Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Ban Biên tập báo cáo gồm có: GS. TS. Phạm Quang Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig, Giessen và TS Nguyễn Thị Thùy Trang, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig, Giessen thay mặt Ban biên tập phát biểu tại Tọa đàm. |
Trọng tâm của Báo cáo số này là tiếp cận vấn đề khắc phục hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam từ góc độ chính trị - xã hội: Việt Nam được tái thiết như thế nào sau sự tàn phá của chiến tranh? Việt Nam đã cố gắng giải quyết những hậu quả xã hội của chiến tranh như thế nào?
Có quá nhiều vấn đề chính trị - xã hội cần giải quyết ở Việt Nam kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, những vấn đề đã được chỉ ra trong các bài viết độc lập. Đặc biệt là sau năm 1954 và 1975, phần lớn lãnh thổ của Việt Nam ngày nay đã bị tàn phá khủng khiếp, hàng trăm nghìn sinh mạng mất đi và hàng trăm nghìn người khác sống sót sau chiến tranh rơi vào cảnh góa bụa, mổ côi hoặc bị tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần.
Những hậu quả lâu dài của chiến tranh vẫn còn hiện rõ cho đến ngày nay, nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, cụ thể là vô số vật liệu nổ còn sót lại vẫn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Khủng khiếp hơn nữa là những hậu quả lâu dài đối với con người và môi trường gây ra bởi các chất độc hóa học, chất khai quang, đặc biệt là chất độc da cam/dioxin mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
“May mắn thay, ngày nay tất cả chỉ còn là quá khứ và Việt Nam đã và đang nhận được sự hợp tác từ các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức viện trợ chính phủ và phi chính phủ từ nhiều quốc gia trên thế giới để rà phá bom mìn, khử ô nhiễm đất và cải thiện tình hình của những người bị ảnh hưởng. Tương lai thuộc về những nỗ lực này”, TS. Detlef Briesen nói.
Những bài viết trong báo cáo bao gồm: Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; Chính sách ưu đãi người có công ở Việt Nam; Chăm sóc sức khỏe - Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; Chính sách xây dựng vùng kinh tế mới sau năm 1975: Mục tiêu và thành tựu; Vấn đề bom mìn và vật liệu nổ từ góc độ kinh tế - xã hội sau năm 1975;
Giải quyết hậu quả của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghiên cứu đặc biệt: Điều kiện sống của nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ ở Việt Nam - Dựa trên khảo sát thực địa tại Thanh Hóa; Các chính sách khắc phục hậu quả của chiến tranh trong thế kỷ 20 - Nghiên cứu trường hợp Việt Nam; Thể chế và sáng kiến ở Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng rằng ấn phẩm của chúng tôi sẽ gợi ra nhiều vấn đề để suy ngẫm hoặc thậm chí có thể giúp đưa ra các biện pháp cải thiện tình hình trong tương lai, bởi vì dù sao thì quá khứ cũng không thể thay đổi: Chiến tranh đã để lại rất nhiều người tàn tật hoặc chấn thương và môi trường của một số khu vực, ví dụ như ở những nơi lưu trữ vũ khí hóa học trước đây của Mỹ như chất độc màu da cam bị ô nhiễm nặng, không được an toàn về mặt sức khỏe và sinh thái.” - TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig, Giessen nhấn mạnh.
PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV tin tưởng những kết quả nghiên cứu sẽ là cầu nối giữa tri thức và cuộc sống, góp phần thúc đẩy những hoạt động hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh. |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chiến tranh nay đã lùi xa vào quá khứ. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn những vết thương chiến tranh tại Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề được xã hội và thế giới rất quan tâm.
Ông tin tưởng những kết quả nghiên cứu trong báo cáo sẽ là cầu nối giữa tri thức và cuộc sống, góp phần thúc đẩy những hoạt động hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, cung cấp các luận cứ cần thiết cho quá trình hoạch định chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam trong thời gian tới.
Mời quý độc giả xem video: "Phóng Sự Chiến Tranh Việt Nam: Giải phóng Thủ Đô". Nguồn: Nhân Dân.