Gen toán trội hơn và con đường gập ghềnh
GS.TS. Toán học Vũ Hà Văn sinh năm 1970 tại Hà Nội, trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông là con trai nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, còn mẹ là dược sĩ Đào Thị Hường.
GS.TS. Vũ Hà Văn là con trai nhà thơ nổi tiếng nhưng lại theo nghiệp toán học. |
GS.TS. Vũ Hà Văn kể, con đường đến với toán học của ông trúc trắc hơn nhiều người khác.
Ông vốn là học sinh chuyên toán trường Chu Văn An và Hà Nội – Amsterdam. Mặc dù là nhà thơ nổi tiếng, song thấy ông có năng khiếu học toán nên nhà thơ Vũ Quần Phương quyết định cho con theo toán.
Tốt nghiệp cấp 3, chàng trai trẻ Vũ Hà Văn thi đỗ điểm rất cao vào khoa Điện tử- Tin học của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời ấy, vào những năm cuối 80, khoa Điện tử - Tin học đang là ngành học thời thượng ở Việt Nam. GS.TS. Vũ Hà Văn nhớ lại: Lúc đó tôi chỉ nghĩ là học vô tuyến thì sau này có cái nghề sửa tivi, kiếm tiền được luôn, còn toán thì mờ mịt. Nhưng niềm đam mê đã kéo tôi tới toán và mở ra cánh cửa thay đổi cuộc đời mà trước đây tôi hoàn toàn không nghĩ tới.
Sau khi vào học Đại học Bách khoa, GS.TS. Vũ Hà Văn được học bổng sang Hungary học nghề kỹ thuật vô tuyến điện.
GS.TS. Vũ Hà Văn kể, ở Hunggary ông có cơ hội gặp TS. toán học Lovást (Chủ tịch Hội đồng Toán học thế giới). Cùng lúc đó, ở Trường ĐH Tổng hợp Etvs của Hungary có tổ chức kỳ thi toán kéo dài 10 ngày, cho sinh viên trong và ngoài nước tham gia. Cuộc thi này thuần tuý chỉ mang tính nghiên cứu, với 10 bài toán, sinh viên phải thể hiện khả năng nghiên cứu và tư duy, tuyệt đối không cần sử dụng mẹo mực để làm bài.
“Tôi cũng tham gia, thật bất ngờ, đã đạt kết quả rất khả quan. Lúc đó, TS Lovást khích lệ tôi chuyển sang học toán. Bố mẹ và nhiều thầy giáo trong nước cũng ủng hộ, tôi chuyển sang ĐH Tổng hợp của Hungary học về toán. Do vậy, phải mất 8 năm, tôi mới có được tấm bằng đại học của Trường ĐH Tổng hợp Hungary”, .
Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ tại Hungary năm 1994, Vũ Hà Văn sang Mỹ làm luận án tiến sỹ tại Đại học Yale. Với tài năng đặc biệt, GS. TS. Vũ Hà Văn nhanh chóng nhận được những lời mời hấp dẫn. Ông làm việc tại nhiều nơi nổi tiếng như Viện Nghiên cứu toán học tại Princeton, rồi Microsoft Research, giáo sư tại Đại học California, giáo sư Khoa Toán Đại học Rutgers, và hiện tại anh là GS. Đại Học Yale (nơi anh bảo vệ tiến sĩ, năm 1998).
Lĩnh vực nghiên cứu của Vũ Hà Văn gồm: toán học tổ hợp, xác suất rời rạc, lý thuyết sô cộng tính và Khoa học Máy tính Lý thuyết.
Trong khoảng thời gian này, tài năng của GS.TS. Vũ Hà Văn thực sự bung nở. Ông đã có hơn 70 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành và xuất bản một cuốn sách về toán học mang tên Additive combinatorics dày 570 trang do nhà xuất bản Đại học Cambridge ấn hành.
Năm 2008, ông được trao Giải thưởng Polya do Hội Toán công nghiệp và ứng dụng Mỹ tổ chức. Giải thưởng chủ yếu dành cho những công trình mới, hiếm khi cho thành tựu trong quá khứ. Tính đến nay, số nhà toán học được tặng Giải thưởng Polya vẫn còn rất ít, và họ đều là những nhà toán học hàng đầu.
Dấn ấn Việt Nam
Năm 2018, GS. TS. Vũ Hà Văn gây bất ngờ khi về nước tham gia Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do Tập đoàn Vingroup thành lập với vai trò giám đốc khoa học. Đồng thời, là thành viên Hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
GS.TS. Vũ Hà Văn thường xuyên về Việt Nam. |
Trước khi "bắt tay" với Vingroup, GS.TS. Vũ Hà Văn thường xuyên về Việt Nam, tham gia chia sẻ và trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà toán học trẻ, các sinh viên toán trong nước.
Có một câu chuyện về GS. Vũ Hà Văn được lan tỏa trong cộng đồng toán học – như một minh chứng về tấm lòng đối với quê hương Việt Nam của ông. Đó là vào năm 2012, cái tên Vũ Hà Văn xướng lên với giải thưởng Fulkerson – giải thưởng quốc tế lớn về toán học trong khuôn khổ khai mạc Đại hội toán tối ưu thế giới diễn ra tại nhà hát lớn Berlin, Đức.
Thế nhưng, thay vì tham dự buổi lễ có vinh danh mình, ông lại về Việt Nam tham dự một hội nghị lớn về toán học. Ông chia sẻ rằng, đó là hội nghị lớn của toán học Việt Nam và là dịp gặp gỡ nhiều đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào một con đường nhiều chông gai. “Sự có mặt của tôi ở đây có lẽ có chút ý nghĩa thiết thực hơn".
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông từng tâm sự: “Ngành toán học (xác suất và toán rời rạc) mà tôi theo đuổi mang tính ứng dụng rất mạnh. Hiện tại vai trò của nó trong phát triển kỹ nghệ ở Mỹ rất lớn, nhất là trong công nghệ tin học. Hy vọng một lúc nào đó những kiến thức đó cũng sẽ hữu dụng tại Việt Nam”.