Phiên tòa sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngoài việc phân chia tài sản “khủng”, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến mức án phí mà hai vợ chồng này phải trả lên đến hơn 80 tỷ đồng.
Cụ thể, mức án phí theo HĐXX công bố, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải chịu án phí ly hôn là 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản là 34,2 tỷ đồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng phải đóng mức án phí cho phần tài sản là 47.7 tỷ đồng. Tổng cộng 2 người phải đóng 80 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Tuy nhiên đối chiếu với quy định của pháp luật về án phí dân sự sơ thẩm, mức án phí của vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không cao tới mức như vậy.
Theo quy định cụ thể tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14. Theo đó, với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỷ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản được hưởng vượt 4 tỷ đồng.
Vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thu hút sự quan tâm của dư luận. |
Theo HĐXX xác định tổng cộng khối tài sản chung của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo gồm các bất động sản, tiền, vàng trong tài khoản ngân hàng và cổ phần ở các Công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên là 8.229 tỷ đồng. Đối chiếu với quy định trên án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 8.229 tỷ đồng tranh chấp chỉ hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, số tiền án phí bà Thảo phải đóng tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ khoảng 3,3 tỷ đồng và ông Vũ phải nộp chỉ là 4,8 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (VP luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, rõ ràng mức án phí mà HĐXX yêu cầu hai vợ chồng này phải trả lên đến hơn 80 tỷ đồng là gấp 10 lần so với quy định của pháp luật.
Luật sư Bình dẫn giải, tại điểm a Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu án phí và lệ phí tòa án quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm liên quan đến chia tài sản chung theo đó, "mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung".
Căn cứ theo "Danh mục án phí, lệ phí tòa án" ban hành theo Nghị quyết số 326 có quy định về án phí dân sự sơ thẩm, cụ thể là tại Mục 1.3 "đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch" thì sẽ căn cứ vào giá trị tài sản để tính, theo đó đối với tài sản có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên, sẽ áp dụng theo công thức: 112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Trong vụ ly ông của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo, tòa án xác định tổng giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là 8.229 tỷ đồng, số tiền án phí sẽ tương ứng là: 112 triệu cộng 8.225.000.000 = 8.337.000.000 (tám tỷ ba trăm ba mươi bảy triệu đồng).
Với số tiền án phí mà bản án tuyên cao rất nhiều so với số tiền tạm ứng án phí ban đầu có thể thấy bản án đã tính sai án phí bởi theo Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết nêu trên quy định mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
Trường hợp nếu bản án có tính sai về án phí, Luật sư Bình cho rằng, căn cứ Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.
“Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án. Ngoài ra Viện Kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm xem xét xử lý. Nguyên đơn và bị đơn cũng có quyền kháng cáo về phần án phí”, Luật sư Bình cho biết.