Vót một mũi tên thật nhọn để xuyên thủng các mục tiêu hướng tới
PGS. TS. Nông Ngọc Duy đang công tác tại Viện Nghiên cứu quốc gia Úc (CSIRO) và giảng dạy tại Trường ĐH Griffith.
PGS.TS. Nông Ngọc Duy. |
Từ Úc, PGS.TS. Nông Ngọc Duy kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi đến thành công, một hành trình không hề trải hoa hồng trong hơn 10 năm.
Khởi đầu là khi tốt ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quốc gia TP.HCM (năm 2010), anh quyết định ra nước học tiếp.
“Trước khi ra nước ngoài mọi kiến thức, thông tin mà tôi biết đều qua sách vở, thông tin báo chí, phim ảnh và được nghe kể lại. Tôi muốn ra đi để được trải nghiệm thực tế, được sống trong môi trường đa văn hóa đa sắc tộc để khám phá những điều mình chưa biết về thế giới bên ngoài”.
Ban đầu, PGS.TS. Nông Ngọc Duy học theo diện tự túc, vừa học vừa làm thạc sĩ về Kinh tế lượng tại Đại học New England (Úc). Sau 2 năm, anh tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ và giành được học bổng học lên tiến sĩ cũng tại Đại học New England về xây dựng mô hình kinh tế tổng thể và nghiên cứu tác động của chính sách chống biến đổi khí hậu tại các quốc gia.
Và đấy là quãng thời gian thực sự vất vả và thử thách. Để tồn tại anh làm việc và cố gắng gấp đôi người bản địa. Đã có thời gian anh làm việc 14 tiếng/ngày, không bao giờ dưới 80 tiếng/tuần và không từ bỏ bất cứ công việc chân tay gì để kiếm được tiền trang trải cuộc sống.
“Có khoảng thời gian, hai vợ chồng tôi nhận công việc phát báo. Đeo trên vai túi báo nặng 10-15kg, chúng tôi đem phát cho nửa số dân trong vùng. Đi đến rã rời chân tay, mệt rã rời. Nhưng những lúc ấy, thay vì ngồi thụp xuống, tôi luôn ngửng đầu lên”, PGS.TS Nông Ngọc Duy nhớ lại.“Tôi đã xác định rõ ràng hướng mình đi và luôn tập trung vào nó”.
“Tính tôi là vậy. Tôi quan niệm vót một mũi tên thật nhọn và khỏe để có thể đâm thủng mọi mục tiêu hướng đến còn hơn là tạo ra một quả mít với nhiều mũi nhọn nhưng không đâm thủng được nhiều. Và tôi đã làm việc bền bỉ như vậy trong hàng chục năm liền để có thể tồn tại được”.
PGS.TS. Nông Ngọc Duy kể, kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời cũng chính là giai đoạn này, khi anh học tiến sỹ và vợ sinh con nhỏ. “Nhiều lúc vừa bế con ngủ vừa ngồi trước máy tính làm việc. Đó là những ấn tượng khó phai nhất trong cuộc đời làm cha, cũng như trong cuộc đời đi học của tôi”.
Nỗ lực được đền đáp
Và thành quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ được đền đáp. Đó là cơ hội làm việc tuyệt vời ở các quốc gia nổi tiếng thế giới. Anh dành gần 3 năm khi học xong tiến sỹ để giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Colorado State (Mỹ), Trường ĐH Bonn (Đức) sau đó quay trở lại Úc. Những chuyến đi đến các quốc gia khác nhau giúp anh tích lũy kinh nghiệm cũng như chiêm nghiệm được cách làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp nhất thế giới.
Công việc chính của PGS.TS. Nông Ngọc Duy là tham gia vào các dự án của Chính phủ và dự án đa quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu về an ninh năng lượng, lương thực và BĐKH. |
Đó là hơn 30 bài báo khoa học trên những tạp chí hàng đầu như Energy Economics, Applied Energy, Energy Policy, Energy, Journal of Environmental Management…
Đó là cơ hội tham gia nhiều dự án liên quan đến nhiều khía cạnh, phương pháp chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở các quốc gia khác nhau, được làm việc với nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới…
Công việc chính của PGS. TS. Nông Ngọc Duy hiện nay là tham gia vào các dự án của Chính phủ và dự án đa quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu về an ninh năng lượng, lương thực và BĐKH…
Chia sẻ về hướng nghiên cứu này, nhà khoa học trẻ cho biết, khi học chương trình tiến sỹ, anh nhận ra an ninh năng lượng, an ninh lương thực và BĐKH là những vấn đề cấp thiết ở mọi vùng lãnh thổ. “Đây là hướng đi có ích cho cộng đồng không chỉ ở một quốc gia mà còn cho cả môi trường toàn cầu”, anh quả quyết.
