Thanh niên phải có trách nhiệm với Tổ quốc
Gần đây dư luận đang xôn xao về vấn đề du học sinh nước ngoài sẽ trở về nước hay ở lại nước ngoài sau khi kết thúc khóa học. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng việc về hay ở của các du học sinh là chuyện không mới và phần nhiều nó tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người khác nhau. Theo ý kiến của tôi, du học sinh nên về để phục vụ đất nước. Tuy nhiên, có một thực tế là những du học sinh khi có kinh nghiệm làm việc rồi mới sang nước ngoài sẽ về nước rất đông, thậm chí là toàn bộ. Còn đối với những em kết thúc trung học thì đa phần họ sẽ ở lại.
TS. Vũ Thu Hương – Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Độ tuổi du học quyết định tới việc ở lại hay trở về nước cống hiến, thưa bà?
Đúng vậy. Độ tuổi du học sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định ở hay về. Những người đi khi đã làm việc trong nước một thời gian họ sẽ có kinh nghiệm hơn và đa phần sẽ quyết định về. Các em vừa kết thúc TPHT được đào tạo chưa đủ. Đặc biệt các em thiếu trong việc nhận thức rõ trách nhiệm cống hiến và nghĩa vụ với xã hội của bản thân. Khi các em chưa có kinh nghiệm sống tại Việt Nam thì không thể định hình được cách sống nếu trở về nước nên quyết định ở lại.
Song việc đi hay ở phần nhiều phụ thuộc vào quyền tự do các nhân của mỗi người?
Du học sinh có nhiều loại khác nhau trong đó có đối tượng tự thân vận động, đi theo ngân sách và theo sự trao đổi học sinh giữa các nước. Trong đó, đối tượng đi theo ngân sách và trao đổi học sinh thì phải trở về để trả nợ đất nước bởi có sự ràng buộc của hơp đồng du học. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với xã hội của thanh niên là như nhau nên việc về nước và cống hiến cho xã hội là điều dĩ nhiên với tất cả đối tượng.
Tuy nhiên, dư luận xôn xao về vấn đề ở lại hay trở về nước là có cơ sở khi số đông những du học sinh khi ra nước ngoài đều không có tư tưởng về nước, thưa bà?
Tôi nghĩ là không chính xác bởi theo tôi thấy du học sinh về nước công tác rất đông và đa phần đều thành công với công việc của họ. Mọi người đang nhìn nhận ở một lĩnh vực, một khu vực nào đó rồi phiếm chỉ cho rằng tất cả đều như vậy là vô căn cứ.
Tuy nhiên, các bạn đều có ít nhất 18 năm sống ở một đất nước hòa bình, đặc biệt đất nước đó được xây dựng bằng máu của thế hệ đi trước. Dĩ nhiên, khi sống ở đất nước đó thì cần phải có trách nhiệm với nó. Cũng giống như trách nhiệm với gia đình và phần đó không được trả lương.
Tại sao bà lại nhấn mạnh vào ý thức cống hiến cho đất nước của thanh niên?
Chúng ta phải thừa nhận rằng: Việc giáo dục các bạn trẻ ý thức cống hiến cho đất nước còn chưa được coi trọng. Nhiều người nghĩ cứ đi nước ngoài là thành người giỏi nên thường tự cao cho phép mình được có những kì vọng, yêu cầu với đất nước khi các bạn trở về. Điều này là vô lý và thiếu công bằng với mọi tầng lớp lao động trong nước. Có nhiều người vẫn ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc mà trong số họ rất nhiều bạn còn chưa bao giờ có cơ hội được đặt chân ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu cứ vin vào lý do có thời gian dài sống trong một đất nước hòa bình, tự do mà phải trở về làm việc mình không muốn, môi trường không phù hợp liệu có bị thui chột tài năng?
Theo tôi nghĩ, khi các em trở về nước mà thực sự có tài năng thì Nhà nước ta sẽ có những sắp xếp hợp lý để các em phát huy tài năng đó. Tuy nhiên cũng có một số cơ quan chưa thực sự nghiêm chỉnh trong việc chấp hành các quy định mà còn hành xử theo tình cảm nhiều hơn. Như vậy, rõ ràng bản thân cơ quan sử dụng lao động cũng phải tuân thủ chặt chẽ hơn những quy định để tạo điều kiện thoải mái nhất cho mọi lao động ở mọi vị trí.
Tiêu tiền của dân thì phải trở về!
