Những đứa trẻ đi qua, có đứa không nhìn thấy, có đứa nhìn thấy nhưng cũng mặc kệ, không nhặt. Rồi một người đàn ông đi qua nhìn thấy thản nhiên nhặt lên, đút túi và đi mất.
Ảnh minh họa. |
Tôi hỏi một cô bé, tại sao không nhặt. Cô bé bảo, mẹ cháu dặn nhặt tiền rơi mang đi mua gì ăn thì sẽ bị đau bụng. Ồ thế chắc là người đàn ông kia không được mẹ dạy dỗ cẩn thận rồi!
Chẳng biết nếu số tiền rơi ra kia là 500.000 đồng hay lớn hơn thế nữa, liệu người ta có nhặt ngay không? Chắc thời gian đồng tiền đó nằm trên đất sẽ ngắn hơn. Nhưng chắc chắn những người được dạy dỗ như cô bé kia cũng không nhặt đâu, hoặc có nhặt thì cũng mang nộp để trả lại người mất. Tôi tin chắc thế, vì bao giờ cũng vẫn có những người tử tế, những người không tham của rơi, những người mà tính lương thiện đã là nguyên tắc sống của họ, khó điều gì có thể thay đổi được.
Thật mừng vì vẫn có những người dạy con không tham như thế. Ngày trước tôi vẫn thường được nghe bà tôi kể chuyện người nọ người kia nhặt được gói tiền, không tìm người trả lại mà mang đi tậu trâu, tậu ruộng, rồi từ đó làm ăn lụi bại, phải bán nhà bán cửa đi phiêu tán... hay có người bị ốm đau mà chết... Chả biết những chuyện đó có thật hay không nhưng nó dạy chúng tôi biết sợ. Sợ những đồng tiền nhặt được, những đồng tiền không phải của mình, không do sức lao động của mình làm ra... sẽ chẳng mang đến điều gì tốt đẹp cả. Những câu chuyện dân dã, đời thường, gần gũi như chuyện xảy ra với người làng người xóm của mình như thế thật có sức thuyết phục.
Đừng coi thường những việc nhỏ như vậy, vì từ những điều tưởng như đơn giản như thế sẽ dần hình thành trong mỗi đứa trẻ, mỗi người tính không tham, không ham tiền bạc. Và không tham lam là điều cốt yếu để con người ta sống ngay thẳng, đàng hoàng. Sống vui vẻ với những gì là của mình, chỉ nhận những gì mình xứng đáng được hưởng, biết từ chối những gì không phải của mình.