Sự việc “lùm xùm” tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã được nửa tháng. Tuy nhiên, sự chậm trễ của Bộ GTVT, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã đẩy sự phản ứng của lái xe khi qua trạm thu phí này lên đỉnh điểm và chưa có tiếng nói chung.
Trạm thu phí của dự án Tuyến tránh Cai Lậy, nhưng lại đặt tại Quốc lộ 1 thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khiến nhiều lái xe phản đối suốt thời gian qua. Ảnh NLD. |
Từ ngày 1/8 khi trạm thu phí của dự án Tuyến tránh Cai Lậy đặt tại Quốc lộ 1 thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đi vào hoạt động đã gây xôn xao dư luận vì nhiều tài xế xe ô tô có thái độ không đồng tình, phản đối bằng cách dùng tiền có mệnh giá thấp, bỏ vào chai nhựa để mua vé qua trạm thu phí gây khó khăn cho nhân viên thu phí và kéo dài thời gian gây ùn ứ giao thông.
Ngày hôm qua (13/8) hơn 50 xe của cá doanh nghiệp tiếp tục phản đối bằng cách mua heo quay (lợn quay) sau đó đến trạm thu phí này để làm lễ cúng ở đây. Sau đó quay về lại dùng tiền có mệnh giá nhỏ, loại 200 đồng và 500 đồng để trả khi qua trạm thu phí. Sự việc gây ùn tắc giao thông kéo dài nhiều cây số, tỉnh Tiền Giang đã phải yêu cầu xả trạm, không thu phí để giải tỏa giao thông.
Dòng xe bị kẹt cứng ở trạm thu phí. |
Vì sao trạm thu phí này ngay khi mới đi vào hoạt động đã bị phản đối dữ dội của người dân địa phương và của cánh lái xe chạy tuyến đường này? Quan trọng hơn là sự việc kéo dài đến nay đã được nửa tháng, nhưng Bộ GTVT, chính quyền địa phương lúng túng chưa có hướng xử lý thỏa đáng, để sự việc kéo dài.
Vì sao trạm thu phí đường tránh nhưng lại đặt trên Quốc lộ 1 - nút cổ chai về ĐBSCL - là câu hỏi cần phải được các ngành chức năng trả lời.
Làm đường một nơi, đặt trạm một nẻo
Trạm thu phí Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy) được đưa vào hoạt động từ ngày 1/8, do công ty BOT Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Lái xe phản đối trạm bằng cách trả tiền lẻ, mệnh giá nhỏ, sau đó cho vào chai nhựa hoặc đưa nhân viên thu phí đếm. Ảnh Mậu Trường. |
Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng.
Sở dĩ nhiều lái xe phản đối suốt thời gian qua vì họ cho rằng xe không đi đường tránh thị xã Cai Lậy, tại sao phải mua phí BOT của đường này. Đây là điểm mấu chốt nhất của việc phản đối kéo dài nhiều ngày qua.
12 km nhưng thu phí bằng đường cao tốc
Theo mức phí đã công bố, mỗi xe qua trạm BOT Cai Lậy, có mức phí từ 35.000 - 180.000 đồng, tùy loại xe.
Đa số các tài xế khi qua trạm đều cho rằng mức phí này quá cao. Tuyến tránh thị xã Cai Lậy chỉ 12km mà thu tới 35.000 đồng/vé/lượt, cao gần bằng khoản thu phí của 50km đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương (40.000 đồng/lượt/50km).
Một chuyên gia phân tích: chiều dài tuyến tránh Cai Lậy khoảng 12,02km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; gia cường mặt đường Quốc lộ 1 (từ xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) chiều dài 26,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 340 tỷ đồng. Với lưu lượng trung bình hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên Quốc lộ 1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày, nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỷ đồng. Với thời gian được phép thu phí là 6 năm 4 tháng thì chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi tổng đầu tư cho tuyến đường tránh và cả tăng cường mặt đường quốc lộ 1 chỉ 1.400 tỷ đồng.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi, sao không đặt trạm thu phí ở tuyến tránh, mà lại đặt trên Quốc lộ 1, phải chăng với lý do tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 là BOT Tiền Giang có quyền đặt trạm thu phí trên tuyến quốc lộ huyết mạch này. Đặt trạm như vậy là để “tận thu”, “móc túi” của tất cả các xe theo kiểu “không cho thoát”?
Có sự đồng thuận của chính quyền, không cần hỏi ý kiến người dân?
Theo đại diện đơn vị BOT Cai Lậy, vị trí đặt trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) là đúng với chủ trương, được sự thống nhất từ UBND huyện, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Khi xây dựng trạm cũng được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép và đưa vào hoạt động từ ngày 0h ngày 1/8.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do doanh nghiệp khi làm trạm nhưng không có sự kín kẽ với người dân.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, doanh nghiệp nên “kín kẽ” với người dân.
“Tôi thực sự chia sẻ ý kiến các nhà đầu tư. Tôi cũng khẳng định rằng, lợi ích BOT là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, việc đặt các trục BOT có cái không phù hợp. Nếu đặt vào đường khu đông dân cư thì khiến dân rất bức xúc, cái đó là không nên”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Khi làm đường, nhà đầu tư không tự mình giải thích những lợi ích cho dân, thì người dân sẽ bức xúc. Nếu lấy ý kiến, cho bà con đề xuất thì đã khác.
Ở đây, doanh nghiệp khi làm mới chỉ tham vấn ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu được tham vấn cộng đồng, tôi tin việc phản đối sẽ không diễn ra.
“Tôi là đại biểu Quốc hội và tôi hứa nếu sai thì tôi sẽ phản đối đến cùng. Cái gì lợi cho dân là làm. Sứ mệnh của chúng ta là làm sao có lợi cho dân, cho nhà nước. Tôi cho rằng những bất cập ở trạm thu phí bắt đầu phải từ chính doanh nghiệp. Không phải vì doanh nghiệp làm sai pháp luật mà vì doanh nghiệp làm chưa kín kẽ", ông Ngưỡng nói.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý.
“Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình, tôi đồng ý. Nhưng quy trình đó có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được”, ông Thanh nói.
Tôi đề nghị, phải lấy ý kiến người dân, còn lãnh đạo địa phương ai cũng sẽ ủng hộ. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn.
Bài học BOT cầu Bến Thủy
Trước đó, nhiều người dân Hà Tĩnh, Nghệ An đã đưa phương tiện tập trung phản đối việc thu phí của Cienco4. Lý do người dân địa phương đưa ra là họ sinh sống hai bên cầu Bến Thủy, chỉ đi qua cầu và không sử dụng dự án BOT tuyến tránh Vinh nhưng vẫn phải nộp phí.
Sự việc để kéo dài, Văn phòng Thủ tướng có công văn chỉ đạo nhưng Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và đại diện đơn vị BOT cầu Bên Thủy là Cienco4 đã chậm xử lý, dẫn đến sự việc kéo dài, để xảy ra tình trạng tái diễn tình trạng người dân tụ tập gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực Trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, để tái diễn tình trạng người dân tụ tập gây mất trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí cầu Bến Thủy nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Sự việc ở trạm Thu phí Cai Lậy lại thêm một lần nữa chứng minh thật sự có những “lùm xùm” quanh các dự án BOT giao thông. Trong đó là sự lúng túng, chậm chạm vào cuộc của ngành GTVT trong xử lý các vấn đề nóng của ngành.