Thông tin này được báo Quân đội Nhân dân đăng tải trong bài viết “Hình ảnh 2 tàu tên lửa HQ-377 và HQ-378”.
Trước đó, trong ngày 24/6, Tổng công ty Ba Son tiến hành hạ thủy thành công cặp tàu tên lửa M3, M4 và đấu giáp tổng thành chiếc thứ 5 của cặp tàu thứ 3 trong dự án đóng mới loạt tàu tên lửa hiện đại. Cùng với 2 tàu HQ-377 và HQ-378 (phiên hiệu khi ở nhà máy là M1, M2) bàn giao cho hải quân hôm 28/6, các tàu này đều thuộc Project 12418 Molniya do Nga thiết kế, chế tạo.
Trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên bang Nga, Việt Nam đã mua lại giấy phép chế tạo các tàu này trong nước. Cũng theo báo Quân đội Nhân dân, chương trình đóng tàu Project 12418 bắt đầu được triển khai từ cuối năm 2009 và đến tháng 4/2014, cặp tàu thứ nhất (chính là các chiếc HQ-377, HQ-378) được hoàn thành.
Tàu tên lửa M3 trong ngày hạ thủy. |
HQ-377 và HQ-378 là hai tàu chiến đầu tiên trong loạt tàu tên lửa thuộc chương trình đóng tàu 12418 do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tổ chức.
Project 12418 Molniya được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Tàu được trang bị hỏa lực mạnh mẽ gồm: 16 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E (theo lý thuyết thì một quả có thể đánh chìm tàu cỡ 5.000 tấn); một bệ pháo lớn 76,2mm; 2 bệ pháo phòng không AK-630 và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.
Theo một số nguồn tin, Việt Nam có kế hoạch xây dựng 10 tàu Project 12418 Molniya và hiện ta đã ký hợp đồng đóng 6 chiếc. Trước đó, Việt Nam đã nhập khẩu 2 tàu tên lửa Molniya từ Nga và hiện chúng biên chế tại lữ đoàn tàu chiến 167, vùng 2 Hải quân.