Quay trở lại tâm điểm của vụ lùm xùm trong thời gian qua giữa giảng viên Doãn Minh Đăng với trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Bà có suy nghĩ gì không?
Tôi thấy rằng cả hai phía đều sai để dẫn tới tình trạng lùm xùm không đáng có. Phía giảng viên Doãn Minh Đăng đã sai trong việc vi phạm những quy định của cơ quan. Nói thật, chúng tôi là phụ nữ còn không mấy bận bịu chuyện con cái thì làm chồng không có thể lấy đấy là cái cớ. Ở cơ quan tôi, có những trường hợp chưa hết tháng nghỉ sinh nhưng vì công việc họ vẫn đi làm bình thường. Còn về phía nhà trường thì kỷ luật như vậy không theo đúng quy chế.
Thông qua vụ việc của giảng viên Doãn Minh Đăng dấy lên vấn đề ở lại hay trở về của các du học sinh. Theo bà nghĩ, với những trường hợp như giảng viên Đăng thì nên ở lại hay trở về?
Nếu như đi theo diện ngân sách chi trả thì trở về là điều dĩ nhiên. Họ phải về để đáp lại những gì mà đất nước đã cho họ. Hiện chính phủ Việt Nam không đủ điều kiện để cấp học bổng đào tạo thế hệ nhân lực cho các quốc gia trên thế giới. Chúng ta chỉ đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực trong nước nên cần có những ràng buộc tốt để họ trở về phụng sự Tổ quốc. Chính vì lý do đó mà chúng ta đưa du học sinh sang nước ngoài chứ không phải vì đóng góp nhân lực cho thế giới.
Trên thực tế vẫn có những trường hợp đi theo diện ngân sách nhưng không trở về nước, thưa bà?
Tôi không biết chính xác có trường hợp nào đi nhưng không về không song tôi nghĩ là có. Điều đó phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người trong việc quyết định trở về hay ở lại. Tuy nhiên, những ai đi theo diện ngân sách mà không trở về nước thì cần phải xem xét lại bản thân. Bởi lẽ, khi đã tiêu tiền của nhân dân, ngân sách của nhà nước thì có nghĩa vụ và trách nhiệm trở về để “trả nợ”.
Như vậy, có phải những điều kiện ràng buộc chưa đủ chắc chắn dẫn tới tình trạng “lọt” nhân tài, thưa bà?
Hiện tại người ta tập trung chủ yếu vào những học bổng dành cho đối tượng đang đi làm tiếp tục theo học. Với những trường hợp này tỷ lệ về rất cao và dĩ nhiên công sức, tiền bạc nhà nước bỏ ra là phù hợp. Song, với những người không trở về những có những cống hiến thiết thực và có lòng tự hào dân tộc khi ở nước ngoài thì cũng rất đáng để hoan nghênh. Tôi nghĩ rằng, phải đặt hai chữ trách nhiệm lên hàng đầu, khi đó việc về hay ở nó chỉ là hình thức.
Vậy theo bà vấn đề đặt ra sau vụ việc của giảng viên Doãn Minh Đăng là gì?
Theo tôi, nhân tài chỉ được sử dụng cho những người đã có những cống hiến lớn cho đất nước. Kết quả là 13 bạn quán quân rồi á quân của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đi mà không về không đại diện hết cho số du học sinh ở nước ngoài. Đây chỉ là một nhóm nhỏ của một cuộc thi thôi! Nếu chúng ta quan sát ở các học bổng khác thì sẽ thấy kết quả khác.
Chính vì vậy tôi nghĩ rằng, vấn đề đặt ra không phải cho toàn đất nước mà là cho chính Ban tổ chức cuộc thi. Những người trong Ban tổ chức cần phải trả lời được rằng tại sao những du học sinh này ra đi không hẹn ngày trở về?
Xin cảm ơn bà!
“Tôi nghĩ rằng, vấn đề giáo dục của nước ta không chỉ đổ lỗi cho Bộ Giáo dục mà còn phải có trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Nhà trường và giáo viên cần thay đổi tư duy sao cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của xã hội hiện tại. Còn bản thân gia đình, cũng cần có sự thay đổi. Cha mẹ học sinh cứ cho rằng việc về Việt Nam sẽ có tình trạng “con ông cháu cha”, đút lót nhưng thực tế thì không hoàn toàn đúng. Nếu mình có tài năng thì không lo thiếu đất dụng võ”.