Hiện nay, giá tính thuế TTĐB với ô tô dưới 24 chỗ ngồi là giá CIF (giá thành, bảo hiểm và cước là một thuật ngữ chuyên ngành trong thương mại quốc tế được viết tắt là CIF) cộng với thuế nhập khẩu.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn luật thuế TTĐB (có hiệu lực từ 1/1/2016) do Bộ Tài chính chấp bút, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB với ôtô dưới 24 chỗ ngồi là giá bán của cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Giá xe nhập khẩu sẽ tăng khoảng 5% trong thời gian tới? |
Với sự thay đổi của cách tính thuế mới, theo tính toán của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ôtô, giá tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu tăng, và do đó giá bán lẻ cũng tăng, dự kiến tối thiểu ở mức 3-5% so với hiện nay. Và mức tăng này sẽ đều ảnh hưởng đến giá bán xe của cả VAMA lẫn nhà nhập khẩu khác.
Trả lời tbáo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban chính sách của VAMA nhận định nếu áp dụng quy định này, giá xe nhập khẩu do các thành viên VAMA nhập và phân phối sẽ tăng mạnh hơn bởi đa số các thành viên VAMA không tách biệt giữa đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối, giá bán ra là giá bán của đơn vị phân phối nên giá tính thuế cao hơn.
Cơ hội được mua xe rẻ hơn của người dân vẫn còn rất mơ hồ. |
“Nếu thành viên VAMA tách được nhà sản xuất và nhà phân phối thì họ không phải chịu thuế TTĐB cho nhà phân phối. Tuy nhiên nếu kết hợp thì họ sẽ ảnh hưởng, giá xe tăng lên, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng bởi vì với mô hình tách biệt, người tiêu dùng có thể mua giá thấp còn với VAMA thì khách hàng mua giá cao hơn ”- ông Tuấn nói rõ hơn.
Hiện nay, người tiêu dùng đều đã nắm được lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN (40%, 30% và 0% tương ứng vào các năm 2016, 2017 và 2018) do Bộ Tài chính công bố. Về lý thuyết, lộ trình này khiến cho giá xe nhập khẩu từ khu vực này giảm đáng kể so với hiện nay. Nhưng với suy nghĩ “nước lên thì bèo nổi” của VAMA hay các nhà nhập khẩu đối với cách tính thuế TTĐB mới thì rõ ràng, cơ hội được mua xe rẻ hơn của người dân vẫn còn rất mơ hồ.