Hiện, PGS.TS. Nông Ngọc Duy đang tham gia các dự án tài trợ bởi Chính phủ Úc và Liên Hợp Quốc để phát triển các mô hình tổng thể toàn cầu như nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách chống BĐKH gồm buôn bán khí thải, thuế các bon… lên các nền kinh tế, lĩnh vực ngành nghề; nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH lên phát triển nông nghiệp, cung cấp lương thực thực phẩm…
Ngoài ra, PGS.TS. Nông Ngọc Duy cũng đang tham gia một dự án khác tài trợ bởi Liên Hợp Quốc để nghiên cứu ảnh hưởng của nạn khô hạn ở vùng đồng bằng phía Bắc Bangladesh lên sản xuất nông nghiệp, môi trường, kinh tế, y tế và an sinh xã hội của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ. Từ đó đưa ra những khuyến nghị và cách giải quyết giúp cho dân sinh trong vùng chống chọi được tốt hơn với nạn khô hạn.
Hướng về quê hương
Đặc biệt, dù luôn bận rộn bởi những dự án nối tiếp dự án, song nhà khoa học trẻ luôn hướng về Việt Nam. Trong “gia tài” của mình, có tới 1/3 nghiên cứu của PGS.TS. Nông Ngọc Duy liên quan đến những vấn đề tại Việt Nam.
PGS.TS. Nông Ngọc Duy luôn hướng về quê hương Việt Nam. |
Anh cho biết, hiện đang phối hợp cùng trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội thực hiện đề tài “Chiến lược năng lượng nhằm đáp ứng nền kinh tế xanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế tại Việt Nam”. Trong dự án, anh và các cộng sự nghiên cứu về chính sách buôn bán khí thải giữa Việt Nam và các nước ASEAN và ảnh hưởng của nó lên các nền kinh tế trong khu vực.
“Qua tìm hiểu, tôi thấy Việt Nam đang tiềm ẩn sự phát triển thiếu bền vững trong thị trường điện. Việc phát triển ồ ạt vỡ quy hoạch của năng lượng điện mặt trời ở nhiều nơi đã dẫn tới việc quá tải cho mạng lưới truyền tải điện. Việc này dẫn tới thất thoát sản lượng điện và giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”.
PGS.TS. Nông Ngọc Duy cho biết, đang kêu gọi nhiều nhà khoa học người Việt ở trong và ngoài nước như ở Úc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Pháp tham gia một nghiên cứu về vấn đề này. Hiện có 17 nhà khoa học đã tham gia dự án. Đây là một dự án được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ của bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào.
“Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng sản xuất điện từ tất cả các nguồn từ nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo ở các vùng Bắc, Trung, Nam và mạng lưới truyền tải điện ở các khu vực này để tìm ra điểm thiếu cân bằng. Từ đó đưa ra khuyến nghị cho kế hoạch phát triển điện ở Việt Nam”, PGS.TS. Nông Ngọc Duy chia sẻ.
PGS.TS. Nông Ngọc Duy cho hay, trong tương lai sẽ cùng một số nhà khoa học Úc, Châu Âu, và Việt Nam xây dựng dự án về mô hình kinh tế môi trường cho Việt Nam để đánh giá ảnh hưởng của BĐKH, chính sách chống biến đổi khí hậu, thuế năng lượng, chính sách phát triển điện năng ở Việt Nam lên khai thác nhiên liệu hóa thạch, sản xuất nông nghiệp, các hộ gia đình, ngành công nghiệp, và mặt bằng kinh tế chung của Việt Nam.
Mời độc giả xem video:Bỏ tiền tỷ mua khẩu trang y tế, khách hàng nhận... bài học nhớ đời. Nguồn: VTV24.