Vì sao MBB và VPBank được cấp room tín dụng tới 24%?
(Vietnamdaily) - Theo VNDirect, MBB và VPBank là hai ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng năm 2023 lên tới khoảng 24%, cao hơn so với ngành.
Tín dụng Techcombank và HDBank chậm lại, ACB và VIB ấn tượng, MBB và VPBank hạn mức cao
Tại thời điểm cuối quý 2/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 9,4% tại cuối quý 2/2022, nhưng đã tăng đáng kể từ mức 3,17% tại cuối tháng 5/2023.
Trong quý 2/2023, Techcombank và HDBank cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại khi cả hai ngân hàng đều đã gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng 202323 (tăng trưởng tín dụng của Techcombank và HDBank chỉ đạt lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước).
Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong quý 2/2023 so với quý trước (ACB: 5,51%; VIB: 2,19%), cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.
MBB, với kế hoạch tham gia tái cấu trúc một TCTD yếu kém, cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý 2/2023 (6,49% so với quý trước) cũng như giới hạn tín dụng tốt hơn so với ngành (khoảng 24%).
Trường hợp tương tự với VPBank (tăng trưởng tín dụng đạt 5% so với quý trước và khoảng 24% hạn mức cho năm 2023) chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.
|
Hạn mức tín dụng còn lại của các NHTM trong năm 2023 |
Cho nửa cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu.
Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi TT06/23 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.
MBB lãi cao trong 6 tháng và chất lượng tài sản cải thiện
Trong đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ nhờ chi phí tín dụng thấp hơn và thu nhập từ lãi cao. Riêng quý 2/2023 MBB lãi 6,2 nghìn tỷ đồng, đi ngang so cùng kỳ và giảm 4% so quý trước.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2023 của MBB đạt 10,6% so với hạn mức tín dụng hiện tại là 24,5%.
Tăng trưởng tín dụng khả quan của MBB đến từ tăng trưởng cho vay đạt 12,5% và số dư trái phiếu doanh nghiệp của MBB giảm 8,3% so với quý 4/2022. Tính đến quý 2/2023, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 7,7% tổng dư nợ tín dụng của MBB.
Còn tăng trưởng tiền gửi nửa đầu năm 2023 của MBB đạt 7,2%. Tỷ lệ CASA trong quý 2/2023 khá cao là 37,1% (so với mức 35,5% trong quý 1/2023). Cũng cần lưu ý rằng MBB đặt mục tiêu về tỷ lệ CASA ở mức khoảng 40% cho năm 2023.
NIM nửa đầu năm 2023 là 5,35%. Riêng NIM quý 2/2023 là 5,02%, giảm 69 điểm cơ bản so quý trước và giảm 70 điểm cơ bản so cùng kỳ.
Thu nhập ngoài lãi (NOII) nửa đầu năm 2023 đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 31,2% so cùng kỳ. Riêng NOII quý 2/2023 là 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,7 % so cùng kỳ nhưng tăng 22,1% so quý trước.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) hợp nhất nửa đầu năm 2023 của MBB không đổi so cùng kỳ, ở mức 32,8%.
Trong quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm 31 điểm cơ bản so quý trước, xuống 1,44%, trong khi tỷ lệ nợ Nhóm 2 tăng nhẹ 13 điểm cơ bản lên 3,59%. Nợ xấu của MBB tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ban lãnh đạo MBB kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2023.
Tỷ lệ chi phí tín dụng quy năm nửa đầu năm 2023 là 1,2% (so với 1,8% năm 2022) và tỷ lệ xử lý nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay quy năm nửa đầu năm 2023 là 1,32% (so với 0,96% năm 2022). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) quý 2/2023 của MBB vẫn ở mức cao so với các ngân hàng khác với 156,1% (so với 238% và 138,3% lần lượt vào quý 1/2022 và quý 1/2023).
VPBank - Tăng trưởng tiền gửi mạnh trong quý 2 củng cố nguồn vốn
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đã công bố KQKD nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 66% so cùng kỳ, trong khi riêng ngân hàng mẹ đạt 7,9 nghìn tỷ đồng. Riêng quý 2/2023, lãi trước thuế hợp nhất đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so quý trước.
VietCap ước tính tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2023 của ngân hàng mẹ (bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 13%.
Tính đến quý 2/2023, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng mẹ giảm 14% so với năm 2022 xuống còn 28,2 nghìn tỷ đồng (đi ngang so quý trước), chiếm 9,3% tổng dư nợ tín dụng.
Tăng trưởng tiền gửi hợp nhất nửa đầu năm 2023 đạt 27,9%. Ngoài ra, tỷ lệ CASA hợp nhất trong quý 2/2023 của VPB đạt 14,6%, giảm 4,4 điểm phần trăm so cùng kỳ và tăng 0,4 điểm phần trăm so quý trước).
NIM hợp nhất nửa đầu năm 2023 đạt 5,51%, giảm 193 điểm cơ bản so cùng kỳ. NIM hợp nhất quý 2/2023 đạt 5,27%, giảm 98 điểm cơ bản so quý trước.
NFI hợp nhất nửa đầu năm 2023 đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Kết quả hoạt động tốt chủ yếu nhờ phí dịch vụ thanh toán tăng 46% so cùng kỳ do VPB đầu tư phát triển các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
CIR 6 tháng đầu năm 2023 đạt 28,2% (so với CIR 6 tháng đầu năm 2022 là 25,0% nếu loại trừ thu nhập bất thường từ bancassurance).
Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 trong quý 2/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tương đối đi ngang so với quý trước. Ngoài ra, tỷ lệ xử lý nợ trên tổng dư nợ cho vay hợp nhất quy năm trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 1,8 điểm phần trăm so cùng kỳ, đạt 5,3%. Thu nhập từ thu hồi nợ xấu hợp nhất nửa đầu năm 2023 giảm 32% so cùng kỳ, nguyên nhân do mức giảm so với cùng kỳ năm trước ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit.
Chi phí tín dụng quy năm trong nửa đầu năm 2023 đạt 5,3% (so với 5,1% vào năm 2022) và LLR quý 2/2023 đạt 43,0% (so với 54,4% và 46% tương ứng vào năm 2022 và quý 1/2023).
Tăng trưởng tiền gửi hợp nhất trong nửa đầu năm 2023 của VPBank đạt 27,9%, mức tăng trưởng tiền gửi cao hàng đầu. Ngoài ra, tiền gửi của khách hàng cá nhân đã tăng 40,3% trong nửa đầu năm 2023.
FE Credit ghi nhận lỗ giảm so với quý trước. Theo ước tính của VietCap, tăng trưởng cho vay hợp nhất trong nửa đầu năm 2023 đạt 11,5%, đến từ tăng trưởng cho vay tại ngân hàng mẹ là 15,5% và giảm 7,3% dư nợ cho vay tại các công ty con của VPB (bao gồm FE Credit và VPBank Securities).
VietCap ước tính dư nợ cho vay của FE Credit giảm 9,3% so quý trước trong nửa đầu năm 2023 (tương đối đi ngang so quý trước) do nhu cầu yếu do suy thoái kinh tế và việc FE Credit tái cơ cấu hoạt động kinh doanh cũng có thể hạn chế giải ngân khoản vay mới ở một mức độ nhất định. Ước tính của VietCap cho thấy khoản lỗ trong quý 2/2023 của FE Credit có thể đã giảm khoảng 20% so quý trước.