Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về DRK coin của Kao Vân bị tố đa cấp lừa đảo, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ bị lừa mất trắng 3.000 tỷ khi Kao Vân (Huỳnh Đức Vân) đã “biến mất” một cách khó hiểu sau khi huy động lượng tiền khủng, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ việc trên, những nhà đầu tư có thể trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ các đối tượng điều hành hệ thống đầu tư tiền kĩ thuật số này, làm rõ các hình thức quảng cáo, giới thiệu với những người tham gia và phương thức quản lý hoạt động của hệ thống này để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
|
Huỳnh Đức Vân, tức Kao Vân, được cho là đứng đầu dự án DRK tại Việt Nam. |
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã đưa ra những thông tin gian dối để người tham gia đóng góp tiền vào chuyển hóa thành các đồng tiền kĩ thuật số, sau đó chiếm đoạt tiền của những người tham gia thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tôi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản theo điều 290 bộ luật hình sự năm 2015.
“Vấn đề quan trọng trong vụ việc này là cơ quan điều tra, lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao sẽ làm rõ phương thức hoạt động của công ty này, làm rõ sự can thiệp của những người điều hành công ty này, nguyên nhân nào dẫn đến việc hệ thống sụp đổ và số tiền hưởng lợi được chia cho những ai. Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của những người tham gia, sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Với những đối tượng sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản thì có thể đối mặt với hình phạt đến 20 năm tù theo quy định tại điều 290 bộ luật hình sự năm 2015” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho biết thêm, những năm gần đây hoạt động lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng mô hình đa cấp biến tướng xảy ra ở Việt Nam tương đối nhiều, nhiều đường dây, nhiều đối tượng đã bị phát hiện, xử lý.
Tuy nhiên, với kiểu mô hình đầu tư theo cấp số nhân, lấy tiền của người sau trả cho người trước đã tạo ra những hiệu ứng xã hội lan tỏa nhanh chóng, thu được số tiền rất lớn nên nhiều đối tượng biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình tham gia để mong tìm kiếm lợi nhuận. Kể cả những người tham gia cũng nhiều người biết là các chiêu trò lừa đảo nhưng vẫn tham gia để kiếm tiền của những người sau đó, hy vọng mình sẽ rút ra trước khi hệ thống sụp đổ.
|
Ví BTC được cho là của Huỳnh Đức Vân chứa hơn 1884 BTC (nguồn blockchain.com). |
Hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp biến tướng diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực. Trước kia chỉ là những hàng gia dụng nhập khẩu, những đồ dùng thiết yếu thì nay hàng hóa sử dụng trong kinh doanh đa cấp có cả bất động sản, thậm chí tiền ảo. Hoạt động này khó quản lý trong thời gian qua, thêm vào đó là việc Việt Nam chưa thừa nhận tiền ảo là tài sản, chưa có cơ chế quản lý loại đồng tiền kĩ thuật số này nên các đối tượng áp dụng mô hình kinh doanh đa cấp vào hoạt động kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng rất dễ dàng và có thể thu hút rất nhiều người tham gia.
“Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng là lấy tiền của người sau đưa cho người trước và hoàn toàn không sinh ra giá trị cho xã hội. Bởi vậy, mô hình càng phát triển, nguy cơ sụp đổ càng cao. Đến khi hệ thống sụp đổ, những người tham gia sau sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh đa cấp trên không gian mạng mà sụp đổ thì rất khó có thể tìm được chứng cứ để khiếu kiện, đòi hỏi quyền lợi”- luật sư Cường cho biết.
Những năm gần đây hoạt động kinh doanh tiền ảo, đầu tư vào các loại tiền ảo mới không chỉ có bitcoin mà có rất nhiều loại tiền kĩ thuật số khác được tung ra thị trường trở thành những dự án đầu tư và vận dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút, xây dựng hệ thống. Ngoài ra còn hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối trái phép cũng mọc lên như nấm sau mưa trên không gian mạng khiến nhiều người lao vào hoạt động đầu tư kinh doanh này mà không hiểu gì về nó hoặc bị lừa gạt trở thành các nạn nhân trong các vụ án lừa đảo.
“Những vụ việc như thế này một lần nữa cảnh báo cho những người dân nhẹ dạ cả tin hoặc vì lòng tham lợi nhuận, thiếu hiểu biết và tham gia vào các hoạt động kinh doanh tiền ảo trái phép trên mạng internet. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh theo mô hình đa cấp biến tướng trên không gian mạng, hoạt động đầu tư kinh doanh tiền ảo để có những cảnh báo, can thiệp và xử lý kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với những nhà đầu tư” -luật sư Cường nêu ý kiến.
Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh việc cộng đồng đầu tư tiền ảo tại Việt Nam đang sôi sục tìm người đứng đầu dự án DRK có tên gọi Kao Vân (Huỳnh Đức Vân, có hộ khẩu thường trú tại TP Đà Nẵng) khi số tiền họ đổ vào dự án này có nguy cơ mất trắng, nhiều người đã lâm cảnh nợ nần.
Kao Vân từng hô hào các dự án tiền ảo đa cấp có nguồn gốc nước ngoài như Spacoin hay Bitchamps, RET. Kao Vân thông qua BGC (cộng đồng do Vân đứng đầu) làm đại lý đại diện để huy động vốn đầu tư từ Việt Nam.
Gần đây nhất, Kao Vân cùng BGC cũng chính là đại lý lớn hợp tác với dự án đào tiền ảo đa cấp, chia hoa hồng theo mô hình Ponzi có tên Mining City và Bitcoin Vault (BTCV). Vào thời điểm cuối năm 2020, BTCV có những lúc tăng giá đến hơn 500USD/BTCV, khiến nhà đầu tư điên cuồng rót vốn, nhưng đến nay đồng tiền ảo này cũng rớt giá thảm, khiến nhiều nhà đầu tư lâm cảnh nợ nần vì không thể nào thanh khoản được.
Theo anh Quang, một nhà đầu tư ở Hà Nội, vì tin vào những lời quảng cáo của Kao Vân mà anh đã tham gia vào dự án BTCV với gói đào trị giá 12.600USD (gần 300 triệu đồng). Nhưng cho đến nay, anh không thể thu hồi được vốn như những gì Kao Vân cam kết. Anh cho biết thêm hiện tại anh cũng không thể nào bán được BTCV do anh không thể rút tiền ra khỏi ví.
Tuy DRK rớt giá thảm hại và không có khả năng thanh khoản, nhưng những cá nhân đứng sau các dự án thì liên tục khoe siêu xe, biệt thự triệu đô trên mạng xã hội. Từ đó đặt ra câu DRK coin có thực sự tiềm năng như quảng cáo, hay chỉ là một trò lừa đảo, huy động vốn trái phép?
Đi sâu tìm hiểu, phóng viên được biết, Kao Vân liên tục lên mạng xã hội khoe nhà, khoe xe để tìm cách dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư đổ tiền vào DRK với lời hứa hẹn “mang sự giàu có đến cho mọi người”.
Theo lời Vân quảng cáo, DRK là một nền tảng phi tập trung cho các lĩnh vực tài chính hiện có của hệ thống ngân hàng kỹ thuật số của Tập đoàn Draken. Đây là tập đoàn được cho là có trụ sở tại Thụy Sỹ, có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực blockchain. Nhưng, hơn 97% lưu lượng truy cập vào website này lại tới từ Việt Nam, điều này đặt ra câu hỏi lớn phải chăng một công ty lâu đời và nổi tiếng tại Thụy Sỹ nhưng chỉ được biết đến tại Việt Nam?
DRK được Kao Vân nổ rằng có thể sánh ngang với các đồng coin phổ biến như BTC, ETH, BNB, với tiềm năng tăng giá lên đến hàng nghìn lần, chỉ cần bỏ tiền ra mua và nắm giữ và thành triệu phú. Kao Vân còn hứa hẹn cho nhà đầu tư staking (gửi lấy lãi) với lãi suất lên đến hơn 100%/năm.
Tuy nhiên, đến nay những thứ nhà đầu tư nhận được hoàn toàn chỉ là sự im lặng và sự xuống giá không phanh của đồng tiền này. Tính đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của phóng viên, ví tổng mà Kao Vân dùng để nhà đầu tư chuyển tiền vào đã có trên 1884 BTC - tính theo giá hiện tại tương đương gần 3.000 tỷ đồng.
Hiện tại, sau khi huy động một số lượng tiền khủng từ nhà đầu tư, Kao Vân hay Huỳnh Đức Vân đã “biến mất” một cách khó hiểu. Các nhà đầu tư DRK chỉ biết đối diện với những con số vô cảm trên màn hình máy tính.
Các trang web do Vân lập ra như draken.group đã ngừng hoạt động, các hội nhóm do các admin của BGC lập ra cũng đã giải tán. Một số còn hoạt động thì hễ ai có thắc mắc hay hỏi đến DRK liền bị kích ra ngoài. Nhà đầu tư như đang ngồi trên đống lửa khi số lượng tiền khủng đổ vào dự án này có nguy cơ mất trắng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Triệt phá các sàn giao dịch trái phép FOREX, tiền ảo: