Theo thông tin từ phía Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật, giải thưởng “Xe của năm 2021” được tổ chức với sự tham gia của hai cộng đồng xe lớn nhất Việt Nam là Otofun và Otosaigon. Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả vòng 2 được công bố, “Xe của năm 2021” lập tức nhận được nhiều ý kiến phản hồi đa chiều khi kết quả của Ban tổ chức có độ vênh lớn với kết quả do cộng đồng người yêu xe bình chọn.
Không những vậy, việc tổ chức của giải cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi cho giới yêu xe. PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Hằng - TAT Law Firm về vấn đề này.
Giải thưởng "Xe của năm 2021" đã khép lại với kết quả bất ngờ khi Kia Sorento vượt qua nhiều thương hiệu xe đình đám để đoạt vị trí quán quân. |
Luật sư Lê Hằng phân tích, theo qui định pháp luật hiện hành liên quan đến việc quản lý tổ chức xét tôn vinh doanh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp thì từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg. Cụ thể, tại khoản 2, khoản 4, Điều 4 của Quyết nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, như: cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”, và cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Việc tổ chức giải thưởng còn phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 2 Quyết định 51 và Thông tư 01/2012 của Bộ nội vụ hướng dẫn chi tiết QĐ 51. Theo đó, Đối tượng là các cơ quan, đơn vị được tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng gồm: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh; Các cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này sau đây được gọi tắt là Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Đối với thẩm quyền quyết định về việc trao giải thưởng theo Điều 6 Quyết định số 51 qui định: “Phạm vi tổ chức toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo đề nghị của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ). Phạm vi tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Cơ quan thi đua, khen thưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng.”
Xe của năm 2021" thu hút nhiều nhà tài trợ đầu tư. |
Ngoài ra, Ban tổ chức còn phải tuân thủ các quy định về hồ sơ, thủ tục như sau: “Tờ trình, Đề án, nội dung và tên của danh hiệu giải thưởng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vị của đơn vị tổ chức giải, không được trùng lặp các giải thưởng khác, Quy chế xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng phải qui định cụ thể về đối tượng tham dự, ngành nghề tham dự, phương án tài chính rõ ràng và Cam kết của đơn vị tổ chức xét tôn vinh doanh hiệu và giải thưởng về việc không thu kinh phí của doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bình chọn danh hiệu, giải thưởng dưới bất cứ hình thức nào”.
“Như vậy, theo các qui định pháp luật nói trên thì 02 Diễn đàn có dấu hiệu chưa đảm bảo các điều kiện về việc tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng và đặc biệt phạm vi tổ chức sự kiện được thông tin là trên phạm vi toàn quốc”, luật sư Lê Hằng cho biết.
Cũng theo luật sư, việc tổ chức được sự kiện cũng phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa thông tin chính thức theo qui định tại Điều 13 Quyết định 51: “Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan, đơn vị tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng mới được tiến hành tuyên truyền và tổ chức các hoạt động liên quan đến việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nghiệp”.
Theo luật sư Lê Hằng - TAT Law Firm thì “Xe của năm 2021” đang có một số dấu hiệu không tuân thủ, không đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về việc tổ chức, vinh danh các giải thưởng trong nước. |
Đối với những sự kiện có quy mô thực hiện từ 2 tỉnh/thành phố trở lên, mang tính chất thuộc Bộ và các cơ quan ngang Bộ, cơ quan có thẩm quyền có thể là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (Cục Nghệ thuật biểu diễn), Bộ Công thương hoặc Bộ Thông tin và truyền thông,… sẽ cấp giấy phép cho các sự kiện. Đối với những hội nghị, hội hội quốc tế cấp cao có sự tham dự của người đứng đầu, quan chức cấp cao của các quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc tổ chức quốc tế, Thủ tướng Chính phủ là người đưa ra quyết định cho phép tổ chức.
Do đó, trong trường hợp này cần xem xét nội dung, tính chất và qui mô của sự kiện có trong Đề án “Xe ôtô của năm” do 02 Diễn đàn phối hợp tổ chức liên quan đến việc bình bầu của người tiêu dùng đối với hãng xe, thương hiệu xe yêu thích để được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền nói trên.
“Các danh hiệu, giải thưởng nêu trên không phải là hình thức khen thưởng của Nhà nước mà là hình thức biểu dương, tôn vinh của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương theo ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức, góp phần khuyến khích, động viên doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, tạo động lực phát triển chung. Tuy nhiên, thực tế, một số đơn vị, hiệp hội không có thẩm quyền vẫn đứng ra tổ chức giải thưởng chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoặc lĩnh vực hoạt động của mình dưới hình thức bình chọn, lập bảng xếp hạng. Vì vậy, đối với các đối tượng tham gia liên quan đến các chương trình này cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về nội dung, qui mô, tính hợp pháp của các giải thưởng tránh hiểu nhầm các giải thưởng này là hình thức khen thưởng của Nhà nước, tránh những thiệt hại về vật chất và tinh thần có thể phát sinh", Luật sư Lê Hằng khuyến cáo.