Hạ bệ đối thủ, quảng cáo của Iris Garden - Vimefulland có sai luật?

(Kiến Thức) - Theo Ths. Ls Đặng Văn Cường, nếu quảng cáo của dự án Iris Garden – Vimefulland đưa các thông tin về dự án khác để so sánh bằng lời lẽ thiếu tôn trọng thì đây là quảng cáo sai luật...

Như Kiến Thức đã đưa tin, dự án Iris Garden (đường Trần Hữu Dực, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nhuệ Giang làm chủ đầu tư, đơn vị phát triển là Vimefulland - thương hiệu thuộc tập đoàn Vimedimex.
Phản ánh của một số khách hàng khi tìm hiểu về dự án cho biết, trong một số bài viết quảng cáo đã so sánh Iris Garden của Vimefulland với các dự án khác bằng nhiều lời lẽ lấn lướt, thiếu tôn trọng đối thủ... Điều đó khiến nhiều khách hàng bức xúc, đặt ra câu hỏi: Việc quảng cáo bằng cách dựa trên những thương hiệu khác nhằm mục đích "câu" khách hay hạ bệ đối thủ như vậy có sai luật không? Nếu sai sẽ phải xử lý như thế nào?
Để làm rõ thắc mắc trên, Kiến Thức có cuộc trao đổi nhanh với Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Theo Ths. Ls Đặng Văn Cường, nếu những quảng cáo của dự án Iris Garden – Vimefulland là có thật, được thực hiện công khai và hướng đến nhiều khách hàng thì đây là quảng cáo có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Pháp luật nước ta đã quy định rõ, cấm việc quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm hàng hóa dịch vụ cùng loại của tổ chức các nhân khác.
Do đó, nếu quảng cáo về dự án Iris Garden – Vimefulland có đưa các thông tin về dự án khác để so sánh thì đây là hành vi pháp luật không cho phép, bởi việc này có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, thị trường của dự án khác.
 
 
Bài viết so sánh dự án Iris Garden với Vinhomes Gardenia. Ảnh chụp màn hình.
 Bài viết so sánh dự án Iris Garden với Vinhomes Gardenia. Ảnh chụp màn hình.
Trong các hành vi quảng cáo bị cấm tại khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, có hành vi: “Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo cũng được quy định tại Điều 45 Luật cạnh tranh năm 2004, theo đó một trong các dạng hành vi quảng cáo bị cấm là quảng cáo so sánh. Khoản 1 Điều 45 Luật cạnh tranh năm 2004 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện hoạt động quảng cáo: “So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác”.
Có thể hiểu một cách đơn giản, quảng cáo so sánh là quảng cáo trong đó có nội dung so sánh hàng hóa, dịch vụ, khả năng kinh doanh của một doanh nghiệp (người quảng cáo) với đối tượng cùng loại của một hay một số doanh nghiệp cạnh tranh khác.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 45 chỉ cấm hành vi quảng cáo so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ. Tính chất trực tiếp thể hiện ở chỗ nội dung quảng cáo đề cập một loại hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hoặc đối thủ cạnh tranh đã cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó. Sự đề cập có thể bằng lời nói, chữ viết hoặc các yếu tố khác cấu thành nội dung quảng cáo (như hình ảnh, âm thanh…), khiến người tiếp nhận quảng cáo nhận thức được về hàng hóa, dịch vụ và đối thủ cạnh tranh.
Những trường hợp ám chỉ, suy diễn sẽ không được coi là thuộc phạm vi so sánh trực tiếp. Về nội dung, quảng cáo so sánh có thể bao gồm quảng cáo so sánh về giá và quảng cáo so sánh về đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ (tính năng, công dụng, chất lượng…).
Như vậy, bản chất của hành vi quảng cáo so sánh trực tiếp được biểu hiện thông qua việc cố ý đưa vào các sản phẩm quảng cáo của doanh nghiệp mình các thông tin mang tính chất so sánh trực tiếp giữa hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác theo hướng có lợi cho doanh nghiệp mình.
Nói cách khác, đây là hành vi quảng cáo sản phẩm của mình nhưng cố ý đưa vào đó những lời lẽ, tuyên bố làm mất uy tín về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Hệ quả của hành vi này gây nên cho người tiêu dùng sự so sánh (thông thường chủ yếu tập trung vào yếu tố chất lượng, giá cả) về hàng hóa, dịch vụ cùng loại theo hướng có lợi cho doanh nghiệp có hành vi quảng cáo so sánh, tạo cho khách hàng tâm lý không tốt đối với sản phẩm hàng hóa dịch vụ cùng loại của đối thủ cạnh tranh.
Một trong những so sánh về chủ đầu tư của 2 dự án Iris Garden và Florence Trần Hữu Dực. Ảnh chụp màn hình: irisgardenmydinh.com.vn.
 Một trong những so sánh về chủ đầu tư của 2 dự án Iris Garden và Florence Trần Hữu Dực. Ảnh chụp màn hình: irisgardenmydinh.com.vn. 
Theo Điều 117 Luật cạnh tranh 2004 quy định Các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; Phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Ngoài các hình thức xử phạt quy định trên, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nhất định. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh thì Điều 33 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định: Nếu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo bị cấm thuộc quy định tại Điều 45 Luật cạnh tranh 2004, cụ thể là Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sau đây:
a) So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;
b) Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác…”
Ngoài việc bị phạt tiền quy định trên, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục Hậu quả như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cải chính công khai.

Đọc nhiều nhất

Tin mới