17 tuổi đã làm thầy mo bản
Ông Hom ( 67 tuổi ở bản Buốc, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, ngày nhỏ ông đã được bố mẹ ông bà nói về tục làm vía của dân tộc mình. Đó là tục lệ lâu đời của Dân tộc Thái nơi đây. Nhưng ông muốn đi tìm cái gốc của tục làm vía của dân tộc mình. Nếu không tìm được cái gốc của tục làm vía của nước ta, nhưng chí ít phải tìm được tục lệ này từ người Thái ở các huyện miền núi Thanh Hóa. Chính vì thế, ông đã bàn với bố mẹ bán thóc gạo, lợn gà trong nhà lấy tiền để đi học làm thầy mo.
Ông Hom bảo, ông đã mất nhiều thời gian, công sức đến nhiều huyện có người Thái sinh sống, gặp các thầy mo nơi đây để tìm hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, học cách làm vía. Sau khi "tu học" trở về bản, thời gian đó tuy ông mới chừng độ 17, 18 tuổi, nhưng nhờ sự hiểu biết rộng, dân bản tín nhiệm đã nhất trí bầu ông làm thầy mo của bản Buốc.
"Nhiều người nơi khác đến dự các buổi lễ làm vía cho người dân trong bản thắc mắc, tại sao người dân chúng tôi phải làm vía, làm vía như vậy có tác dụng gì. Tôi nói ngay đó là tục lệ có từ xa xưa của dân tộc chúng tôi. 50 năm qua mỗi khi có thành viên mới trong bản chào đời tôi lại đến làm vía để xin với thần linh cho cháu được gia nhập thế giới trần gian. Cho cháu được cứng cáp, khoẻ mạnh và sau này lớn lên đóng góp nhiều công sức để xây dựng bản làng", ông Hom cho biết.
Ông Hom bảo, nhờ làm nghề thầy mo nhiều người đã nhận ông là bố nuôi, họ để lại chiếc áo dưới bàn thờ gia tiên. |
Ở bản Buốc, ông Hom không chỉ làm vía khi trẻ con chào đời mà những người không may bị ốm đau, tai nạn mọi người cũng nhờ ông Hom làm vía. Ông Hom kể: Năm ngoái trong bản có anh Lò Văn Chung đi xe máy bị tai nạn phải đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh cấp cứu. Sau khi bình phục trở về nhà, gia đình họ mời tôi đến làm vía. Ông bảo gia đình họ phải chuẩn bị cau trầu, con gà cúng cho hồn, 4 chai rượu và chiếc áo của anh Chung... mời đông đủ anh em họ tộc đến gia đình để làm lễ.
Sau khi làm lễ ở nhà xong ông Hom cùng với người thân của anh Chung đi tới địa điểm anh bị tai nạn rồi gọi hồn bằng tiếng Thái: Hỡi 30 hồn, 90 vía của anh Chung đi đâu, ở đâu lạc vợ, lạc con lạc nhà thì về với vợ con, bố mẹ. Về để ăn cơm uống nước, đoàn tụ gia đình.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, dù anh Chung đã bình phục trở về nhà, nhưng tai nạn khiến anh hồn bay phách lạc. Vì thế, phải nhờ ông Hom làm lễ để hồn vía trở về với thân thể anh. Việc làm vía này, giúp cho tinh thần và sức khỏe của anh Chung và người thân được ổn định hơn.
Ông Phạm Văn Nhóm đến cảm ơn ông Hom vì đã làm vía cho cháu mình. |
Bệnh tâm thần làm vía cũng khỏi?
Ông Hom cho biết, 50 năm làm vía cho người dân trong vùng, ông từng chứng kiến những sự kỳ lạ đến ngỡ ngàng. "Cách đây 2 năm trước ở bản có bà Phạm Thị Thăm bị ngớ ngẩn, thỉnh thoảng nổi cơn điên. Một lần bà lên cơn điên vật vã, người nhà phải đưa đi bệnh viện để cấp cứu. Các bác sĩ phải dùng bình oxy cho bà thở, nhờ đó bà mới thoát khỏi cái chết. Sau lần đó bà về nhà, người thân đã mời tôi sang làm vía. Ban đầu tôi nghĩ làm cũng chỉ để trấn an tinh thần cho bà ấy và mọi người gia đình. Nhưng không ngờ, thời gian sau bà ấy khoẻ mạnh bình thường. Cắt hẳn các cơn điên".
