Làn ngoài, ô tô dàn hàng bốn, hàng năm tắc tịt không nhúc nhích được. Ô tô tràn cả vào làn trong, xe máy thì leo lên vỉa hè, cứ chỗ nào trống thì chen vào, chật ních như nêm cối.
Ảnh minh họa. |
Nhìn cảnh này thì thấy rõ ràng không phải đường chật, đường xấu nên tắc mà là do ý thức người dân. Đường rộng thế, chứ rộng nữa mà vẫn đi kiểu này, kiểu mạnh ai người nấy chen, không ai nhường ai, không theo quy định, luật lệ nào cả thì tắc là cái chắc.
Nhưng nói ý thức người dân không có nghĩa là đổ cả trách nhiệm cho dân. Bởi vì ý thức được hình thành từ cả quá trình. Người ta nhìn thấy mình có đi đúng luật, người khác cứ chen lấn có khi lại đi nhanh hơn, mình lại chịu thiệt. Một lần, hai lần như thế thì đến lần thứ ba phải rút kinh nghiệm, cũng phải chen lên mà đi chứ cứ nhường nhịn mãi để chịu thiệt thòi à. Mà không chịu chen có khi lại bị người đi sau húc vào xe, chửi vào mặt ấy chứ. Cho nên nói ý thức là nói cái ngọn thôi, còn cái gốc vẫn là luật lệ phải nghiêm.
Chúng ta ngưỡng mộ người Nhật về ý thức kỷ luật, dù vừa chịu thảm hoạ kinh hoàng của động đất, sóng thần, họ vẫn trật tự xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Ý thức đó từ đâu mà có? Chắc chắn phải từ thực tế cuộc sống chứ không thể cứ tuyên truyền suông được. Người ta kiên trì xếp hàng vì biết chắc chắn rằng nhất định sẽ đến lượt mình, mình sẽ có phần.
Hơn nữa, người nào chen lên sẽ bị phản đối, sẽ không được nhận phần của mình. Còn người Việt Nam mình phải chen vì luôn ám ảnh nỗi sợ nhỡ đâu đến lượt mình thì hết. Mà đã nhiều lần hết thật chứ không phải là sợ nữa. Trâu chậm uống nước đục. Bên cạnh đó, những người bán, người phát cũng chẳng cần biết ai xếp hàng nghiêm chỉnh, ai chen ngang, cứ đến lượt thì phát.
Không thể kêu gọi nâng cao ý thức được trong khi những sự việc bất công vẫn cứ bày ra trước mắt. Người chen lấn thì đi được nhanh, người đi đúng luật thì chịu khốn khổ. Những kẻ chen ngang thì được nhận phần hơn, người xếp hàng nghiêm chỉnh thì về không. Mọi cái đều có lý do của nó, chứ không chỉ đổ cho ý thức là xong.