Sau khi Bộ GTVT họp các đơn vị liên quan và thống nhất giảm 30% giá vé chứ không đồng ý di dời trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), nhiều tài xế cho biết sẽ tiếp tục sử dụng tiền lẻ qua trạm để phản đối quyết định trên.
Ngày 21/8, trạm thu phí Cai Lậy vẫn tiếp tục xả cửa. |
Trước phản ứng của các tài xế, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) cho biết, việc tài xế sử dụng tiền lẻ để qua trạm thu phí, Ban quản lý BOT không có quyền cấm, ban quản lý sẽ không từ chối nhận tiền lẻ.
"Không cấm nhưng trạm sẽ soạn thảo quy chế thu phí để phát cho từng tài xế. Chẳng hạn như khi tài xế đưa tiền lẻ, thời gian lâu hơn 30 giây thì xe phải rời khỏi buồng thu phí để di chuyển vào làn chờ. Đợi sau khi nhân viên kiểm đếm tiền xong sẽ cho tài xế đi", ông Hiệp nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng, cần phải di dời trạm thu phí Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sẽ giữ nguyên, không di dời trạm thu phí này.
“Chúng tôi khẳng định không bao giờ có việc di dời trạm thu phí Cai Lậy đi chỗ khác, trạm thu phí này phải đặt tại quốc lộ 1 như hiện nay để thu phí hoàn vốn cho dự án”, ông Huyện cho hay.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.
Nhiều tài xế tiếp tục chuẩn bị tiền lẻ để qua trạm thu phí. |
Sau hai tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở quốc lộ 1. Các tài xế cho rằng việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên đường quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn tuyến đường tránh không hợp lý. Một số người khác thì cho rằng phí thu tại trạm BOT này quá cao.
Thậm chí, nhiều người còn mang heo quay ra “cúng trạm” và đập heo đất để lấy tiền trả phí. Để tránh tắc đường, trạm BOT đã phải 4 lần xả trạm.