Ngày 20/5 vừa qua, xã An Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tổ chức tiếp những phần còn lại của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 do sự cố phiếu giả xảy ra tại Đại hội ngày 13/5/2020.
Làm sai lệch kết quả bầu cử có thể tù từ 1-3 năm
Cụ thể, ngày 13/5, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Sau khi các đại biểu thực hiện xong phần bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, với vai trò là Trưởng ban kiểm phiếu, ông Nguyễn Xuân Hoài (sinh năm 1962, là văn thư, thủ quỹ tại xã này) đã bê hòm phiếu từ tầng 2 xuống tầng 1 hội trường Ủy ban Nhân dân xã để kiểm phiếu. Lợi dụng sự lơ là của các thành viên Tổ kiểm phiếu, ông Hoài đã lấy hàng chục phiếu bầu cất giấu vào ngăn kéo tại phòng và định đánh tráo bằng các phiếu bầu chuẩn bị sẵn. Hành vi này bị một số đại biểu dự Đại hội phát hiện và báo cáo Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng thời yêu cầu dừng Đại hội để xác minh, xử lý.
Quang cảnh đại hội Đảng bộ xã An Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 13/5 - Ảnh:Báo Tuổi trẻ |
Ngày 19/5, Chi bộ thôn Bình Trật Bắc, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) đã quyết định khai trừ Đảng. Ủy ban Nhân dân xã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Hoài.
Phân tích vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, mặc dù ông Hoài đã thú nhận hành vi chuẩn bị phiếu giả và khẳng định không có ai xúi giục làm việc này. tuy nhiên, đó chỉ là qua lời khai của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định lời khai đó của ông Hoài có đúng sự thật hay không thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ các tình tiết qua đó mới có thể chứng minh được lời khai của ông Hoài có đúng sự thật hay không.
Cùng với đó, để tránh bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, theo luật sư Hùng, cơ quan chức năng cần phải làm rõ những vấn đề như: Nguyên nhân vì sao ông Hoài lại thực hiện hành vi đó đối với ông Dương (Bí thư đoàn xã), việc thực hiện của ông Hoài có phải do tư thù cá nhân hay là do có sự chỉ đạo, mua chuộc, ép buộc, hối lộ từ phía một người nào khác. Hành vi ông Hoài thực hiện giữa đại hội liệu có được sắp sếp, chuẩn bị, phân công và phối hợp giữa những người tổ chức, những người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử với nhau hay không?.
Mặc dù chi bộ thôn Bình Trật Bắc, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) đã quyết định khai trừ Đảng và UBND xã đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Hoài, tuy nhiên, theo luật sư Hùng, căn cứ theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định “Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Theo đó, hành vi lập các phiếu bầu giả của ông Nguyễn Xuân Hoài là hành vi giả mạo giấy tờ nhằm mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử theo ý của mình. Mặc dù hành vi của ông Hoài bị phát hiện kịp thời và chưa dẫn đến hậu quả là sai lệch kết quả bầu cử, tuy nhiên, đối với tội phạm này thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà chỉ cần có hành vi cố ý giả mạo giấy tờ với mục địch làm sai lệch kết quả bầu cử là tội phạm đã hoàn thành.
“Ông Nguyễn Xuân Hoài có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Ngoài khung hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”- luật sư Hùng phân tích.
Trong trường hợp, hành vi gian lận phiếu bầu cử của ông Hoài thực hiện trót lọt, luật sư Hùng cho rằng, hành vi đó sẽ được xử phạt theo Điểm b Khoản 2 Điều 161 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, với trường hợp hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử dẫn đến hậu quả phải “tổ chức lại việc bầu cử” thì ông hoài có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là “bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng. |
Việc bầu cử không minh bạch sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm
Việc bầu cử trong Đảng bộ được thực hiện theo Quy chế bầu cử do Ban chấp hành Trung ương ban hành theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014. Theo đó, việc bầu cử phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định.
Vì vậy, theo luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp, nếu việc tổ chức bầu cử không công khai, minh bạch mà có sự tiêu cực có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm về chất lượng cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín đường lối của Đảng, cũng như mất niềm tin của nhân dân.
“Chúng ta đang rất cần những cán bộ, Đảng viên có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao, được lòng tin của mọi người và nhân dân. Vì vậy, việc bầu cử để chọn ra người tài là thật sự cần thiết, và để lựa chọn được người tài thì cần có sự khách quan trong tất cả các giai đoạn ứng cử, bầu cử, đồng thời cần có sự giám sát nghiêm ngặt trong tất cả các khâu thì mới đảm bảo sự công khai, minh bạch, thuyết phục đối với nhân dân được”- luật sư Cường nói.
Theo Luật sư Cường, hiện nay, về việc xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm được quy định tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương. Trong đó, về nguyên tắc xử lý kỷ luật thì tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Theo đó, việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Còn về các hình thức kỷ luật với Đảng viên bao gồm: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Như vậy, theo Quy định này, thì khai trừ ra khỏi đảng là một trong các hình thức kỷ luật được áp dụng với đảng viên vi phạm trong các trường hợp có tính chất rất nghiêm trọng. Trong đó, quy định rất nhiều các trường hợp có thể áp dụng hình thức khai trừ ra khỏi đảng nếu có các vi phạm về chính trị và tổ chức, sinh hoạt đảng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc thuộc các trường hợp theo quy định như vi phạm về bầu cử, vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn, vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ,… Cụ thể theo quy định tại Điều 9 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương về vi phạm các quy định về bầu cử.
Do đó, đối với hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc làm sai lệch kết quả bầu cử thì phải áp dụng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng theo quy định./.