Phát hành 500 triệu cổ phiếu giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp
Dự kiến trong năm 2020, SCB sẽ tăng 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng mức vốn điều lệ sau khi tăng thêm là 20.232 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo SCB, việc tăng vốn điều lệ sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của SCB. Bên cạnh đó, SCB sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới, thu hồi nợ xấu, và xử lý tài sản theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, SCB sẽ chào bán 500 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương đương giá trị 5,000 tỷ đồng theo mệnh giá. Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng/cp.
Tổng số tiền 5,000 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này sẽ được SCB trích 4,000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh và 500 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin, còn lại 500 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.
SCB cho biết sẽ chuyển dịch mô hình và mô thức kinh doanh theo hướng đa dịch vụ. Theo đó, SCB dự kiến trong năm 2020 sẽ đạt thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ 1.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019. Trong đó, tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019; tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số; đẩy mạnh phát hành mới thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ…
Ngân hàng đặt mục tiêu cho vay khách hàng đạt 377,283 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2019 và huy động thị trường 1 đạt 553,092 tỷ đồng, tăng 13%.
Tổng tài sản được SCB dự kiến đạt 637,166 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2019. SCB không công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, SCB hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ đa năng có tốc độ tăng trưởng doanh thu mỗi năm tối thiểu 30%.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 của SCB |
Lợi nhuận 2019 giữ lại, không chia cổ tức
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của SCB đạt 567.913 tỷ đồng, tăng trưởng 11,6% so với cuối năm 2018, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh.
Huy động vốn của SCB đạt 69.754 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7%. Tổng số dư huy động thị trường 1 của SCB tính đến 31/12/2019 lên đến 488.092 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay của SCB đến 31/12/2019 đạt 333.879 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm 2019. SCB đã duy trì tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu ở mức thấp, lần lượt là 0,9% và 0,49%.
Về các chỉ tiêu kinh doanh, SCB đạt lợi nhuận trước thuế là 220,3 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, SCB ghi nhận hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ tăng khá với tổng thu nhập ngoài lãi đạt 1.937 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 30% so với năm 2018. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 33,5% so với 2018.
Về phương án phân phối lợi nhuận 2019, ông Hoàng Minh Hoàn – Phó Tổng Giám đốc SCB cho biết lợi nhuận sau thuế 2019 là 156.6 tỷ đồng, lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ còn 39.2 tỷ đồng.
Với AMC SCB, lợi nhuận sau thuế còn 872 triệu đồng, lợi nhuận giữ lại còn sau khi trích lập các quỹ là 351 triệu đồng. Toàn bộ lợi nhuận giữ lại của SCB và AMC SCB sẽ được trình giữ lại để tăng vốn cho Ngân hàng.
Ngoài ra, tại Đại hội, các cổ đông đã nhất trí miễn nhiệm một thành viên HĐQT Mai Thị Thanh Thủy và một thành viên Ban kiểm soát là ông Nguyễn Mạnh Hải. Đại hội cũng đã thông nhất bầu bổ sung ông Bùi Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp là thành viên mới của HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.