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời.
Một câu chuyện khác, vào năm 1568, khi ấy Trạng đã 77 tuổi và đang ở ẩn tại am Bạch Vân, Nguyễn Hoàng thấy anh trai mình bị chúa Trịnh Kiểm giết, bèn lén sai người đến xin ý kiến của Trạng. Trạng dẫn sứ giả ra chỉ vào hòn non bộ và nói: “Hoành Sơn nhất đái khả dĩ dung thân”.
Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, và về sau gây dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn ở phương nam. Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi nhưng quả đúng như lời sấm ban đầu của Trạng, nhà Nguyễn chỉ có thể dung thân ở dải Hoành sơn chứ không thể tồn tại mãi mãi, nhà Nguyễn chấm dứt vào năm 1945.
Một số tài liệu cổ về Sấm Trạng Trình được nhà sử học Ngô Đăng Lợi sưu tầm. |
Trạng cũng đã dự đoán vận nước trở nên hưng thịnh sau 500 năm với câu sấm: “Hồng lam ngũ bách nghinh thiên hạ/Hưng tổ diên trường ức vạn xuân”. Có nghĩa là đất nước Hồng Lam này sau ta 500 năm sẽ đến những mùa xuân hưng thịnh vĩnh viễn. Thực tế cho thấy, tính vừa tròn 500 năm từ ngày sinh của Trạng (1491 - 1991), đất nước thay đổi. Trước đó, đất nước ta đã có cuộc đổi mới tư duy từ năm 1986 nhưng đến năm 1991 mới thực sự chuyển mình.
Năm 1585, Trạng Trình qua đời tại quê nhà, nhân dân học trò triều đình làm lễ tang long trọng. Vua Mạc Mậu Hợp cử Phụ chính đại thần Ứng vương Mạc Đôn Nhượng về tế, tự tay nhà vua viết biển treo ở đền chính: Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ.
Vua lại cấp 12 mẫu ruộng để hàng năm lấy hoa lợi sắm lễ. Ông lại được phong phúc thần làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo và làng Thanh Am, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội bây giờ.
Những năm sau đó, vì những lý do khác nhau, và nhất là vào thời Pháp đô hộ Việt Nam, rất nhiều tài liệu, sách vở ghi chép của Trạng Trình đã bị thất lạc, chỉ còn một số ít được lưu giữ dưới dạng chép tay. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn lưu truyền câu sấm về hậu vận và sự trở về của ông : “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”.
Thật đáng ngạc nhiên, vào năm 1991, tức 500 năm sau ngày sinh của Trạng Trình, huyện Tiên Lãng bị xẻ đôi vì có công trình đào con sông để làm kênh thủy lợi. Đồng thời, một cây cầu được xây dựng để nối con sông Hàn từ quê nhà Vĩnh Bảo sang đất Thái Bình. Cũng vào thời điểm đó, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của Trạng được sống lại, lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh được Nhà nước tổ chức lọng trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hội thảo nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình. Ảnh do nhà sử học Ngô Đăng Lợi cung cấp. |
Thực ra, năm 1991 là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu của những chuyên gia sử học, nhằm vinh danh một nhân vật nổi tiếng từ thế kỷ 16, mà trước đó ít nhiều đã bị lãng quên. Trong đó, nhà sử học Ngô Đăng Lợi là một trong những người đi tiên phong trong việc tìm hiểu về cuộc đời và thân thế của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau ngày miền Bắc giải phóng, nhà sử học Ngô Đăng Lợi là chuyên viên văn hóa - xã hội, thuộc Văn phòng UBND thành phố; làm giáo viên dạy môn sử ở trường phổ thông và sau đó làm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố cho đến nay.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi trong buổi làm việc với phóng viên. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết, năm 1985, tức là 400 năm sau ngày mất của Trạng Trình, ông bắt đầu hành trình nghiên cứu. Lúc đó, vẫn còn hai luồng ý kiến trái chiều về thân thế của Trạng: một bên giữ nguyên quan điểm rằng cuộc đời Trạng thân tại Mạc tâm tại Lê, và những người theo nhà Mạc là xấu, quan điểm còn lại đánh giá tích cực hơn về vai trò và sứ mệnh của Trạng đối với lịch sử.
Trải qua rất nhiều hội thảo khoa học trong suốt 6 năm (1985 - 1991), vai trò to lớn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được khẳng định.
Còn tiếp...