Ông Hom kể, không chỉ có riêng trường hợp bà Thăm mà trước đây ông cũng từng làm vía giúp anh Lò Văn Hướng khỏi bệnh. Ngày nhỏ không hiểu anh bị bệnh gì, nhưng cứ thấy bụng phình to. Khi đó đường xá đi lại khó khăn, gia đình cậu ta nghèo không có điều kiện đi khám chữa. Bố mẹ Hướng thấy ai mách loại thuốc gì chữa đựơc cũng đi lấy về cho con uống. Nhưng uống vài tháng trời mà bụng Hướng vẫn không nhỏ lại chút nào. Hướng lại ăn ít, cơ thể còi cọc. Vì thế, gia đình hết sức lo lắng, đã sang nhờ ông Hom sang làm vía. Sau khi làm vía xong được một thời gian thì Hướng ăn được nhiều hơn, bụng của em cũng nhỏ dần.
"Mọi người thì bảo là nhờ tôi làm vía nên Hướng mới khỏi bệnh, nhưng theo tôi đó cũng chỉ là một phần. Phần nhiều là do người bệnh tin tưởng vào "phép thuật" của vía. Giúp họ trấn tĩnh tinh thần bệnh tình dần sẽ giảm và khỏi. Giờ Hướng đã lấy vợ và có gia đình hạnh phúc", ông Hom cho biết.
Đồ vật đi làm lễ được ông Hom cất cẩn thận trong nhà. |
"Dù nghèo tôi cũng không lấy tiền của dân"
Ông Hom bảo, 50 năm qua ông làm thầy mo cho bản cũng chỉ mong cuộc sống của người dân được no ấm. Tránh được những thiên tai, dịch bệnh cho người dân. Là người con sinh ra và và lớn lên ở mảnh đất này nên ông Hom thấu hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây còn đói nghèo, lạc hậu. Chính vì thế, khi đi lễ ông không bao giờ đòi hỏi bất cứ lễ vật hay tiền bạc gì của gia chủ.
"Khi tôi làm lễ xong, thông thường họ mang các đồ lễ cho tôi mang về, thứ nhất vừa là quà biếu, thứ hai là có một số đồ lễ họ gửi để tôi mang về làm lễ gia tiên. Trước đây từng có tục lệ khi gia đình có người thân mất nhà đó làm thịt trâu làm lễ, lễ xong thầy mo được một đùi trâu mang về. Nhưng tôi đều từ chối. Có gia đình gửi tiền triệu nhưng tôi không cầm, bởi tuy tôi nghèo thật nhưng tôi không muốn lấy tiền của người dân. Tôi coi đó là công việc, là bổn phận của mình phải làm", ông Hom tâm sự.
Những chiếc áo lạ trong nhà ông Hom tăng dần, con nuôi của ông nhiều hơn. |
Theo ông Hom hiện nay có thầy mo trong bản lợi dụng niềm tin của người dân làm lễ xong đã yêu cầu gia chủ phải tạ lễ bằng tiền và hiện vật. Biết những điều đó ông Hom rất buồn, đích thân ông đã đến khuyên nhủ họ không nên làm thế. Làm như vậy là trái với đạo đức của một thầy mo. Sau đó ông cũng phản ánh vấn đề đó tới chính quyền địa phương. Ông Hom được mọi người đồng tình ủng hộ và cương quyết bài trừ vấn nạn đó để giữ nét đẹp cho phong tục truyền thống của cha ông.
Tục lệ làm vía cho người dân trong bản đã có từ lâu đời. Tục làm vía ăn sâu trong đời sống người dân trong bản. Khi gia đình nào đó có người không may qua đời cũng làm vía để mong hồn vía người mất không mang người thân trong gia đình đi theo. Ông Lò Văn Hom là thầy mo của bản, thường làm vía cho người dân trong bản. Ông không lấy tiền của người dân mà làm lễ xong, tùy tấm lòng của gia chủ, cho gì thì ông nhận.
Ông Phạm Hồng Nguyễn (Trưởng ban Văn hóa xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa)