Tuy nhiên, cả hai Bộ đều khẳng định họ không soạn dự thảo này.
Ngực to, bụng béo mới được lái xe ! |
Dự thảo thông tư liên tịch ghi rõ “Quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe”, trong đó tiếp tục bê nguyên nhiều quy định đã được đưa ra trong Quyết định 33 do Bộ Y tế ban hành năm 2008 từng gây phản ứng trong dư luận, khiến Bộ này sau đó phải rút lại.
Chẳng hạn, người muốn được thi lấy GPLX hạng A1 (xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175 cm3) phải cao trên 1,45 m, nặng trên 40 kg, vòng ngực trên 72 cm, lực bóp tay thuận phải đạt trên 26 kg, lực bóp tay không thuận trên 24 kg và lực kéo thân phải trên 70 kg. Nếu không đạt 1 trong 6 tiêu chí thể lực trên sẽ không đủ điều kiện để thi lấy GPLX hạng A1...
“Nhầm lẫn do Cục Y tế GTVT”
Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết ngành y tế và các bên hữu quan đang thành lập Ban soạn thảo thông tư liên bộ GTVT - Y tế quy định về điều kiện sức khỏe lái xe. Dự kiến trước khi soạn thảo thông tư liên tịch lần này sẽ có khảo sát các thông số chỉ số sinh học (chiều cao, cân nặng, số đo vòng ngực, tình trạng sức khỏe) của những người đang lái xe. Các chỉ số khảo sát này là một trong những cơ sở xây dựng các chỉ số sức khỏe đảm bảo cho vận hành phương tiện giao thông cũng như đảm bảo tính khả thi.
Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế.
Theo ông Tường, ngày 26/8, cơ quan này mới gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành giới thiệu người tham gia Ban soạn thảo. Ban soạn thảo dự kiến có thành viên Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Hiệp hội Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Trước đây, dự định thông tư này do Bộ Y tế ký ban hành sau khi xin ý kiến Bộ GTVT, nhưng tại phiên họp liên bộ gần nhất, phía Bộ Y tế đã thông báo đây là thông tư liên tịch nên cần phải thành lập Ban soạn thảo trước khi xây dựng.
“Lý do của nhầm lẫn về việc dự thảo văn bản tiếp tục đưa ra các chỉ số về “ngực lép” này có lẽ do gần đây phía Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) có đưa dự thảo cũ và nói xây dựng trên nền văn bản này, nhưng chúng tôi đã có kết luận là phải sau khi có Ban soạn thảo rồi mới tiến hành xây dựng thông tư”, ông Tường khẳng định.
“Dự thảo ngày 7/8 là của Bộ Y tế”
Trái với ý kiến của ông Tường, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT, cho biết đã 2 lần ngồi họp với Bộ Y tế, Bộ Công an về nội dung dự thảo thông tư và dự thảo ngày 7/8 ra đời sau lần họp thứ 2, các đơn vị đã “cơ bản thống nhất” nội dung dự thảo.
Theo ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT, trước khi thông tư ban hành thì có phải sự đóng góp của người dân. Để xây dựng dự thảo thông tư trên, Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập Ban soạn thảo gồm 30 người. Hiện Ban soạn thảo cũng đã thống nhất nhiều nội dung.
Ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT - Bộ GTVT.
“Cục Y tế GTVT đã xin ý kiến các đơn vị của Bộ Y tế và các cục, vụ chức năng trong Bộ GTVT về nội dung dự thảo thông tư. Căn cứ vào các ý kiến đóng góp, Cục Y tế GTVT đã xây dựng nội dung nền của thông tư mang tính sơ khảo. Văn bản đó chúng tôi gửi cho Bộ Y tế từ cách đây mấy tháng rồi. Bộ Y tế quyết định thành lập một đơn vị soạn thảo và họ cũng họp rất nhiều lần, trong đó các thành viên chủ yếu là của Bộ Y tế, còn Bộ GTVT chỉ có 2 người thôi”, ông Triển nói.
Cũng theo ông Triển, trong các cuộc họp, các thành viên cũng thảo luận một cách sôi nổi, khoa học, đến thời điểm này cơ bản đã hoàn thành dự thảo để xin ý kiến đóng góp của nhân dân. Chủ trì việc tiếp thu ý kiến đóng góp là Bộ Y tế chứ không phải Bộ GTVT. Ông Triển cũng cho rằng, trả lời của đại diện Bộ Y tế là chưa đúng, vì chính Bộ Y tế đã thành lập hẳn một ban soạn thảo tiêu chuẩn sức khỏe, gồm rất nhiều thành viên.
“Khi xây dựng bản dự thảo nền chúng tôi cũng đã tiếp thu, rút kinh nghiệm của năm 2008 và cũng xin ý kiến thống nhất sơ bộ của Bộ Y tế để “hợp nhau về quan điểm”. Đặc biệt, dự thảo ngày 7/8 là của Bộ Y tế, vì sau khi Bộ GTVT gửi bản sơ khảo thì Bộ Y tế đã họp Ban soạn thảo và chỉnh sửa rồi mới hình thành ra bản dự thảo mới”, ông Triển nói.
Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT, lực bóp tay đúng theo quy định của quốc tế đều phải có yêu cầu. Vì trong quá trình vận hành xe cơ giới, chân và tay đều phải có sự phối hợp. Nhất là đối với xe máy, tay phải bóp phanh và ghì ghi đông... đòi hỏi phải có lực bóp nhất định. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo là chưa phù hợp, cần phải chỉnh sửa.
Cụ thể cần phải phân biệt giữa nam và nữ, bởi nam thường khỏe hơn, còn nữ thì yếu hơn.
“Khi tham dự họp bàn tôi cũng có ý kiến rằng, tùy theo từng loại phương tiện, ví dụ như ngay xe máy, cũng có nhiều loại chỉ cần lực bóp rất nhẹ. Cần phải quy định nam, nữ khác nhau, nữ phải giảm so với nam. Đây là cũng quy định cho chặt chẽ, tránh tình trạng người bị liệt tay nhưng cũng vẫn được xếp vào nhóm đủ điều kiện sức khỏe để cấp bằng lái”, ông Lâm nói.
Còn theo ông Khương Kim Tạo, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chuyên gia về lĩnh vực lái xe và công tác quản lý an toàn giao thông, hiện nay các phương tiện giao thông cơ giới đã phát triển hơn rất nhiều, tính năng hiện đại hơn, lực điều khiển xe như lái, phanh nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không cần yêu cầu lực lớn.
Trong quy định về sức khỏe người lái xe không nên quá chú trọng vào vấn đề thể lực, thấp bé nhẹ cân. Ví dụ với ô tô hiện nay, người lái ô tô có thể chỉnh ghế lái lên xuống thích hợp với tầm nhìn (trước đây nếu thấp bé phải kê thêm đệm).
“Thực tiễn những người lái xe thể hình nhỏ không gây tai nạn nhiều, yếu tố an toàn không liên quan quá nhiều đến thể lực mà quyết định là làm chủ an toàn như không phóng nhanh vượt ẩu. Chưa kể người khỏe đôi khi chạy nhanh, chạy ẩu”, ông Tạo nói.