Trong sự suy thoái của nhà Trần có nhiều nguyên nhân và trên nhiều mặt, trong đó tệ nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan lại và quý tộc là một phần quan trọng gây ra bất mãn trong quần chúng nhân dân, mâu thuẫn trong triều đình, giữa các quan đại thần với nhau... Sự kiện đau lòng nhất là việc quan Hành khiển Đỗ Tử Bình tham ô 10 mâm vàng dẫn đến cái chết thương tâm của Vua Trần Duệ Tông.
10 mâm vàng bị ỉm đi
Khoảng gần cuối thời nhà Trần, sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông (1258 - 1288), đất nước ta bước vào thời kỳ cường thịnh. Biên giới mở mang tới tận đèo Hải Vân. Ở phía Bắc, nước Trung Hoa trọng nể, ở phía Nam nước Chiêm Thành kính phục và chịu triều cống. Nhưng đến năm Mậu Ngọ (1376) vì một vụ tham nhũng mà dẫn tới các chết oan nghiệt của nhà vua Trần Duệ Tông (1377) rồi sau đó xảy ra biết bao sự cố khiến nhà Trần bước vào thời kỳ suy thoái và xuống dốc.
Sử cũ chép rằng: "Chiêm Thành từ đời Lê, Lý đến đời Trần dân và lính hèn nhát. Hễ quân ta đến là đem cả nhà chạy trốn hoặc họp nhau khóc lóc xin hàng. Về sau đến thời vua Chế Bồng Nga dân Chiêm được tập hợp, dạy bảo, thay đổi thói cũ trở nên can đảm hăng hái, chịu được gian khổ..." (Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ).
Chế Bồng Nga là một ông vua dũng cảm của nhân dân Chiêm thời bấy giờ. Thoạt đầu Chế Bồng Nga muốn hòa hiếu, thần phục Đại Việt nên giữa năm 1376 đã đem mười mâm vàng ra vùng Hóa Châu để dâng lên vua nhà Trần. Lúc bấy giờ Đỗ Tử Bình là quan hành khiển coi giữ lộ Hóa Châu để ngăn chặn quân Chiêm quấy nhiễu và xâm lấn biên giới phía Nam.
Đáng lẽ khi nhận được số vàng của Chế Bồng Nga cống nạp, Đỗ Tử Bình phải đưa ngay số lễ vật đó (10 mâm vàng) ra kinh đô Thăng Long và chuyển đạt lòng hòa hiếu của Chế Bồng Nga lên vua Trần Duệ Tông, để thực hiện chính sách "mục lân" (hòa hiếu với các nước láng giềng), giữ vững an ninh bờ cõi.
Nhưng trái lại với lòng tham vô đáy, Đỗ Tử Bình đã ỉm đi, giữ lấy 10 mâm vàng ấy làm của riêng mình. Đã thế, Đỗ Tử Bình lại còn xuyên tạc sự thật, tấu dối rằng Chế Bồng Nga ngạo mạn, vô lễ với Đại Việt và xin nhà vua nên đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Đỗ Tử Bình tính toán rằng, nếu gây ra chiến tranh thì ông ta sẽ có cơ hội vơ vét được nhiều hơn nữa.
Ảnh minh họa. |
Vua nghe lời sàm tấu
Nói về vua Trần Duệ Tông. Ông sinh năm Đinh Sửu (1337), là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông, em vua Trần Nghệ Tông. Đến năm Quý Sửu (1373), 36 tuổi được vua Trần Nghệ Tông trao ngôi vì đã từng góp công dẹp loạn. Trần Duệ Tông thông minh, có tài dùng binh, nhưng tính khí kiêu căng, chủ quan, ương gàn, cố chấp.
Nghe lời sàm tấu của Đỗ Tử Bình, không chịu phân tích, nghe ngóng đã vội tin ngay, không phân biệt thực hư, liền nổi giận lôi đình, quyết định tự mình cất quân đi đánh Chiêm Thành ngay trong năm đó.
Quan Ngự sử Lê Tích và các quan đại thần dâng sớ can ngăn: "Binh đao là việc dữ, không nên tự mình gây ra. Huống chi ngày nay vừa mới dẹp yên giặc trong nước thế như cái nhọt lâu năm chưa khỏi, không nên vì tức giận tức thời mà dấy quân, tướng không thể cần công mà đánh liều". Nhưng nhà vua nhất định không nghe.
(còn nữa)