Bắt tay vào sản xuất thử nghiệm
Trước xu hướng thế giới là phát triển những kỹ thuật điều trị ít xâm lấn, TS Trịnh Quang Đức cho biết, để tìm ra cơ chế khác tiêu diệt và giới hạn ung thư, anh đang bước đầu nghiên cứu sử dụng xung laser cực ngắn để nghiên cứu tương tác nhiệt với tế bào ung thư mà không cần sự hỗ trợ của các hóa chất đặc biệt.
Cụ thể, sau những thử nghiệm, khảo sát bước đầu, hiện nay TS Trịnh Quang Đức đang bắt tay vào thiết kế và chế thử bộ nguồn điều khiển phát tia laser cho phép phát ra những xung laser có độ rộng cỡ nano giây. Tiếp đến sẽ thử nghiệm bộ nguồn đó với các tuýp laser khí và kiểm nghiệm hiệu ứng nhiệt ở các chế độ làm việc của hệ thống...
Theo vị chuyên gia này, phương pháp khoa học này được xây dựng nhằm mục đích cuối là xác định được cơ chế tương tác nhiệt của laser với các loại tế bào ung thư, các khối u ung thư dưới da như ung thư vú, ung thư da, tuyến mồ hôi, vòm miệng... Với liều lượng hợp lý bằng cách lựa chọn những chế độ hoạt động phù hợp, nguồn laser được hy vọng là có thể tiêu diệt khối u mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành khác.
Ưu điểm của phương pháp này là tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào sống xung quanh. Vì thế, giảm bớt những rủi ro do phản ứng phụ của các phương pháp đang được sử dụng hiện nay.
Điều trị ung thư bằng laser cho các căn bệnh ung thư như võng mạc, dưới da như vú, tuyến mồ hôi. |
Khuyến khích nghiên cứu đến ứng dụng
Trao đổi về công nghệ ứng dụng laser trong điều trị ung thư, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho hay, công nghệ laser đã được ứng dụng cách đây khá lâu với các chuyên ngành như làm dao mổ, nhãn khoa... Các ngành này đều phát triển tốt, cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, đối với ngành ung thư học do có những đặc thù riêng nên muốn điều trị hiệu quả thì cần sự phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ, hiện nay không chỉ điều trị mỗi hóa chất mà phải kết hợp nhiều phương pháp, công đoạn khác như xạ trị, dùng thuốc đặc thù...
Trong nước hiện cũng đã có một số nghiên cứu dùng laser điều trị bệnh nhưng về mặt kinh điển thì nó vẫn chưa được sử dụng để điều trị ung thư. Ngoài ra, do không phải là nhà ung thư học nên các nhà khoa học về điện tử y sinh chưa hiểu được hết tế bào này. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, chúng ta cần khuyến khích phát triển để kết hợp cùng các phương pháp xạ trị và truyền hóa chất nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Còn ThS Dương Trọng Lượng, cùng nghiên cứu chuyên ngành điện tử y sinh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, sử dụng laser để điều trị ung thư là công nghệ mới, giảm sự đau đớn và tác dụng phụ cho bệnh nhân. Hiện công nghệ này đang được phổ biến, nhất là để điều trị các căn bệnh ung thư như võng mạc, dưới da như vú, tuyến mồ hôi... Ở Việt Nam cũng đã có một số ứng dụng thành công như điều trị mắt ở Bệnh viện Mắt TPHCM, nhưng đi sâu hơn và phổ biến vẫn chưa có.
"Mỗi nghiên cứu sẽ có những hướng đi riêng để tiếp cận mục tiêu cuối cùng. Riêng công nghệ laser hiện có nhiều ưu điểm, vì thế phát huy được sẽ tạo thế mạnh cho công nghệ y sinh Việt Nam", ThS Dương Trọng Lượng cho hay.
Tại một số nước như Pháp, Mỹ, công nghệ laser đã được ứng dụng và thành công khi điều trị các dạng ung thư dễ bị ảnh hưởng đến các vùng lân cận như thanh quản. Vì thế, nhu cầu nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam là cần thiết.
ThS Dương Trọng Lượng