Trang Rforex.com bị đánh sập và nghi can Phạm Thị Thái, một trong những người tích cực trong đường dây. Ảnh: CACC |
“Bay” tiền tỉ vì ham lợi
Trước đó, công an nhận được đơn trình báo của chị HTP (47 tuổi, trú tại Hà Nội) về việc có một nhóm rủ rê chơi ngoại hối và bị chiếm đoạt gần 8 tỉ đồng.
Theo chị HTP, đầu năm 2020, Phạm Thị Thái thông tin có một kênh đầu tư mà chỉ cần đầu tư vài ngàn USD, mỗi ngày online vài tiếng đồng hồ là có thể thu được hàng chục triệu đồng mỗi tháng, đầu tư càng nhiều lợi càng cao…
Thái cung cấp cho chị một tài khoản trên sàn giao dịch... xforex.com để tham gia mua bán ngoại tệ, vàng. Và chỉ sau nửa năm “khởi nghiệp”, chị HTP mất sạch gần chục tỉ đồng.
Sau thời gian dài điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã làm rõ đường dây có dấu hiệu sử dụng mạng Internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, với sự tham gia tích cực của Thái, Đình Hùng và Mạnh Hùng.
Theo đó, Công an TP Hà Nội và Công an TP.HCM huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ, chia thành 21 tổ công tác, đồng loạt triển khai tại 11 tỉnh, thành để triệt phá ổ nhóm nêu trên.
Bước đầu, công an xác định các nghi phạm có hành vi tổ chức xây dựng, quản trị và điều hành bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép (Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss) và hàng chục website khác được copy giao diện tương tự giống các sàn forex này.
Các sàn đều kết nối ứng dụng Meta trader 5 (MT5 - ứng dụng chuyên dành cho các giao dịch vàng, ngoại hối, cà phê) để lôi kéo gần 12.000 người tham gia đến từ 27 quốc gia khác nhau. Trong đó, sàn Rforex.com sử dụng vỏ bọc pháp nhân Công ty Rforex Ltd tại Anh với tổng số tiền giao dịch lên đến cả trăm tỉ đồng, có những người đã bỏ hơn 10 tỉ đồng để tham gia giao dịch Forex.
Can thiệp thắng, thua tùy ý
Công an xác định đầu năm 2018, Vũ Đình Hùng bàn bạc với Phạm Mạnh Hùng tạo lập trang web trên nền tảng MT5, kết nối với sàn giao dịch ngoại hối xforex, sau đó lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư.
Để khách hàng tin tưởng đây là sàn giao dịch của nước ngoài, Đình Hùng đầu tư mua tên miền www...xforex.com, làm hồ sơ đứng tên đại diện cho Công ty... xforex LTD có địa chỉ tại London, vương quốc Anh.
Tiếp đó, Đình Hùng mua tài khoản MT5, máy chủ chạy phần mềm MT5, thuê người viết mã nguồn, thiết kế và hoàn thiện giao diện của website.
Tinh vi hơn, Phạm Mạnh Hùng còn sử dụng tài khoản email “support@xforex.com” hỗ trợ khách hàng với những nội dung bằng tiếng Anh nhằm khiến họ lầm tưởng đang chơi với sàn giao dịch “Tây”.
Đến giữa năm 2019, Phạm Thị Thái mua lại một phần quyền quản trị sàn xforex của Đình Hùng và Mạnh Hùng. Thái được Mạnh Hùng cài đặt quyền quản trị trang web, quản trị phần mềm MT5 và hướng dẫn tường tận các chiêu thức chiếm đoạt tiền của khách tham gia đầu tư.
Hai bên còn thỏa thuận Thái tiếp tục cho Mạnh Hùng quyền khai thác từ các khách hàng cũ và một đại lý tại nước ngoài đang hoạt động trên sàn xforex, đổi lại Mạnh Hùng sẽ giúp Thái gia hạn thuê phần mềm MTS và server, hỗ trợ Thái duy trì hoạt động của sàn.
Đáng chú ý, theo cơ quan công an, với quyền quản trị sàn, các nghi phạm có thể can thiệp vào dữ liệu tài khoản của khách hàng, tự thay đổi mật khẩu, thực hiện các lệnh chơi tài khoản của khách hàng mà không cần sự đồng ý của khách hàng. Thậm chí, bằng việc sử dụng kỹ thuật điện tử, các nghi phạm còn có thể can thiệp để người chơi thắng, thua tùy ý.
Tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 3-2021, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khuyến cáo rủi ro đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào những giao dịch trên sàn Forex.
Theo đó, việc cung ứng những dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh phải do những tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh và đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho tổ chức nào ngoài những tổ chức tín dụng đã cấp phép.
Ông Tú khẳng định những sàn giao dịch như Forex là không đúng theo quy định và pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro nếu có.
Không chỉ Ngân hàng Nhà nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng mô hình hoạt động của các sàn đầu tư nêu trên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Cụ thể, mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống Internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép, trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống thì kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo.
Ngoài ra, tiền người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật, trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay ví điện tử, những loại tiền ảo và ví điện tử này đều không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp.
Nhà đầu tư còn có thể bị lộ bí mật thông tin cá nhân, bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống (nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua), hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất.