Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (TP. Hà Nội) ngày 28/8 cho biết thời gian qua các bác sĩ đã nỗ lực điều trị và thành công trong việc giành lại mạng sống một nữ bệnh nhân mắc bệnh Whitmore dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, từng có tiên lượng tử vong rất cao.
Bác sĩ Đặng Đức Hoàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, cho biết Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh với tỉ lệ tử vong từ 40 đến 60%.
Theo TS - BS Đặng Văn Khoa, Giám đốc Bệnh viện 74 Trung ương, đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore rất phức tạp. Khi xâm nhập vào cơ thể vi khuẩn có thể gây bệnh ngay hoặc cũng có thể cư trú trong cơ thể rất lâu. Một số tài liệu cho rằng Whitmore sống trong cơ thể hơn 50 năm chỉ chờ cơ hội phát bệnh.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore là những người mắc một số bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như: tiểu đường, viêm thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan, nghiện rượu, sử dụng thuốc corticoid dài ngày...
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc vi khuẩn whitmore là những người mắc một số bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Ảnh minh họa: Internet. |
Ngoài ra, nhóm người sau cũng dễ mắc bệnh như: Người già, trẻ em, những người có sức đề kháng yếu, người bị tiểu đường, nghiện rượu hay nghiện ma túy.…người làm nghề nông, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước, sống ở vùng dịch tễ vi khuẩn Whitmore lưu hành.
Bệnh Whitmore gặp trên mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh đến người mắc các bệnh nền như trên. Tùy thuộc vào từng vùng, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh 5-15% trên tổng số ca mắc bệnh. Khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.
Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể tấn công hầu hết các cơ quan trong cơ thể nhưng đặc biệt gây bệnh cấp tính ở phổi rất nguy hiểm. Biểu hiện gây bệnh ở phổi thường có các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở, sốt, bạch cầu tăng cao hoặc giảm, chụp phim Xquang phổi thấy có tổn thương dạng viêm phổi lan tỏa hoặc có các ổ áp xe hoặc có tràn dịch màng phổi.
Bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ sốc nhiễm khuẩn ở bệnh nhân viêm phổi do whitmore khá cao, thường tử vong trong vòng 48 giờ nhập viện. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo, viêm phổi do vi khuẩn whitmore tiến triển rất nhanh, bệnh nhân dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh do Whitmore lên tới 50-60%.
Mời độc giả theo dõi video "Tỷ lệ chữa khỏi bệnh lao đạt 92% với người mới mắc". Nguồn: VTC14.
Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm VN, bản chất của vi khuẩn này không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người song với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động.
Các bác sĩ khuyến cáo, những người thường xuyên tiếp xúc với đất là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Whitmore cao vì vi khuẩn gây bệnh này sống ở đất, xâm nhập từ vết thương ngoài da vào cơ thể. Khi cơ thể có vết nhiễm khuẩn lâu khỏi, nguy cơ hoại tử, bệnh nhân nên đến viện, thực hiện cấy máu để phát hiện nguyên nhân gây bệnh và điều trị triệt để căn nguyên.
Gần đây, các ca bệnh Whitmore được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Do đó những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.