Du khách ngày nay chọn du lịch bền vững với mong muốn đóng góp cho cộng đồng địa phương. |
Hạn chế rác thải nhựa
Ngày 12/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2024 (VITM Hà Nội 2024), Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" với sự tham dự của lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế; đông đảo các chuyên gia nghiên cứu về phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa…; các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, để thúc đẩy phát triển Du lịch xanh, từng bước đưa Du lịch xanh vào cuộc sống, ngay từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào "Du lịch Việt Nam-Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa" và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng.
Hội chợ VITM Hà Nội 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chọn chủ đề "Du lịch xanh", hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp,...); phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn,...; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước, thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ mội trường, phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.
Diễn đàn “Du lịch Việt Nam- Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” có sự tham dự của 300 đại biểu trong nước, quốc tế. (Ảnh: Hạnh Phúc) |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch Xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Thế nhưng, ông Siêu cũng nhấn mạnh Xanh ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc mà là quá trình Xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa Xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến Xanh, sản phẩm Xanh và dịch vụ Xanh. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi thay đổi của xã hội, tự nhiên đều tác động đến du lịch.
Làm gì để du lịch Việt Nam xanh?
Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman cho rằng Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như: quy hoạch Xanh; quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam góp ý kiến cho du lịch Việt. |
Thực tế, khi bắt đầu hành trình hướng tới một tương lai Xanh hơn, điều quan trọng là phải bắt đầu với “quy hoạch Xanh”. Nói cách khác, các quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch Xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên, đảm bảo quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả, cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia.
Bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý điểm đến hiệu quả, chúng ta có thể đưa ra các quy định quan trọng về hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện, để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng cường trải nghiệm tích cực cho du khách về mặt tổng thể. Hơn nữa, cách tiếp cận này cho phép chúng ta xác định và tận dụng các tài sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của từng địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch mang tính bản sắc cho từng vùng.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện phát triển du lịch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp cần giảm thải sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng nhiên liệu sạch. Các cơ sở du lịch, đặc biệt là cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống cần có biện pháp tích cực xử lý rác thải, nước thải, tái chế, tái sử dụng, tránh trực tiếp thải loại ra môi trường. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch vào kinh doanh du lịch; chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng...
Lễ ký thoả thuận hợp tác truyền thông về chuyển đổi xanh cho du lịch Việt Nam giữa đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, TikTok Việt Nam. (Ảnh: Hạnh Phúc) |
Để tạo đà, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhiều ý kiến các chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch Xanh, bền vững.
Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021; tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng Xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch Xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký thoả thuận hợp tác truyền thông về chuyển đổi xanh cho du lịch Việt Nam giữa đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, TikTok Việt Nam.