Vụ nữ doanh nhân Lê Thị Giàu (Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) kiện bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam) đòi bồi thường danh dự, uy tín 1.000 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận. Đây quả là số tiền đòi bồi thường danh dự “khủng” nhất từ trước tới giờ. Hiện TAND quận 1, TP.HCM đã thụ lý vụ kiện này và đã phân công thẩm phán giải quyết.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu tòa có chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn toàn bộ con số này hay không? Nếu tòa chỉ chấp nhận một phần, thậm chí một phần rất nhỏ, tỉ như 14,9 triệu đồng (mức tối đa khi không thỏa thuận được là 10 lần mức lương cơ sở) thì nguyên đơn sẽ phải mất án phí bao nhiêu?
Bà Nguyễn Phương Hằng bị một nữ doanh nhân kiện đòi bồi thường thiệt hại 1.000 tỉ đồng do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại. Ảnh: HOÀNG GIANG
Án phí: Đòi bao nhiêu cũng không tốn xu nào
Trước hết, về án phí, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 (quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án) thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Với quy định này, trong trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín như trường hợp của bà Giàu thì không phải chịu án phí sơ thẩm (và không đóng tạm ứng án phí theo quy định về án phí có giá ngạch). Vì vậy, dù nguyên đơn chỉ kiện đòi 1.000 đồng hay đòi 1.000 tỷ đồng thì vẫn không tốn tiền đóng án phí.
Ngoài ra, nếu bị tòa bác toàn bộ đơn khởi kiện hay chỉ chấp nhận một phần thì nguyên đơn vẫn không phải chịu đồng án phí nào đối với phần bị bác. Do đó, nguyên đơn có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường với con số bao nhiêu cũng được mà không bị giới hạn.
Nói thêm, nếu đây là vụ kiện thuộc trường hợp phải đóng án phí sơ thẩm và nếu tòa tuyên chỉ chấp nhận một phần nhỏ, giả dụ 14,9 triệu đồng thì với phần bị bác (gần 1.000 tỷ đồng), nguyên đơn phải mất án phí trên dưới 10 tỉ đồng.
Còn nhớ trong vụ “ly hôn ngàn tỷ”, do có phần tranh chấp tài sản, tòa đã tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải đóng 4,8 tỉ đồng án phí và bà Thảo phải đóng 3,3 tỉ đồng.
Đòi 1.000 đồng danh dự cũng bị bác Tháng 4, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ bà TTH (giảng viên một trường đại học) kiện ông PTT yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần 1.000 đồng. Bà H. cho rằng ông T. đã có hành vi rải tờ rơi khắp sân trường đòi nợ khoản tiền mà chồng bà đã vay, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà nên khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, bác yêu cầu của nguyên đơn do không đủ cơ sở để chứng minh thiệt hại. |
Thiệt hại danh dự, bao nhiêu thì đủ?
Trở lại câu chuyện bà Giàu kiện bà Phương Hằng, TS Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng khi cho rằng bị công khai xúc phạm, khởi kiện là cách hay nhất. Theo TS Diệp, động thái khởi kiện của bà Giàu đã chứng tỏ sự am tường pháp lý trong người dân ngày càng được nâng cao.
Cơ sở pháp lý cho việc kiện đòi bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS). Theo đó, người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ các trường hợp được BLDS, luật khác có liên quan quy định miễn trách nhiệm bồi thường.
TS Diệp nói: “Khi bà Giàu cho rằng bà Hằng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình dẫn đến gây thiệt hại tài sản cho mình thì có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín được xác định căn cứ vào thiệt hại thực tế về tài sản và tổn thất tinh thần”.
Theo TS Diệp, mức bồi thường thiệt hại không thể được xác định từ việc ai đó càng nổi tiếng, càng có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng, một doanh nghiệp... và khi những người này bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì mức thiệt hại của họ càng lớn hơn so với một cá nhân bình thường. Ở góc độ pháp lý, mỗi cá nhân đều bình đẳng với nhau trong việc được pháp luật bảo vệ về uy tín, danh dự, nhân phẩm.
Do vậy, TS Diệp cho rằng để đạt được số tiền bồi thường toàn bộ, bà Giàu cần chứng minh được tổng thiệt hại về tài sản vì hành vi xúc phạm của bà Phương Hằng có giá trị 1.000 tỉ đồng thì mới có thể yêu cầu. Ví dụ, vì danh dự và uy tín bị xúc phạm mà công việc kinh doanh của bà bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến thu nhập từ hoạt động kinh doanh bị mất hoặc giảm sút...
“Về bồi thường do tổn thất tinh thần, khoản 2 Điều 592 BLDS cho phép bên có hành vi xâm phạm và bên chịu thiệt hại tự thỏa thuận mức bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở” - TS Phương Diệp cho biết.
Như vậy, quá trình tòa giải quyết vụ án, giữa nguyên đơn và bị đơn có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Đó có thể là vài chục triệu, vài tỉ hoặc thậm chí nhiều hơn… Khi đó, tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận của hai bên đương sự. Còn nếu hai bên không thỏa thuận được thì tòa sẽ ra phán quyết, cao nhất là 10 tháng lương cơ sở, tức khoảng 14,9 triệu đồng (theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng).
Kiện yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường 1.000 tỉ Theo đơn kiện, bà Lê Thị Giàu cho là năm 2017, bà có quen biết với bà Hằng khi đi chùa Phước Sơn tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Dù hai bên không có quan hệ làm ăn, không phải là bạn bè nhưng thời gian này bà Nguyễn Phương Hằng thường nhắn tin có lời lẽ xúc phạm, đe dọa bà. Bà Giàu đã lập vi bằng các tin nhắn này. Tiếp đó, trong buổi livestream ngày 14-5-2021, bà Hằng đã bịa đặt, vu khống bà ép bức sư trụ trì chùa trả lại tiền và xe cho bà Hằng, thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý, bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo, mua tượng Phật và hoa không trả tiền... Cạnh đó, bà Hằng còn xúc phạm uy tín thương hiệu mì Lá bồ đề, dầu Nhị Thiên Đường do bà Giàu làm chủ là thương hiệu đểu, chứng nhận giả. Bà Giàu khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi vi phạm và buộc bà Hằng gỡ bài nói về bà, công khai xin lỗi và cải chính trên mạng YouTube, đồng thời bồi thường cho bà 1.000 tỉ đồng. |