Chưa vội nộp hồ sơ
Trong ngày đầu tiên nộp hồ sơ 1/8, một số trường ĐH tại Hà Nội như ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, ĐH Công nghiệp… bắt đầu có thí sinh đến nộp hồ sơ. Theo lãnh đạo các trường, phần lớn các em vẫn đang cân nhắc lựa chọn trường, ngành nộp hồ sơ. Dự kiến trong 2 - 3 ngày tới lượng hồ sơ nộp vào sẽ rất lớn. Ghi nhận trong ngày đầu cho thấy ĐH Thương mại, Học viện Tài chính có 100 TS nộp hồ sơ, ĐH Công nghiệp có khoảng 800 em, ĐH Bách khoa có khoảng 500 em…
Em Đỗ Việt Bách - TS ngụ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) - vẫn đang băn khoăn giữa nguyện vọng 1 vào khoa ngoại ngữ (tiếng Đức) ĐH Hà Nội và khoa CNTT của ĐH Thủy Lợi. Với số điểm khối A1 là 21,5 điểm và 26 điểm khối D (nhân đôi môn tiếng Anh), Bách cho biết cảm thấy an tâm hơn với lựa chọn ĐH Thủy Lợi, bởi điểm chuẩn của khoa này lấy từ 15 điểm. “Với số điểm đạt được, em hoàn toàn yên tâm trong khi dù thích học tiếng Đức để dự định du học nhưng khả năng vào khoa này khó hơn” - Bách cho hay.
Hồng Ngân - TS đến từ Thanh Hóa - cho biết cũng đang phân vân lựa chọn khoa kế toán ĐH Kinh tế Quốc dân. Với 21 điểm, Ngân đang tham khảo thêm ý kiến để có thể chắc chắn đủ điểm vào khoa này hay không. Rất nhiều TS cho biết, dù 1/8 bắt đầu nộp hồ sơ nhưng đa phần các em đều muốn dành thêm thời gian để lựa chọn, cân nhắc, tránh sai sót đối với NV quan trọng này.
Thí sinh thi tuyển kì thi THPT Quốc gia |
Những lưu ý đặc biệt của Bộ GDĐT
Để hỗ trợ tối đa cho TS nhằm đảm bảo thuận lợi nhất trong đợt xét tuyển NV1, Bộ GDĐT đã có những hướng dẫn và lưu ý cụ thể gửi đến TS. Do thời gian nộp hồ sơ vẫn còn dài, trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, TS cần tìm hiểu thông tin trên website của trường dự kiến đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và tìm thông tin chính xác về các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành cũng như chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của từng ngành.
Nếu trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành thì phải tìm hiểu quy định của trường về độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. TS cũng cần tìm hiểu các điều kiện bổ sung để xét tuyển trong trường hợp lấy hết chỉ tiêu mà trong danh sách ĐKXT vẫn còn nhiều TS có điểm bằng điểm dự kiến trúng tuyển, tham khảo điểm trúng tuyển của các năm trước vào ngành dự kiến ĐKXT...
Sau khi đã chọn được trường phù hợp, TS nên nộp hồ sơ ngay để có thời gian theo dõi thông tin thống kê của trường, kịp thời điều chỉnh nguyện vọng. Đối với đợt 1, TS chỉ được ĐKXT vào 1 trường với tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên vào 4 ngành khác nhau.
Đối với các đợt xét tuyển bổ sung, TS có thể sử dụng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào 3 trường khác nhau, mỗi giấy này cũng được đăng ký 4 nguyện vọng. Nếu không trúng tuyển thì sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, TS có thể rút hồ sơ để nộp vào đợt xét tuyển tiếp theo. TS đã trúng tuyển đợt trước không được tham gia xét tuyển đợt sau.
Bằng bài thi đánh giá năng lực, đợt thi thứ 2 của ĐHQG HN đang diễn ra rải rác từ ngày 1 - 6.8 trên 7 tỉnh, TP cả nước với tổng số lượng TS dự thi lên tới gần 17.000 em. 7 tỉnh, TP tổ chức thi bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng và Thái Nguyên. Riêng tại Hà Nội (với 5 điểm thi), từ hôm nay (3.8), TS bắt đầu làm bài thi. Trước đó, ngày 1.8, TS dự thi tại Hải Phòng, Vinh và Đà Nẵng. Tỉ lệ TS dự thi là 61,98% (đợt 1 là 98%). Năm 2015, ĐHQG HN thống nhất dùng 1 bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển ĐH chính quy. TS dự tuyển vào ĐHQGHN tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và tháng 8.